Gặp 'Đười ươi chân kinh' Bùi Giáng ở Hà Nội

Gặp 'Đười ươi chân kinh' Bùi Giáng ở Hà Nội
TPO – Khác nhiều thi sĩ nổi tiếng, Bùi Giáng chưa một lần đặt chân tới Hà Nội. Nhưng những câu thơ, trang sách lẫn giai thoại về ông vươn xa hơn nhiều cái khoảng cách hạn hẹp của không gian, thời gian

Bùi Giáng qua Đinh Cường

Tối 20-12, nhiều người ở Hà Nội đã "gặp lại" thi sĩ họ Bùi này ngay tại Trung tâm văn hóa Việt Nam (Tràng Tiền) qua lời chia sẻ cá nhân, lời giới thiệu về cuốn tinh tuyển “Đười ươi Chân kinh” mà nhà xuất bản Nhã Nam mới ra mắt của nhà nghiên cứu, dịch giả Bùi Văn Nam Sơn, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, dịch giả Nguyễn Nhật Anh, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên.

Bùi Giáng – sự tổng hợp của nghịch lí

Ở Bùi Giáng là sự tổng hòa của những nghịch lí, của những trái ngược. Bùi Giáng từng tự họa: "Nhe răng cười trong bóng tối... Không bao giờ bắt chuồn chuồn mà cứ bảo rằng mình luôn luôn bắt chuồn chuồn... Không thiết chi đọc sách mà vẫn cặm cụi đọc sách hoài... Chán chường thi ca mà cứ làm thơ hoài... Chuốc sầu vạn đại thì bảo rằng mua vui cũng được một vài trống canh". Đó chính là sự mâu thuẫn trong chính con người ông.

Tuyển tập Bùi Giáng "Đười ươi chân kinh" của Công ty sách Nhã Nam kết hợp với Nhà xuất bản Hội Nhà văn là:  “một ghi nhận những đóng góp độc đáo của ông cho văn học nước nhà. Cuốn sách dựng lại chân dung của một nghệ sĩ cá biệt, nhưng lại gắn bó sâu sắc với đời sống văn học của đất nước, gắn bó với số phận của nhiều người"

(nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo)

Tiếp xúc với ông qua những con chữ, trang viết, mỗi người có thể tìm thấy cho mình một góc cảm nhận riêng về thi sĩ Bùi Giáng. Nhà nghiên cứu (cũng là cháu của thi sĩ Bùi Giáng) Bùi Văn Nam Sơn so sánh ông như một "chiếc kính vạn hoa".

Ngay từ tựa đề của các bài viết giúp hình dung phần nào về sự tổng hợp nghịch lí ấy: Bùi Giáng, một hồn thơ bị vây khốn; Bùi Giáng, một tâm hồn mênh mông ảo diệu; Bùi Giáng, giang san một gánh dị thường; Bùi Giáng, từ phá thể đến hội nhập; Cuộc hòa giải vô t ận: trường hợp thơ Bùi Giáng; Bùi Giáng từ phá thể đến hội nhập…

Chia sẻ trong buổi tọa đàm, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo ấn tượng lắm cái lần đầu tiên gặp ông thi sĩ nổi tiếng với danh thiếp in hai câu thơ họa theo lời Mã Giám Sinh (Truyện Kiều, Nguyễn Du): “Hỏi tên rằng Biển Xanh Dâu – Hỏi quê rằng Mộng Ban Đầu đã xa”: “Một ông lão gầy nhom, râu tóc bạc phơ, quần áo nhầu nhĩ ngồi sau chiếc xe đạp thồ lướt qua đường và điều đặc biệt là ông ngồi quay lưng với người lái xe, tay huơ lên như đang nói với trời xanh”.

Cái cách ngồi quay lưng lại với người lái ấy như ông đi ngược lại cái xuôi dòng chung của mọi người; đi ngược lại không gian và thời gian. Nhưng cái ông nói ra lại hướng tới phía trước, hướng tới tương lai. (Nhà thơ Nguyễn Trọng tạo cho hay).

Dù không còn là vấn đề mới nữa, nhưng câu hỏi: Bùi Giáng là nhà thơ lãng mạn, cổ điển hay nhà thơ tân kì? Bùi Giáng có cách tân thơ hay không, nếu có cách tân thì ở phương diện nào? Bùi Giáng là bậc thầy ở câu thơ hay bài thơ, tâm hồn thơ?... vẫn còn nóng nguyên; vẫn được đặt ra và tiếp tục đựoc các dịch giả, nhà nghiên cứu bàn tới trong buổi tọa đàm.

Tọa đàm nhân dịp ra mắt cuốn tinh tuyển Bùi Giáng
Tọa đàm nhân dịp ra mắt cuốn tinh tuyển Bùi Giáng "Đười ươi chân kinh". Ảnh: Xuân Tùng

Bùi Giáng giàu tình và triết lí

Trong hình hài có vẻ "điên điên", thiếu sức sống ấy còn có một Bùi Giáng giàu tình yêu; đậm tinh thần triết học. Không chỉ có những câu thơ phiêu bồng, Bùi Giáng còn có nhiều những câu thơ “lơ ngơ” một cách kỳ lạ và dễ thương (chữ dùng của Nguyễn Trọng Tạo): Người bước về đây năm ngón chân/ Tôi buồn người bảo có tay nâng/ Bàn tay người có đầy năm ngón/ Người đứng xa tôi tiến lại gần. Đó là những câu mở đầu cho bài “Người về”.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cho hay như lời giải thích của Hoàng Phủ Ngọc Tường, đây là bài thơ tóm gọn hiện tượng luận của Heigger. Ở đó thấm đẫm tinh thần triết học. “Các nhà phê bình thường kêu thơ ta ít tính triết học và thiếu vắng những tư tưởng lớn. Tôi nghĩ, đọc lại thơ Bùi Giáng, phần nào chúng ta sẽ trả lời được câu hỏi đó” (nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo)

Tình yêu luôn có trong con người này. Ông từng viết: Cầm gương lên hỏi/ Tóc bạc thưa rằng/ Trời đất cách ngăn/ Đừng mê con gái/ Bực quá liền quăng/ Tấm gương xuống đất/ Vẫn nghe mãi rằng/ Đó là sự thật (Tóc bạc thưa rằng). Tình yêu của Bùi Giáng dành cho rất nhiều người phụ nữ. Đó có thể là những người đẹp đã trở thành nàng thơ, được ông chân trọng gọi bằng "mẫu nghi" như: Nam Phương Hoàng Hậu, nghệ sĩ Kim Cương, ca sĩ Hà Thanh, Marilyn Monroe... Đó cũng là những người phụ nữ đồng nát ve chai. Như có lần chia sẻ với người cháu, Bùi Giáng cho hay mấy cô ấy tuy số phận và công việc có cực nhọc, nhưng so với các nữ hoàng, các nàng công chúa, các tài tử xinê nổi tiếng như Marilyn Monroe, hoặc Brigitte Bardot, thì thân xác dung nhan có khác gì nhau?

Yêu con người, thi sĩ họ Bùi cũng rất chân trọng loài vật. Trong buổi tọa đàm, có khán giả đã dẫn chuyện Bùi Giáng yêu thương bầy dê; xem chúng như người bạn mà kết vòng hoa...Hay như chuyện ông chăm sóc những con thú nhựa, coi chúng như thú thật mà bỏ cuộc nhậu về cho ăn...

Là một nhà thơ có bút lực phi thường "vô tiền khoáng hậu", lại là một dịch giả và nhà phê bình văn học, Bùi Giáng không xa lạ. Nhưng để hiểu về ông, có lẽ chỉ có cách những câu chữ của ông để chiêm nghiệm. Và “Đười ươi chân kinh” – hơn 500 trang sách gồm những bài thơ đầy đủ, còn có những câu thơ lục bát lẻ xuất thần được in trong một chương riêng - có thể giúp mọi người yên tâm "lật giở để thưởng thức "đười ươi thi sỹ" - Bùi Giáng!

Theo Viết
MỚI - NÓNG