Gặp lại người đã viết tặng tôi 30 bài thơ...

Gặp lại người đã viết tặng tôi 30 bài thơ...
Mùa hè năm 2006, một hôm nhà thơ Võ Văn Trực gọi điện cho tôi biết nhà thơ Hoài Anh từ thành phố Hồ Chí Minh ra, đang ở chơi Hà Nội. Lần tìm theo số điện thoại ông Trực cho, cuối cùng tôi cũng gặp được nhà thơ Hoài Anh đang ở nhà người bạn văn.
Gặp lại người đã viết tặng tôi 30 bài thơ... ảnh 1
Nhà thơ Hoài Anh. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Tôi mời ông quá bộ lên “tệ xá” chơi, ăn cơm để có thời gian được trò chuyện lâu hơn. Ông nhận lời. Quả thật đã lâu lắm rồi tôi và “ông xã” – dịch giả Phan Hồng Giang, mới lại được ngồi lâu và trò chuyện về đủ thứ trên đời với  nhà thơ Hoài Anh như hôm ấy…

Nhà thơ Hoài Anh vào làm việc trong thành phố Hồ Chí Minh đã lâu, lại cũng lâu anh em không gặp nhau chắc ông cũng không khỏi ngỡ ngàng về sự khác xa của tôi bây giờ với tôi ngày tình cờ quen ông. Làm sao mà không khác cho được?

Ngày ấy tôi mới 18 tuổi đang là cô văn công vừa mới tốt nghiệp ra trường và được cử đi biểu diễn ở Trường Sơn cùng hơn mười người bạn trẻ nữa.

Đang tập trung ở trạm 66 để hôm sau ngồi xe tải đi vào trong kia chợt tôi nhớ là phải tranh thủ đến chào tạm biệt một người anh công tác ở Sở Văn hóa Hà Nội.

Đến nơi, người ra mở cửa căn phòng ấy không phải người tôi cần gặp mà là một người đàn ông lạ hoắc, dáng người cũ kỹ, ít nói… Tôi lí nhí thanh minh rằng tôi sắp đi chiến trường, rằng  tôi cần tìm gặp…

Nghe thấy thế ông vội mời tôi vào và nói rằng người tôi cần tìm đã chuyển công tác, rằng ông là nhà thơ Hoài Anh mới chuyển đến ở đây. Nghe tên ông tôi hơi ngỡ ngàng. Tôi nói là tôi đã được đọc nhiều thơ của ông và cũng rất thích thơ tình cờ thế nào hôm nay lại được gặp ông...

Nhà thơ Hoài Anh tỏ ra rất cảm kích. Biết tôi sắp đi vào nơi khói lửa ông bèn đưa cho tôi mượn mấy quyển sách mang đi theo để đọc trong đó có cả quyển thơ của ông in chung với một vài người… Tôi phấn khởi ra về không khỏi khoe với các bạn rằng hôm nay mình được quen với một nhà thơ Hà Nội…

Có thể nói rằng, Hoài Anh là người làm việc khá lâu năm ở Hội Văn nghệ Hà Nội (từ năm 1955). Hay nói một cách khác, Hội Văn nghệ Hà Nội đã quá quen với việc có ông ở đó.

Nhà thơ Hoài Anh là một người uyên bác, “thông kim bác cổ”… động đến lĩnh vực nào trong văn chương ông cũng tinh tường. Ông là tác giả của những tập truyện: Ngựa ông đã về, Đuốc lá dừa, Đầu gió, tiểu thuyết Chim gọi nắng và tập thơ Dạ lan.

Đặc biệt, ông còn được Hội Nghệ sĩ sân khấu VN tặng thưởng cho vở kịch Xe pháo mã. Ông tâm sự: “Thể loại tôi thích hơn cả là thơ, đề tài tôi thích nhất là Hà Nội. Thể loại tôi thích thứ hai là tiểu thuyết và truyện lịch sử…”.

Sau khi ở chiến trường ra tôi tìm đến nhà thơ Hoài Anh để xin lỗi vì tôi không thể giữ gìn những quyển sách của ông cho mượn. Ông hiểu và không trách móc gì. Tôi cảm thấy yên tâm và rụt rè khoe với ông một chùm thơ tôi viết ở chiến trường (chắc chắn là rất ngây ngô).

Đó là những bài thơ được viết ngay tại trận để cô bạn cùng đi là Thanh Hoài ngâm (hiện chị đang chờ phong NSND đợt này) phục vụ các anh thương bệnh binh. Nhà thơ Hoài Anh mừng rỡ đón nhận và động viên tôi viết tiếp…

Được lời như cởi tấm lòng, từ đó tôi say sưa viết hơn vì nghĩ đã có người lắng nghe và chịu đọc những điều mình viết. Tôi viết mà không dám nghĩ đến chuyện gửi in vì để được in trên báo hồi ấy là cái gì đó xa vời lắm, cao sang lắm đối với những người mới cầm bút.

Hồi ấy mà có thơ xuất hiện trên báo Văn nghệ của Hội Nhà văn VN là vinh dự không thể tả được. Tôi vẫn nhớ như in ngày lần đầu có bài in ở đó tôi đã mua mấy số liền để tặng thầy giáo và bạn bè đồng nghiệp… Bây giờ vẫn như còn cảm thấy trang báo khi đó thơm mùi mực in như thế nào?

Và, những bài thơ được in đầu tiên và sau đó tôi được trao giải khuyến khích trong cuộc thi thơ cũng là do công của nhà thơ Hoài Anh đã chọn lựa và gửi đến tòa soạn giúp.

Đầu những năm 70, nhà thơ Hoài Anh lấy vợ và có hai cậu con sinh đôi kháu khỉnh. Gia đình nhà thơ chuyển về sống ở phố Hàng Bồ. Còn tôi thì cũng có cuộc sống riêng của mình. Nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn lên Hàng Bồ thăm ông và gửi thơ cho ông đọc.

Tôi không biết khi ấy trong cuộc sống riêng ông có hạnh phúc không nhưng mỗi lần tôi đến căn phòng nhỏ xíu của ông ở gác hai sâu hun hút, tối om trên phố Hàng Bồ tôi rất lấy làm ngạc nhiên…

Tôi ngạc nhiên vì ít khi thấy vợ ông có mặt ở nhà mặc dù lúc ấy đã khoảng 5-6 giờ chiều… cửa không khóa hàng xóm đi qua có thể nhìn vào căn phòng nhỏ xíu của ông một cách “thoải mái”…

Còn ông thì trùm chăn nằm ngủ say sưa trên chiếc giường duy nhất của căn phòng. Dưới gầm giường là sách vở được xếp vào từng thúng. Không thấy bếp lửa, cũng không thấy hai đứa trẻ đâu…

Tôi lặng lẽ đi xuống và ra về. Lòng băn khoăn nghĩ “Sao nhà thơ lại có thể ngủ vào giờ ấy được nhỉ? Và không hiểu ông thường làm thơ và viết lách vào lúc nào?”.

Nói vậy chứ nếu nhà thơ có thức thì cũng chả nói chuyện được câu gì vì với phụ nữ ông vốn là người nhút nhát, ít nói (hay là tôi cảm nhận thế). Vậy mà nhà thơ Hoài Anh đã viết rất nhiều, ông không chỉ làm thơ, viết truyện mà còn viết sách nghiên cứu, sách lịch sử, dã sử… Thật ngạc nhiên.

Thế rồi Hà Nội những ngày máy bay Mỹ bắn phá ra miền Bắc. Nhà hát nơi tôi công tác cũng phải lên tận Vĩnh Phú. Thỉnh thoảng tôi lại nhận được thư của nhà thơ Hoài Anh. Ông lúc nào cũng quan tâm xem tôi viết được bài nào mới thì gửi về cho ông đọc và gửi đi in báo.

Mỗi bài thơ được in ra, được mọi người đón đọc đã là một sự động viên lớn đối với tôi ngày ấy.

Sau bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời vậy mà cho đến tận bây giờ tôi vẫn giữ được những lá thư ông viết từ năm 1972 với những dòng dặn dò như thế này về nghiệp văn “Hồng Ngát thân, cố gắng quan sát cuộc sống chung quanh tìm lấy những chi tiết đặc biệt mà có ý nghĩa nhưng không phải lối quan sát lạnh lùng mà phải tràn đầy cảm xúc…” hoặc “Đừng chạy theo cái lạ cầu kỳ, kiểu cách hoa hòe hoa sói, chỉ viết những cái gì mình rung cảm thực sự…

Mà trước hết phải nhớ mình là phụ nữ, phải nhìn với cặp mắt phụ nữ, có nữ tính trong thơ... đọc lên thấy ngay là của cây bút nữ. Chất phụ nữ đó là chỗ mạnh của những người viết là nữ đấy”.

Thỉnh thoảng tôi gửi những bài thơ “lên gân” của mình về bị nhà thơ  “mắng”: “Sao không khai thác thế mạnh của mình mà cứ thích nói và nghĩ như con trai? Loại thơ con trai ấy có nhiều quá rồi người ta bao giờ cũng khao khát những tiếng nói mới mẻ và riêng biệt…”.

Cho đến bây giờ, thiết nghĩ, những lời nhà thơ Hoài Anh khuyên từ những năm 70 của thế kỷ trước xem ra vẫn đúng không chỉ với người viết bài này mà còn đúng với người cầm bút trẻ hôm nay nữa?

Những năm 80 gia đình nhà thơ Hoài Anh chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh sinh sống. Từ bấy đến giờ tôi rất ít được gặp ông. Hồi ông làm ở báo Văn nghệ thành phố HCM, mỗi lần vào trong đó tôi có ghé thăm ông ở tòa soạn.

Lúc thì ông có ở đó lúc thì không. Họ bảo thành phố rộng là thế nhưng ông toàn đi bộ. Không biết đi xe và không bao giờ ông mất tiền mua xe, dù là xe đạp! Điều này chả có gì lạ vì ở Hà Nội cũng có bao giờ ông đi xe đâu.

Thế rồi nghe nói ông cũng gặp chuyện buồn trong đời tư, trong công việc… tôi nghe cũng biết thế, chắc hẳn ông cũng vậy khi nghe ai đó nói về cuộc sống của tôi…

Lặng lẽ và kính trọng. Âm thầm và quí mến. Trong cuộc đời mỗi người đều có những tình cảm như vậy đối với những người mà mình tri ân.

Thật lạ là bây giờ nhà thơ Hoài Anh đã có một dáng vẻ khác trước nhiều. Ông khỏe mạnh hơn, nhanh nhẹn hơn và cũng hay nói hơn (nói nhiều nữa là đằng khác).

Có lẽ cuộc sống sôi động ở phương Nam đã tác động nhiều đến ông với những tính tích cực của nó. Ông “khoe” sách dã sử của ông bán rất chạy, ông viết thành nhiều tập, in không kịp…

Cứ tưởng ông là người ít quan tâm đến đời sống văn học nhưng không phải. Chuyện gì ở đâu ông cũng biết khiến chúng tôi ở ngay Hà Nội phải tròn mắt ngạc nhiên…

Vậy mà ông bảo ông bây giờ chả còn thiết quan tâm đến cái gì, ông thì chỉ thích vui thôi! Bây giờ ông mới “bật mí” rằng ông có khoảng ba chục bài thơ viết tặng tôi từ những năm 70 của thế kỷ trước nhưng chưa gửi in ở đâu bao giờ!

“Ông xã” tôi gạ ông đọc… Ông đọc một lèo dăm bẩy bài… Tưởng thế nào hóa ra từ cân chè móc câu tôi biếu ông ngày nào cũng được ông đưa vào thơ…

Mọi người được bữa cười vui, rôm rả. Nhà thơ Võ Văn Trực khen trí nhớ của nhà thơ Hoài Anh quả thật tuyệt vời. Mấy chục năm rồi mà vẫn nhớ thơ của mình vanh vách…

Rõ ràng thời gian dù có qua đi nhưng vẫn không xóa nổi những kỷ niệm đẹp đẽ, những tình cảm ấm áp mà những người anh đi trước trên văn đàn đã để lại trong lòng những người đi sau như chúng tôi.

01/07

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.