Gặp lại những em bé 'lánh nạn'

TP - Hai trong số 5 người trong “Lánh nạn” (Flee to safety) của nhà báo Nhật Kyoichi Sawada, bức ảnh đoạt giải Pulitzer năm 1966, đã qua đời. Ba đứa trẻ trong ảnh giờ lấm tấm tóc bạc vẫn không thôi thương nhớ về một người Nhật dễ mến.

Ba nhân vật trong bức ảnh vẫn còn sống là ông Nguyễn Văn Anh (64 tuổi, ở thôn Lộc Thượng, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định), em gái ông Anh là bà Nguyễn Thị Kim Liên (58 tuổi, ở thôn Đại Lễ, Phước Hiệp, Tuy Phước) và bà Nguyễn Thị Huệ (52 tuổi, ở thôn Phụng Sơn, Phước Sơn). Hai người phụ nữ trong bức ảnh đã mất là cụ Trần Thị Ba (mẹ ông Anh) và cụ Lê Thị Đào (mẹ bà Huệ).

Gặp lại những em bé 'lánh nạn' ảnh 1

Bức ảnh “Lánh nạn” của tác giả Kyoichi Sawada.

Tuổi thơ dữ dội

Những ngày cuối năm bận rộn, vừa từ ruộng về, ông Nguyễn Văn Anh lại vội vã chạy xe lên khu công nghiệp Phú Tài. Ông nói mới nhận được chân bảo vệ cho một công ty gỗ trên đó. Khi nhắc về bức ảnh và tác giả, ông mới mở lòng chia sẻ: Nếu như nhà báo Kyoichi Sawada không cất công tìm đến tận nhà, tìm gặp lại những nhân vật trong bức ảnh, hẳn ông cũng đã quên bẵng hình ảnh của mình trong một lần lánh nạn, bởi phải lo toan, chật vật mưu sinh. 

Gặp lại những em bé 'lánh nạn' ảnh 2

Nhà báo Kyoichi Sawada (1936-1970).

Bức ảnh được ông Sawada lúc đó là phóng viên chiến trường của hãng tin Mỹ UPI (United Press International) chụp tại làng Lộc Thượng năm 1965. Trong ảnh là hai người phụ nữ và ba em bé dìu nhau dưới nước chạy trốn cuộc không kích, càn quét của lính Mỹ. Trong ký ức của ông Anh, tuổi thơ ông lem luốc, nơm nớp với những đợt chạy đạn, dội bom. Làng Lộc Thượng thường xuyên hứng chịu những trận càn quét của lính Mỹ; nhà cửa, ruộng đồng tan hoang, điêu tàn. Cha của ông cùng nhiều trai tráng trong làng đều phải lánh nạn ở nơi khác để khỏi bị bắt lính. Trong làng chỉ còn lại người già, phụ nữ và trẻ em.

“Không ai muốn nhắc đến quá khứ đau thương, chiến tranh loạn lạc. Nhưng bức ảnh “Lánh nạn” được treo trang trọng giữa nhà là bởi muốn nhớ về ông Kyoichi Sawada - một người lạ bỗng dưng lại thành thân thiết như người một nhà”

Ông Nguyễn Văn Anh, một trong năm người trong bức ảnh “Lánh nạn”

Một buổi sáng tháng 3/1965, sau đợt xả đạn hàng loạt, lính Mỹ kéo vào làng. Chị Trần Thị Ba ẵm con gái và kéo con trai băng qua kênh Ông Giáo Thừa, qua một cánh đồng, rồi tiếp tục vượt dòng sông Trong để đến gò Ông Chấm tránh bom. Lúc đó, ông Anh mới 14 tuổi, còn bà Liên 8 tuổi được mẹ bế trên tay. Ra đến sông Trong, 3 mẹ con gặp hàng xóm Lê Thị Đào bế con nhỏ mới 2 tuổi. Năm người sắp đến gò Ông Chấm thì có nhóm phóng viên đưa máy lên chụp ảnh. 

“Lúc đó, cả đoàn chạy lánh nạn đông người lắm, nhưng trong bức ảnh của nhà báo Nhật thì chỉ có 5 người gồm mẹ tôi, em gái, tôi và mẹ con cô Đào. Thấy ông ấy chĩa máy về phía mình, chúng tôi cứ nghĩ là súng nên ai nấy hoảng sợ, nhưng sau đó có người dịch lại lời ổng nói rằng ổng là nhà báo, chỉ chụp ảnh và hỏi xin tên”, ông Anh kể.

Gặp lại những em bé 'lánh nạn' ảnh 3

Ông Anh chỉ nơi đoàn người chạy nạn gặp ông Sawada.

Người lạ trùng phùng

Một năm sau, ông Sawada trở lại làng Lộc Thượng, tìm gặp những nhân vật trong bức ảnh để thông báo tác phẩm đạt giải thưởng và tặng quà, cảm ơn. Ai nấy đều bất ngờ. “Ổng thân thiện lắm, cứ ôm mấy đứa nhỏ tụi tui, hỏi gì đó bằng tiếng Nhật và lúc nào cũng mỉm cười, ánh nhìn trìu mến”, ông Anh kể. Ông Sawada tặng quà cùng bức ảnh “Lánh nạn” cho gia đình ông Anh và bà Đào rồi chụp ảnh lưu niệm trước khi ra về.

Năm 1968, gia đình ông Anh chuyển xuống thị xã Quy Nhơn (nay là thành phố Quy Nhơn) sinh sống, ông Sawada lại tìm đến nơi ở của ông khiến ai nấy xúc động. Sau này, chiến tranh kết thúc, gia đình ông Anh trở lại làng Lộc Thượng sinh sống, trông ngóng về người bạn ngoại quốc, nhưng không nhận được tin nào về ông Sawada.

Gặp lại những em bé 'lánh nạn' ảnh 4

Ông Nguyễn Văn Anh xúc động kể lại câu chuyện về phóng viên người Nhật. Ảnh: H. Văn.

Hàng chục năm sau đó, một nữ phóng viên người Nhật tìm đến thăm, đồng thời báo với gia đình về cái chết của phóng viên Kyoichi Sawada. Ông mất trong một lần tác nghiệp tại chiến trường Campuchia năm 1970. “Lúc đó, không ai nói với nhau câu gì, ngồi lặng mà nước mắt thì chảy. Một phóng viên dũng cảm, có nghĩa có tình mà giờ không còn cơ hội gặp lại nữa”, ông Anh ngậm ngùi.

Năm 1979, gia đình ông Anh lại bất ngờ đón vợ của ông Sawada về thăm. Nhìn thấy bức ảnh treo giữa nhà và nghe lại câu chuyện do chính những người trong cuộc kể khiến bà không cầm được nước mắt. Từ đó, nhiều phái đoàn của Nhật là người thân hoặc biết chuyện tìm về làng Lộc Thượng. Hiện nay, bà Liên sống cùng con cháu tại làng khác, còn bà Huệ vào Sài Gòn chăm cháu.

MỚI - NÓNG