Gặp chàng trai sợ… giàu

Gặp chàng trai sợ… giàu
TPO – “Nhưng rồi một ngày, con nhận ra rằng, mình cũng sợ cả chữ “giàu” nữa. Giàu là con sẽ được ăn no mặc đẹp, con được vui chơi, được cười, được nói…”. Đó là những dòng chỉa sẻ trong “Bức thư gửi người lớn” của Trần Vương Cường, lớp 11 Tin trường THPT Sơn Tây (Sơn Tây, Hà Nội).

> Trao giải thư trẻ con viết gửi người lớn

Khác với những hình dung của tôi về tác giả khi đọc những dòng trong “Bức thư gửi người lớn” giành giải nhất cuộc thi viết về quyền trẻ em: ít nhiều chất chứa nét u buồn, đa cảm, Trần Vương Cường để lại ấn tượng khoáng đạt, gần gũi trong lòng người tiếp xúc. Một gương mặt điển trai, đôi mắt đen và sáng, nụ cười tươi, nước da trắng và cách nói chuyện mộc mạc.

Có lẽ, Cường phải có tâm hồn phong phú, con mắt chịu khó quan sát mới rung động, suy nghĩ trước những hình ảnh giàu nghèo trong cuộc sống hằng ngày sâu sắc đến thế.

Trong không gian yên tĩnh dưới hàng cây xanh mát của Đại sứ quán Thụy Điển (số 2 Núi Trúc, Ba Đình, Hà Nội), tôi ngồi với Cường khi cảm xúc bất ngờ, hạnh phúc đoạt giải nhất cuộc thi vẫn đang còn hoan hỉ trong cậu. Cậu học trò đất Sơn Tây chia sẻ về nỗi ám ảnh của chữ “nghèo - giàu”…

Chữ “nghèo” chẳng hiện đâu xa mà nó nặng nề trong cậu với hình ảnh những đứa trẻ mòn mình giữa ngổn ngang hàng tấn rác hôi hám, nặng mùi để kiếm tìm chút phế liệu. Không ít lần, Cường tự hỏi, nếu nghèo mình cũng như những bạn nhỏ kia sao? “Nghèo” hiện lên trong ánh mắt coi thường của người giàu. “Nghèo” trong cách “cho” gượng gạo, khó chịu của người có tiền hơn…

Một khoảng cách giàu - nghèo “độc ác” cứ vô tình đập vào mắt, đã khiến cậu phải thốt lên trong thư viết gửi người lớn: “Đã từ lâu rồi, con muốn nói với mọi người rằng, con sợ hai chữ “giàu” và “nghèo” lắm”.

Cậu ám ảnh cảnh một người mẹ ngăn con mình nhường cậu bé nghèo que kem đang ăn dở. Những trái khoáy, ngóc ngách mảng tối của cuộc sống được tích lũy trong cậu học trò ấy cứ đi vào bài dự thi giới hạn trong 1000 chữ, viết về quyền trẻ em có chủ đề “Nếu em có quyền được thay đổi hoàn cảnh hiện nay của trẻ em Việt Nam, em muốn thay đổi cái gì vì lợi ích tốt đẹp nhất cho trẻ em Việt Nam?”.

Vương Cường cho hay: ý tưởng bài viết đã lóe lên ngay sau buổi phát động cuộc thi tại trường THPT Sơn Tây mà ngài Đại sứ quán Thụy Điển - đại diện đơn vị tổ chức - cũng có mặt. Nhưng, sợ bài viết nông và muốn đem tới một nét riêng, tránh trùng lặp, Cường chịu khó tham khảo các bài viết trên mạng. Bài viết của Cường gửi tới ban tổ chức khi cuộc thi sắp hết thời hạn.

Thông qua bài viết của mình, Cường muốn nói với những người lớn rằng, trẻ em chỉ thực sự hạnh phúc khi có sự quan tâm, chăm sóc và chia sẻ của mọi người. Đừng để hai chữ giàu – nghèo gắn sau hai từ "trẻ em"…

“Những đứa trẻ dù nghèo thì cũng là trẻ em. Chúng được sinh ra trên đời, cũng cần được nâng niu, cần được chăm sóc. Chúng cũng cần tình thương, cần sự quan tâm. Chúng cũng sẽ giỏi lắm nều như được đến trường. Chúng cũng sẽ đẹp lắm nếu được ăn no, mặc ấm. Chúng sẽ chẳng khác gì con nếu như được sinh ra có bố, có mẹ, có tình yêu” – Cường viết.

Nhiều suy nghĩ, ý tưởng được Vương Cường thể hiện trong khuôn khổ 1000 chữ
Nhiều suy nghĩ, ý tưởng được Vương Cường thể hiện trong bức thư của mình.

Cường cũng muốn nói với các bạn nhỏ rằng, hãy mạnh dạn, tự tin để chia sẻ điều mình muốn nói với người lớn, người thân trong gia đình… Bên cạnh đó, người lớn hãy lắng nghe trẻ em bằng cả trái tim hơn nữa…

Cậu học trò lớp 11 này băn khoăn, tại sao không tổ chức một khóa học cho các ông bố bà mẹ “làm sao để lắng nghe con trẻ nói gì?”. Và ý tưởng này được ngài Đại sứ Thụy Điển đánh giá cao.

Cùng với những bạn nhỏ khác, Vương Cường tạm biệt cuộc thi và rời Đại sứ quán Thụy Điển với nụ cười tươi không chỉ vì được nhận giải, mà còn bởi nhiều điều hơn thế…

Đó còn có thể là niềm tin vào lời phát biểu của đại diện các cơ quan chức năng, tổ chức xã hội rằng, sẽ có nhiều cơ hội để các em nói lên suy nghĩ và nhìn nhận tương lai của mình.

Đó còn là niềm hy vọng vào tuyên bố của bà Lotta Sylwander - Trưởng đại diện của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF): Đã đến lúc UNICEF không chỉ đơn thuần nói về trẻ em nữa, mà phải để cả trẻ em nói về trẻ em. Nhân dịp này, chúng tôi cũng tuyên bố quyết định vào cuối năm nay, UNICEF sẽ tổ chức tuyển chọn một bạn học sinh làm Đại sứ trẻ em…

Theo Viết
MỚI - NÓNG