Gặp lại“ma rừng”

Gặp lại“ma rừng”
TP - Hơn 5 năm trước, nhà chàng trai Xê Đăng này bị bản của mình nghi là có ma. Anh tình nguyện tự cắt cổ để tống khứ con ma đi. Được cứu chữa, được đi học và bố trí công ăn việc làm, giờ anh trở thành người khai sáng bản làng.
Gặp lại“ma rừng” ảnh 1
Hà Văn Hiếu

Phòng làm việc của Ban giám hiệu trường THPT Nam Trà My (Quảng Nam). Hồ Văn Hiếu bắt tay tôi. Phổng phao, cao lớn, tự tin. Trôi về trong tôi những trường đoạn cuối tháng 8/2001.

Mùi ngai ngái của khoa Ngoại Trung tâm Y tế  Trà My. Hiếu ngồi rũ bên góc giường sắt. Mờ đục, ảo não, ốm tong, co quắp. Hai mươi tuổi mà như trẻ lên mười. Cái nhìn như còn vương nỗi kinh hoàng, ám  ảnh bái vật giáo.

Trà Cang là nơi cư ngụ của tộc người Xê Đăng. Già làng nghi nhà Hiếu có ma, buộc phải cúng con trâu, nếu không sẽ có người chết. Mẹ già và 7 anh chị em còn nhỏ. Con trâu là “lao động chính”, tống tiễn nó đi đồng nghĩa với đói. Hiếu xin chết thay trâu. Già làng gật, với điều kiện phải ra khỏi làng và từ đây Hiếu bị gạch tên khỏi sổ làng, trở thành “ma rừng”.

Một chiều vắng người ở khu tập thể trường nội trú huyện, Hiếu cầm con dao chặt cá của nhà bếp, phứa ngang cổ. Y bác sĩ của bệnh viện nháo nhào lên. Đi Tam Kỳ, ra Đà Nẵng cũng không xong.

Bệnh viện Chợ Rẫy có thể chữa được với điều kiện nâng cao thể trạng. Chịu. Chấp nhận từ đây, Hiếu thành “con mọn” bệnh viện huyện, ăn uống một tay nhân viên bệnh viện chăm bẵm  đổ thức ăn qua ống thông dạ dày được xẻ bên hông. 

Nhưng cái họa ngoài sức tưởng tượng bao người ấy - mà khi tôi viết trên Tiền phong Chủ nhật tháng đó, bạn đọc nhiều người bán tín bán nghi - một buổi tình cờ đã gặp may.

Ông Đỗ Nguyên Phương, lúc đó là Bộ trưởng Y tế, đi thị sát tình hình, biết chuyện. Thế là anh chàng được đưa ra Huế nối thực quản, giúp ăn uống trở lại bình thường.

Riêng thanh quản thì được nhét một ống thép không gỉ. Hiếu trở về. Tiếp tục làm “biên chế” của bệnh viện, bởi đường về làng đã tắc khi người anh ruột xuống thăm, bảo mày là ma rừng rồi...

Công việc xô đẩy khiến tôi bẵng đi gương mặt loang lổ chồng trên cái cổ có vết hằn sâu hoắm với ống thép phập phồng lên xuống, như lời thề độc đùn lên từ màn sương kỳ dị của luật tục chết người sau những cánh rừng già.

Hôm bất ngờ gặp một người ở Tăkpor, thủ phủ của vùng cao Nam Trà My, đẩy đưa chuyện, anh  bật ra cái tên Hiếu đang học lớp 10. Trí nhớ nhỏm dậy.  Mưa. Đường quăng quật. Trong khi chờ Hiếu, anh giáo viên  trố mắt khi nghe tôi kể.

Hiếu đến, em nhận ra tôi. Đúng dáng  một trai làng. “Cái ống thép vẫn còn đấy à ?”. “Dạ”. Hiếu đưa tay bịt miệng ống. Có như vậy âm thanh mới phát ra, còn không là không rõ.

Gặp lại“ma rừng” ảnh 2
Hà Văn Hiếu xuống bản

Cuộc trò chuyện sau đó với anh Phạm Đình Hải - Giám đốc Trung tâm y tế huyện Nam Trà My , tôi biết thêm là thanh quản không nối được vì đó là sụn. Khi Hiếu bỏ tay ra, hơi từ trong người tống lên, mùi không dễ chịu. 

Nhìn Hiếu, tay bịt ống,  khàn khàn  kể hành trình trở lại trường học, tôi nghĩ đến đoạn đường ngắn ngủi  xa thẳm đầy chông gai mà Hiếu đã can trường lội ngược dòng, viết tiếp trường đoạn khác của số phận mình.

Cái lần tự cắt cổ ấy, Hiếu đang học dở lớp 8. Chưa hết cái nợ với làng thì vận vào nợ nuôi nấng cứu chữa của trung tâm. Hiếu xin anh Hải cho  đi học y tế thôn bản. Anh gật. Thế là khăn gói xuống Tam Kỳ học 6 tháng.

Quay về làng. Dân làng hoảng sợ. Thấy Hiếu cứ vào từng nhà vận động phòng dịch, vệ sinh, uống thuốc khi ốm đau, người làng bắt đầu nhìn bằng con mắt khác. Ba  năm ròng rã, đều đặn Hiếu xuống huyện nhận thuốc rồi gùi về.

Trà Cang có 7 thôn, thôn này cách thôn kia cả một ngày đường, dốc dựng bước đi gối đụng đến cằm.  “Em làm y tá để trả ơn bác sĩ cứu em”. Câu trả lời nhẹ nhàng mà tôi nghe như có sức nặng lật ngược hết những câu hỏi không lời đáp về biên niên của bao kiếp người, mà khi chào đời đã dự phần trách nhiệm cộng đồng bên bếp lửa nhà sàn, những oan nghiệt luật tục,  món nợ mờ mịt xưa cũ gần như bản năng mãi đóng đinh vào từng liếp nhà, số phận.

“Làng bây giờ không còn bắt trâu cúng ma. Bà con thương em. Nếu không học tiếp thì không làm bác sĩ được, nên năm ngoái em đi học trở lại lớp 9”. Nước trào ra từ ống thép. Tỉnh như không, anh chàng đưa tay chùi.

“Hiếu 24 tuổi, lớn nhất lớp, lại là học sinh đặc biệt, nên miễn kiểm tra bài, nhưng học được, chịu khó”- Lời anh giáo viên đứng lớp. Những mẩu chuyện rùng rợn về chuyện “tế đầu” vùng cao trở về trong tôi,  rồi  nhìn Hiếu, trên đường về nhớ lại, đành xếp Hiếu vào danh sách những người mỉm cười với trò đùa số phận mà trong trường hợp này quả là đặc biệt, bởi  hàng bao đời nay, đồng bào vùng cao vẫn hít thở bằng luật tục, kẻ nào vi phạm, khắc biến mình thành ma.

Anh Hải nói : “Tôi biết nó mười năm nay, kể từ ngày nó bị nạn.  Nếu là người bình thường chắc chắn đã chết. Chết vì yếu đuối. Hiếu là đứa có nghị lực phi thường”.

“Tết này, tranh thủ nghỉ học, em lại làm y tá”. Ngày mai,  Hiếu về lại Trà Cang để ăn mừng lúa mới. Vẫn đôi mắt   thăm thẳm sơn cước ngày cũ nhưng  nay cái nhìn như đã khác.

Trà Cang đặc biệt khó khăn, xa xôi hút mắt, tôi đã đến. Đường về đó, đi muốn rã chân. Đó cũng là con đường đi dọc hành trình số phận Hiếu. Nhớ lần gặp năm đó, Hiếu không nói được, chỉ có bút đàm “Em không dám về đâu, sợ làng bắt vạ, em thành con ma rồi”...

MỚI - NÓNG