Gặp Bill Gates, nghĩ về "thung lũng Silicon" VN

Gặp Bill Gates, nghĩ về "thung lũng Silicon" VN
Trong chuyến thăm Việt Nam của Bill Gates, tôi có mặt trong đoàn đại biểu doanh nhân Việt, đã dùng cơm trưa và tham dự các buổi giao lưu, nói chuyện của Bill.
Gặp Bill Gates, nghĩ về "thung lũng Silicon" VN ảnh 1
Ông đồ tặng thư pháp cho Bill Gates. Ảnh : Hồng Vĩnh.

Tôi chợt thấy có vài điều cần suy nghĩ sâu hơn: ý nghĩa của việc Bill đến Việt Nam, chúng ta đã khai thác được hết những ý nghĩa đó chưa,chúng ta sẽ làm gì để đón Bill đến lần thứ hai, đón các Bill khác, và tạo ra các Bill Gates của Việt Nam?

Bill Gates không đơn thuần chỉ là một doanh nhân thành đạt nhất thế giới mà còn là biểu tượng của nước Mỹ. Việc Bill đến Việt Nam hẳn là một thông điệp của sự hợp tác kinh tế, chính trị toàn diện và ngày càng có chiều sâu giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Dường như sự chuẩn bị của ta về sự kiện này đã xứng tầm hay chưa? Các hoạt động truyền thông tới quần chúng, các sự kiện đi kèm đã thể hiện được rõ thông điệp nêu trên hay chưa?

Bill là người giàu nhất hành tinh nhưng đồng thời cũng là người làm từ thiện nhiều nhất hành tinh, và sẽ hiến lại gần như toàn bộ tài sản của mình cho xã hội. Bill được thế giới kính trọng và ngưỡng mộ không phải vì số tài sản có được, mà vì khát vọng sáng tạo, tốc độ tư duy, sự đam mê công việc, tính nhân bản... Đó mới là những tài sản quý giá nhất của Bill, con số thống kê về tài chính thực chất chỉ là hệ quả của những phẩm chất tuyệt vời nêu trên mà thôi. Đây là điều mà chúng ta phải suy nghĩ cho thấu đáo.

Giới trẻ Việt Nam có rất nhiều người coi Bill Gates là thần tượng. Nhưng hình như mọi người quan tâm nhiều đến tài sản của Bill mà chú ý đúng mức tầm quan trọng của những phẩm chất đã làm nên tài sản đó. Từ một bài học Bill Gates, không những có thể trở thành một bài học làm giàu chính đáng và đúng đắn, mà còn là một minh chứng để tạo nên một cái đạo làm giàu Việt Nam, một văn hóa kinh doanh Việt; đầy tính nhân văn, tính thời đại và tính dân tộc.

Bill Gates là một con người gần như cả hành tinh này đều biết tới. Đi theo Bill Gates luôn là toàn bộ các hãng thông tấn hàng đầu thế giới. Đây hẳn là một cơ hội tuyệt vời để chúng ta quảng bá hình ảnh ra với thế giới trong bối cảnh mà "thế giới hiểu chưa đúng, chưa nhiều về Việt Nam" (1). Vậy nên, Việt Nam phải tận dụng một cách tối đa các sự kiện mang tầm cỡ toàn cầu, những sự kiện như ASEM 5, Bill Gates, và sắp tới là APEC cần phải được tận dụng một cách tối đa.

Điều gì đã thu hút Bill đến với Việt Nam trong thời gian này? Đó không chỉ là những hợp đồng, những thỏa thuận về bản quyền phần mềm ở một thị trường mà luật bản quyền hầu như không có tác dụng. Bill không đi tìm kiếm khách hàng. Một nước Việt Nam hòa bình, ổn định, hiếu khách và quan trọng nhất là sức hấp dẫn của trí tuệ Việt Nam trong thời đại mới, đó chính là sức hút lớn nhất kéo Bill đến Việt Nam. Bill đã nhìn thấy ở Việt Nam một tiềm năng to lớn đóng góp một vai trò không hề nhỏ trong nền kinh tế tri thức sắp tới, là một đối trọng trong tương lai gần của những người khổng lồ về nguồn nhân lực cho công nghệ thông tin (CNTT) hiện nay là Trung Quốc và Ấn Độ. Điều đó không có gì là khó nhận ra khi nhìn vào truyền thống lịch sử và tố chất của con người Việt Nam, nhìn vào xu hướng phát triển của thế giới, nhìn vào thực tế là có hơn 80 nghìn người Việt Nam đang làm việc tại thung lũng Silicon ở Hoa Kỳ...

Tập đoàn Intel cũng đã đầu tư vào Việt Nam, như vậy, cả hai ông trùm của ngành CNTT đều đã góp mặt. Bởi họ nhìn ra tiềm năng và vị thế to lớn của Việt Nam trong bản đồ CNTT thế giới. Điều này bản thân chúng ta đã nhận thức rõ chưa, đã có sự chuẩn bị hợp lý và đầy đủ chưa, khi mà nguồn lực hiện tại của chúng ta cho CNTT thiếu về số lượng và rất không phù hợp về chất lượng? Do đó, đòi hỏi phải có một chiến lược tổng thể cấp quốc gia với sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, các ngành, các giới có liên quan để xây dựng và khẳng định thương hiệu của "trí tuệ Việt Nam" trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Chúng ta sẽ chủ động làm gì để tập hợp và thăng hoa trí tuệ Việt Nam nhằm tham gia có hiệu quả vào nền kinh tế tri thức, đi tắt, đón đầu, nắm giữ một vị thế quan trọng trong "thế giới phẳng" đang nhanh chóng được tạo ra nhờ sự phát triển như vũ bão của CNTT? Qua quá trình phát triển CNTT ở Mỹ và các nước có những điều kiện khá tương đồng như Trung Quốc và Ấn Độ, chúng ta có thể đúc rút ra các bài học về nguồn nhân lực, và quy hoạch không gian cho các trung tâm phát triển CNTT để hình thành các thung lũng Silicon.

Chúng ta cần phải rút ra và thực hiện một tư duy đột phá, không nhất thiết các trung tâm CNTT phải nằm ở các trung tâm kinh tế - chính trị hiện có như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh mà cần thiết phải đầu tư ra các khu vực có những tiềm năng chuyên biệt hơn, thích hợp hơn. Dải đất miền Trung, nghèo tài nguyên thiên nhiên nhưng giàu tinh thần hiếu học, và thành phố Đà Lạt được thiên nhiên ưu đãi rất thích hợp là môi trường để các ý tưởng sáng tạo được sinh ra và thăng hoa, đó là hai địa điểm thích hợp nhất để chúng ta xây dựng và phát triển những "thung lũng Silicon". Đó phải là những nơi sẽ hình thành các trường đại học, các trung tâm đào tạo, các công viên CNTT, các trung tâm du lịch... mang tầm cỡ khu vực và thế giới.     

Trên đây là vài dòng suy nghĩ của tôi khi được có dịp tiếp xúc trực tiếp với người giàu nhất hành tinh. Hy vọng, với truyền thống thông minh, sáng tạo, khéo tận dụng các nguồn lực từ bên ngoài phục vụ cho lợi ích đất nước, chúng ta sẽ ngày càng có được và khai thác có hiệu quả hơn nữa những sự kiện dạng như Bill Gates đến Việt Nam.

Đặng Lê Nguyên Vũ

Thanh niên

(1) Trích lời của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.