Gặp 3 nữ 'thủ lĩnh' người Mã Liềng

0:00 / 0:00
0:00
Ba nữ trưởng bản của người Mã Liềng trong ngày mừng sản xuất thành công măng sấy khô bằng công nghệ mới
Ba nữ trưởng bản của người Mã Liềng trong ngày mừng sản xuất thành công măng sấy khô bằng công nghệ mới
TP - Ở Quảng Bình, cùng với tộc người Rục, A Rem…, người Mã Liềng ở xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa từng một thời đứng bên bờ vực diệt vong. Nhưng tộc người Mã Liềng đã có những bước tiến vượt bậc từ khi dân bản chọn một phụ nữ làm trưởng bản.

22 năm làm trưởng bản

Tôi tình cờ gặp bà Cao Thị Lâm, trưởng bản Cáo của người Mã Liềng trong chuyến lên xã Lâm Hoá để viết bài về dự án trồng rừng bằng cây bản địa. Nghe tiếng nữ trưởng bản này đã lâu nhưng khi tiếp xúc mới thực sự bất ngờ về những tâm huyết mà hơn 20 năm qua bà dành cho dân bản. Bà Lâm sinh năm 1962, chồng mất sớm, để lại 3 đứa con thơ dại. Ngày đó người Mã Liềng mặc dù đã được vận động về định cư ở 3 bản Kè, Cáo, Chuối nhưng bản làng luôn vắng tanh vì người dân vẫn thích ở rừng hơn ở nhà.

Là phụ nữ, nhưng bà Lâm sớm nhận ra “chỉ có định cư mới thoát được cảnh đói nghèo, con cái mới được học hành”. Mặc cho dân bản năm lần bảy lượt trở lại rừng, bà Lâm vẫn kiên gan bám trụ ở bản, nuôi 3 đứa con ăn học. Năm 1999, lãnh đạo xã Lâm Hóa nhận thấy, chỉ có bà Lâm làm trưởng bản may ra có thể thay đổi được tập quán du canh, du cư của người dân.

Gặp 3 nữ 'thủ lĩnh' người Mã Liềng ảnh 1

Người Mã Liềng hưởng ứng dự án trồng cây gỗ lớn bản địa để phát triển bền vững

Bà Lâm nhận lãnh trách nhiệm trưởng bản Cáo, nhưng trên thực tế lúc đó chẳng có hộ dân nào định cư. Một chiến dịch vận động người dân về bản được bà Lâm triển khai ngay khi nhậm chức. “Tôi mua rượu, thịt, gạo vào rừng nấu ăn, thuyết phục thì có 2 hộ ra định cư, sau đó thêm 6 hộ, rồi 16 hộ… Thời đó, Nhà nước hỗ trợ mỗi hộ 800.000 đồng làm nhà, nhưng tiền chưa về kịp. Với người Mã Liềng, đã hứa là phải thực hiện, để giữ chân dân bản tôi phải đi vay mượn anh em, vay mượn cán bộ xã bằng niềm tin và uy tín. Có lúc khó khăn quá, thấy tôi khóc, anh em lãnh đạo xã lại động viên, lại móc túi cho tôi mượn tiền để làm nhà cho dân bản” - bà Lâm kể.

Thấy bà Lâm chỉ trong một thời gian ngắn đã làm được cái việc mà hàng chục năm qua không ai làm được, đó là vận động người dân về định cư, ổn định cuộc sống… bà được bầu vào HĐND huyện Tuyên Hoá. “Lo được cho bà con đất ở lại nghĩ đến đất sản xuất. Tại các kỳ họp HĐND huyện, tôi đều đi từng nhà hỏi bây giờ cử tri Mã Liềng cần cái gì? Bà con nói cần gạo, cần nước mắm, cần cái ăn, nhưng cần nhất là đất rừng. Ở rừng mà không có đất rừng sản xuất là đói nghèo cứ đeo bám mãi. Vậy là lên họp HĐND huyện, tôi đem ý kiến cử tri kiến nghị với lãnh đạo. Kết thúc kỳ họp, HĐND huyện thống nhất ra nghị quyết đưa hơn 222ha đất rừng cho đồng bào bản Cáo sản xuất. Bà con nghe đài phát thanh huyện phát bản tin trực tiếp, mừng rơi nước mắt. Tôi đi họp về đến đầu bản, dân bản ùa ra đón. Những lúc như thế, bao nhiêu khổ cực mệt nhọc đều tan biến” - bà Lâm chia sẻ.

Người Mã Liềng từ khi có nữ trưởng bản, về định cư ổn định, cuộc sống dần tốt hơn, rồi những hộ gia đình cuối cùng bám trụ ở rừng cũng lần lượt về bản. Đến nay bản Cáo có 46 hộ với 179 nhân khẩu và không ai có ý định trở lại rừng. Có nhà, có đất rừng để sản xuất, nhiều hộ gia đình ở bản Cáo đã thoát nghèo, không ít hộ gia đình thu nhập từ trồng rừng trên 100 triệu đồng mỗi năm, cá biệt có hộ 250 triệu mỗi năm.

Tiếp bước người đi trước

Ông Trương Quang Tấn, Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Hóa cho biết: Người dân ở 2 bản Kè, Chuối nhìn vào bản Cáo thấy đời sống đi lên là do có chị Lâm làm trưởng bản, nên đề xuất bầu phụ nữ làm trưởng bản để được như bản Cáo. Nhưng qua mấy nhiệm kỳ không bầu được.

Theo ông Trương Quang Tấn, trước khi bầu trưởng bản nhiệm kỳ 2021-2023, hội đồng già làng, trưởng bản Kè, Chuối họp hành căng lắm. Nói kỳ bầu cử trưởng bản lần này phải bầu nữ làm, để không say rượu. Nhưng đám con trai của bản lại nói, đàn ông làm chứ ai để đàn bà cưỡi đầu cưỡi cổ. “Xã về định hướng, đề cử bản Kè và Chuối mỗi bản một nam, một nữ để bầu. Cuối cùng bản Kè bầu nữ Trưởng bản Cao Thị Vân (31 tuổi); bản Chuối có nữ Trưởng bản Phạm Thị Lệ (30 tuổi). Đây là 2 nữ trưởng bản trẻ tuổi, nhiệt huyết và căn bản được bà con dân bản Mã Liềng tín nhiệm bằng phiếu bầu” - ông Tấn nói.

Noi gương “đàn chị” đi trước, hai nữ trưởng bản mới được bầu đã hăng hái nhập cuộc, quyết tâm đưa dân bản của mình thoát nghèo. Người đi trước chỉ bảo người đi sau, 3 nữ trưởng bản của người Mã Liềng đã kết hợp cùng nhau hướng dẫn người dân sản xuất măng khô, sấy bằng nhà sấy sử dụng năng lượng mặt trời. Sản phẩm của người Mã Liềng được công nhận đạt chuẩn 3 sao, các siêu thị lớn trên toàn quốc đắt hàng nhập bán.

Chị Cao Thị Vân, trưởng bản Kè tâm sự: “Bản Kè có 62 hộ với 218 khẩu, được giao hơn 400ha rừng, vậy mà hiện vẫn nghèo hơn bản Cáo. Em hiện vẫn là hộ nghèo, vì vậy em và người dân phải phấn đấu thoát nghèo. Đầu tiên là theo gương bản Cáo phát triển trồng rừng. Trước mắt, em quán triệt bà con phải trồng rừng gỗ lớn với cây bản địa để có thu nhập bền vững. Nhà em đã đi đầu và bà con đang đi theo”.

Còn chương trình hành động của nữ trưởng bản Chuối, Phạm Thị Lệ là xin cấp trên làm con đường ra khu vực Cha Lạng, bên trong đó có gần 100ha đất cho sản xuất lúa rẫy, nương ngô, trồng rừng. “Bản Chuối ít đất nhất, nên bà con muốn được giao thêm đất, ai cũng muốn lao động, làm ăn để có cuộc sống đầy đủ hơn. Cứ làm thuê, rồi chờ gạo cứu trợ thì làm sao thoát được nghèo” - chị Lệ tâm sự.

Đến kỳ bầu cử trưởng bản nhiệm kỳ 2021-2023, người Mã Liềng ở bản Kè và Chuối nhất loạt cho rằng, trưởng bản là nam qua mấy nhiệm kỳ ham chơi, rượu chè; họp hành ở trên xong thì ra quán uống rượu, thành ra khi về bản triển khai kế hoạch dân sinh đều quên hết việc, không nhớ gì. Còn bản Cáo do bà Lâm làm trưởng bản công việc trôi chảy, kinh tế khá giả.

Anh Hồ Ka ở bản Chuối chia sẻ: “Bản Cáo nhờ bà Lâm làm trưởng bản nên bà con bên đó ý thức lắm, nói làm là làm. Mùa vụ vào ai cũng siêng năng. Trưởng bản không gương mẫu thì dân không theo được. Vậy nên trong 3 bản thì bản Cáo phát triển nhất, nhà cửa đàng hoàng nhất, Kè với Chuối lẹt đẹt, phải đi làm thuê cho bản Cáo mà không cất mặt lên được”.

MỚI - NÓNG
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
TPO - Quần thể Di tích quốc gia thành Sơn Phòng, đền Trầm Lâm và đền Công Đồng tại xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh gắn với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của vua Hàm Nghi. Đặc biệt nơi đây còn lưu giữ nhiều “bảo vật” nhà vua ban tặng.

Có thể bạn quan tâm

Nam thanh, nữ tú Khmer rạng ngời trong ngày lễ dâng y

Nam thanh, nữ tú Khmer rạng ngời trong ngày lễ dâng y

TPO - Sáng 27/11, rất đông các bạn trẻ đồng bào Khmer là Phật tử tại TPHCM đã tề tựu về chùa Long Hoa Thiên Bảo (TP Thủ Đức) để tham gia đại lễ Kathina (hay còn gọi là lễ dâng y). Đây cũng là hoạt động báo hiệu kết thúc ba tháng mùa an cư kiết hạ của các chư tăng, chư ni Phật giáo.
Ngắm làng Thèn Pả với nếp nhà trình tường đẹp như cổ tích dưới bóng cờ Lũng Cú

Ngắm làng Thèn Pả với nếp nhà trình tường đẹp như cổ tích dưới bóng cờ Lũng Cú

TPO - Nằm ở xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, ngay dưới chân Cột cờ Lũng Cú và cách trung tâm thị trấn Đồng Văn khoảng 25 km là làng Thèn Pả. Du khách đến đây sẽ được hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên yên bình với những nếp nhà trình tường lợp ngói âm dương, vách đất vàng nâu, hàng rào đá, ruộng ngô… và những người dân mến khách.
Lễ mừng thọ của người Mnông

Lễ mừng thọ của người Mnông

TPO - Người Mnông ở huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk còn lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống. Trong đó “Tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ mừng thọ của người Mnông huyện Lắk” là một trong 3 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của tỉnh Đắk Lắk.