Cả đời trồng người
Bà Hồ Hương Nam là người xứ Huế. Sau khi tốt nghiệp trường THPT Đồng Khánh, năm 1954, bà dạy học và theo học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Năm 1955, bà dạy học ở tỉnh Quảng Bình. Bà lập gia đình, rồi theo chồng ra Hà Nội và sinh được 3 người con.
Ở Hà Nội, bà dạy học tại nhiều trường. Năm 1979, bà đứng trên bục giảng của trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (Hà Nội), sau đó nghỉ hưu.
Từ đó đến năm 1993 bà làm cộng tác viên dân số gia đình và trẻ em ở phường Yên Phụ, “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” để vận động thực hiện kế hoạch hóa gia đình, không sinh con thứ ba.
Trong quá trình đó, bà tình cờ bắt gặp những trẻ em có khiếm khuyết bẩm sinh. Nhiệt huyết nghề giáo và tình thương người trỗi dậy, bà quyết tâm đi vận động từng gia đình có trẻ khuyết tật như câm, điếc bẩm sinh, tự kỷ,… để dạy chữ.
Đến năm 2000, để có thể dạy trẻ khuyết tật, bà Nam bỏ thời gian đi học ký hiệu.
Bà được trao tặng rất nhiều bằng khen, giấy khen. Ảnh: Thanh Hà.
Gian nan đến với trẻ khuyết tật
Những ngày đầu vận động các gia đình có trẻ khuyết tật, bà gặp nhiều khó khăn. Hầu như các gia đình đều không hưởng ứng, thậm chí có người còn đuổi bà đi và bảo “già rồi nên lẩm cẩm”. Có lúc, bà phải ngồi thuyết phục cha mẹ các bé đến tận 10 giờ đêm. Mưa dầm thấm lâu, ngày nào bà cũng bỏ thời gian đi vận động, cuối cùng, đã có hai gia đình đồng ý.
Có học trò nhưng chưa có lớp, bà Nam xin dạy ở trụ sở tuần tra của cụm dân cư số 6. Dạy được hơn một tháng, hai học sinh tiến bộ rõ rệt. “Về nhà, thấy con mình lễ phép chào hỏi, biết viết chữ, bố mẹ rất mừng và tin tưởng hơn”, bà Nam nói.
Bà Nam tiếp tục tìm, vận động thêm nhiều gia đình. Đến năm 2000, 6 học sinh khuyết tật theo lớp đặc biệt. Trong 2 năm đầu dạy học, thiếu thốn cơ sở vật chất, hàng ngày cứ dạy xong buổi sáng, buổi trưa bà lại đi xe ôm lên Phòng giáo dục quận Tây Hồ xin địa điểm dạy học.
Trời không phụ lòng người, những cố gắng của bà Nam cuối cùng cũng được đền đáp. Hiệu trưởng trường THCS An Dương - bà Trần Thị Vân khi đó, đã đồng ý cho bà cùng những học trò khuyết tật của mình về dạy và học tại trường. Ở đây, bà được phân lớp học, bàn ghế đầy đủ. Lúc này, số học trò của bà Nam tăng lên 10 em.
Điều khác biệt giữa lớp học của bà Nam là cô giáo không sử dụng bảng, bởi mỗi học sinh đều có những khiếm khuyết bẩm sinh khác nhau, như câm, khiếm thính hoặc mắc bệnh tự kỷ, bệnh đao, thiểu năng,…
Không những không thu bất kỳ một khoản tiền nào, bà Nam còn mua sách vở, bút cho các học trò của mình bằng những đồng tiền lương hàng tháng, hoặc tiền con cháu biếu. Học trò của bà sau khi “tốt nghiệp” có người đã đi làm và tự lo được cho cuộc sống của mình.
Hiện tại, lớp học đặc biệt này có 18 học sinh, và hằng ngày, bà Nam vẫn giảng dạy. Lớp học hoạt động từ 8 giờ đến10 giờ sáng, từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần.
Buổi học cuối tuần nào bà cũng mua bim bim, bánh mỳ tặng cho các học trò của mình. Tiếng lành đồn xa, nhiều phường khác đã đến học tập theo phương pháp dạy trẻ khuyết tật của bà.
Một trong những kỉ niệm bà nhớ nhất về nghiệp cầm phấn của mình là ngày 20/11/2011. Hôm đó, khi bà vừa bước chân vào lớp, tất cả các em học sinh đã ùa tới, mỗi em cầm một bông hoa nói: “Mừng ngày của bà, chúng cháu tặng bà!”. Hỏi ra mới biết, đó là những bông hoa được các em bỏ tiền ăn sáng ra mua tặng bà.
Tận tâm với công tác xã hội
Đến nay, bà Nam đã trải qua rất nhiều công việc như: Chi hội trưởng Hội người cao tuổi; Chi hội trưởng Hội khuyến học; Cộng tác viên dân số (17 năm); bà được ủy nhiệm thu thuế nhà đất; tình nguyện viên CLB trợ giúp những người sau cai nghiện,…
Trong 17 năm liền, bà làm cộng tác viên dân số, trên địa bàn cụm dân cư của bà không có gia đình nào sinh con thứ ba.
Từ năm 1993 – 2011, bà Nam còn tham gia làm tình nguyện viên CLB đoàn kết của những người sau cai nghiện. Công việc hàng ngày của bà là theo sát những người sau cai, tạo điều kiện để họ được làm những công việc đơn giản như rửa xe ô tô, xe máy…, rồi thu tiền lại, cuối tháng trả thù lao để họ tái hòa nhập cộng đồng.
“Đầu tiên do chưa thực sự hiểu nên tôi cũng sợ họ làm hại mình, nhưng rồi khi tiếp xúc lại thấy thương họ. Mình nói gì họ nghe đấy, rồi tôi cũng quen dần và càng ngày càng yêu nghề hơn”, bà Nam chia sẻ.
Vì những đóng góp của mình, bà Nam được Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen năm 2013; nhận kỷ niệm chương “Vì trẻ em khuyết tật” do Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam trao tặng; danh hiệu “Người tốt, Việc tốt” tiêu biểu năm 2013 do UBND TP.Hà Nội trao tặng… Bà cũng được UBND phường Yên Phụ, quận Tây Hồ tặng giấy khen trong nhiều năm liền.
Dù đã ở tuổi 82, nhưng bà Nam vẫn rất khỏe mạnh và minh mẫn. Hàng ngày, bà Hồ Hương Nam vẫn cần mẫn theo đuổi công việc mài giũa những “tảng đá” xù xì, thô ráp thành những “viên ngọc” tròn trịa, làm đẹp cho cuộc đời.
Và với công việc thầm lặng nhưng đầy ý nghĩa ấy, bà đã vinh dự được UBND TP Hà Nội đề cử là một trong 10 cá nhân xét tặng danh hiệu ‘Công dân Thủ đô ưu tú’ năm 2014.