Gặp lại người qua báo Tiền Phong được Bác tặng Huy hiệu

TP - Tôi gặp lại Anh hùng lao động Hà Văn Dân (huyện miền núi Quan Hóa, Thanh Hóa)- người được Bác Hồ tặng huy hiệu qua năm 1967- vào dịp Báo Tiền Phong tròn 65 năm ngày ra số báo đầu tiên.
Ông Hà Văn Dân

Trong câu chuyện của mình ông Dân nhớ đến chính xác chi tiết được Bác Hồ tặng huy hiệu sau khi câu chuyện về ông được phóng viên viết bài, gửi tòa soạn báo Tiền Phong đăng. Ông Dân nói: Thoáng đó mà đã bao năm rồi, chuyện vượt ghềnh sông Mã chở hàng, chạy đua với bom đạn trong kháng chiến chống Mỹ như mới vừa hôm qua.

Năm năm về trước, khi tôi gặp ông, ông dành trọn thời gian để kể về công việc của mình. Nhưng lần gặp lại này, những câu chuyện có phần quên phần nhớ. Ông nói nhiều về cuộc đời của một đứa trẻ sớm mồ côi cha, mẹ luôn quyết tâm sống thật tốt, mong muốn một cuộc sống tốt đẹp cho đồng bào.

Thư tặng Huy hiệu

Năm nay thương binh Hà Văn Dân đã ngoài 70 tuổi, hiện đang sống tại khu 6, thị trấn Hồi Xuân, huyện Quan Hóa. Từ lúc lên 5 tuổi, ông Dân mồ côi cả cha lẫn mẹ. Ông không biết mặt cha, và ấn tượng về mẹ cũng không còn rõ nét. Lúc nhỏ, Hà Văn Dân được ông ngoại cưu mang, rồi sau tự làm thuê, chăn trâu, chăn bò, đi rừng đốt than… Đến năm 17 tuổi, người thanh niên dân tộc Thái vẫn bữa đói bữa no, quanh năm chỉ có một bộ quần áo mặc trên người. Bù lại, ai cũng thương quý Dân vì tính nết hiền lành, chịu thương chịu khó.

Rồi số phận đã mỉm cười với chàng trai Hà Văn Dân vào ngày 12/10/1964. Hôm đó, ông Dân đem dây song bện đến bán cho cán bộ lâm nghiệp, được cán bộ lâm nghiệp cho ăn cơm. Sau đó, thấy hoàn cảnh Dân đáng thương, lại là người hiền lành, chịu khó nên cán bộ bảo ở lại đi làm cùng anh em thợ thuyền. Từ đó, ông Dân trở thành công nhân Công ty Lâm nghiệp Quan Hóa. Ông bắt đầu học cách buộc dây, xoắn lạt, kết bè, chèo thuyền, chống mảng suốt một năm trời mới chính thức được đi bè vận tải dọc sông Mã.

Sông Mã vốn hung dữ, nguy hiểm, nhưng trong suốt thời gian công tác của mình, Hà Văn Dân cùng đồng nghiệp đã vận chuyển hàng trăm chuyến bè thành công. “Không ít chuyến đi nguy hiểm đến tính mạng. Có khi bè bị đập tan khi lệnh luồng nước, khi tránh máy bay của giặc Mỹ phải di chuyển bè vào ban đêm… nhưng mọi người không hề nao núng, quyết hoàn thành công việc của mình” - ông Dân kể.

Những chuyến bè gỗ (thường từ 11 - 12 khối), bè luồng (chừng 5 - 6 trăm cây), được vận chuyển trên sông suốt bốn mùa. Việc vận chuyển bè gỗ, luồng hoàn toàn dùng sức mạnh cơ bắp và kinh nghiệm chứ không phải dùng máy hỗ trợ như bây giờ.

Kỷ niệm sâu sắc nhất, cũng là câu chuyện khiến các phóng viên lúc bấy giờ tìm đến ông để được nghe kể lại, ghi nhận sự cống hiến của ông rồi đăng trên báo Tiền Phong là chuyện ông lấy thân mình làm “trụ chèo” để cứu bè. Đó là chiều mưa lũ năm 1965, khi mọi người đang ngồi trú trong lán, bỗng nghe tiếng nước ầm ầm, rồi một bè gỗ 12 khối đứt dây chằng, trôi ra giữa dòng sông Mã. Với ý thức phải cứu bè, ông Dân cùng ông Dụng (một trong những công nhân của đơn vị) chạy ào ra bờ sông. Hai người cố bơi theo bè, nhảy bám lên bè, nhưng bè đã mất trụ chèo, không có điểm tựa để chèo lái được. Nước lũ lớn, không có trụ để chèo lái bè, nếu không cứu bè kịp thì chỉ qua vài dòng chảy là bè sẽ bị đánh tan.

Lúc này, ông Dân nghĩ đây là tài sản của Nhà nước, của nhân dân phải cứu bè bằng mọi giá. Suy nghĩ ấy cùng với kinh nghiệm vượt sông Mã, thôi thúc ông Dân lao xuống dòng nước lũ ghì bám chặt vào đầu bè để làm trụ. Còn trên bè, ông Dụng lấy chèo, tỳ lên vai và cổ phía bên phải của ông Dân vật lộn nhiều giờ đồng hồ mới chèo được 12 khối gỗ vào bờ. Dường như lúc này sức đã kiệt, nhưng ông Dân tiếp tục làm trụ chèo rồi bảo vệ bè, để ông Dụng quay lại đơn vị gọi người đến hỗ trợ, quyết không để mất bè. Khi câu chuyện này được đăng trên báo Tiền Phong, Bác Hồ đọc được đã khen ngợi và thông qua báo Tiền Phong tặng Huy hiệu Hồ Chí Minh cho Hà Văn Dân.

Ông Dân chỉ vào những vết thương trên mặt, cổ rồi kể lại nhiều chuyến cứu bè, chạy đua với bom đạn của Mỹ những năm sau đó. Có lúc tưởng như đã mất mạng nhưng được cứu kịp thời mà sống sót. Sau lần bị thương nặng nhất là vào tháng 10/1966, ông Dân nằm dưỡng thương 6 tháng. Lúc bấy giờ thanh niên Dân 19 tuổi. Lo cho sức khỏe của ông, mọi người đề nghị chuyển ông Dân sang làm các công việc hành chính, nhưng ông nhất quyết không chịu. Sau đó, ông tiếp tục lại đi bè, có nhiều sáng kiến nhằm hợp lý việc vận chuyển trên sông Mã hiệu quả hơn.

Với nhiều thành tích, chiến công, tháng 12/1973, Hà Văn Dân được Chủ tịch Tôn Đức Thắng ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, vào sổ vàng số 87 SV. Năm 1978, ông vinh dự được thay mặt hàng triệu thanh niên Việt Nam tham dự Festival Thanh niên Quốc tế tổ chức tại Cu Ba. Liên tiếp bốn khóa Quốc hội, từ khóa IV đến khóa VII, ông vinh dự được bầu làm đại biểu Quốc hội. Ông cũng từng là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong một thời gian dài...

Ông Dân có 3 người con, hiện đều có cuộc sống riêng. Trước khi tạm biệt, ông Hà Văn Dân nói lời cảm ơn báo Tiền Phong, phóng viên năm ấy, đã lan tỏa đi câu chuyện “Chiếc trụ chèo” tới nhiều người để lan tỏa tinh thần sự quyết tâm cống hiến của tuổi trẻ.