Gánh hàng rong vỉa hè thời online: Bán 300 cốc chè/ngày

Gánh hàng rong vỉa hè thời online.
Gánh hàng rong vỉa hè thời online.
Bán 150 cốc chè, 200 cốc thạch, thậm chí tới 300 cốc... mỗi ngày, nhiều khi chỉ cần nhờ khách gọi điện, gánh hàng rong bán đồ giải nhiệt cho thu nhập tới hàng triệu đồng mỗi ngày, nhất  là đợt nắng nóng vừa qua.

Hè về, dọc đường Đê La Thành, Xã Đàn, Kim Liên, Kim Mã,... hình ảnh gánh tào phớ, chè, thạch, đồ ăn giải nhiệt dường như đã quá quen thuộc với người Hà Nội.

Chị Hương, quê ở Thái Bình, lên Thủ đô mưu sinh 4 năm nay. Đều đặn mỗi ngày, chị gánh 3 mẻ chè đỗ đen đi bán quanh khu vực Đê La Thành. Chị cho hay, tuần qua Hà Nội nóng đỉnh điểm, chị bán được từ 100-150 cốc chè. Mỗi cốc giá 10.000 đồng, trừ hết chi phí chị kiếm tiền triệu mỗi ngày.

Gánh hàng rong vỉa hè thời online: Bán 300 cốc chè/ngày ảnh 1 Chiếc xe chở thạch găng của ông Thương lúc nào cũng đông kín khách.

Nắm bắt được tâm lý khách hàng ngại ra đường khi trời nắng, chị đều mang chè đến tận nơi, nhờ đó duy trì được nguồn thu ổn định. Hơn nữa, với đặc tính nhỏ gọn, gánh hàng rong của chị dễ dàng len lỏi vào từng ngóc ngách phố phường, phục vụ tận tay người dùng.

Chính vì vậy, cả gia đình 4 người nhà ông Thương (Quảng Ninh) quyết định bỏ quê lên Thủ đô lập nghiệp bằng nghề bán thạch, tào phớ. Ông Thương kể, mỗi ngày, ông phải dạy từ 5 giờ sáng để nấu nguyên liệu, chuẩn bị đồ để cùng chiếc xe chở thạch đi khắp Hà Nội. Do nhà đông người nên ông phải phân khu cho từng thành viên, mỗi người bán một khu vực, tránh chồng chéo khách.

Ông Thương tiết lộ, trung bình mỗi ngày, riêng ông bán được gần 200 cốc thạch thu về cả triệu đồng. Những ngày nắng nóng, con số này còn tăng lên gấp đôi, gấp ba.

“Đợt nóng vừa qua tôi còn bán đến kiệt sức, làm ra đến đâu cháy hàng đến đó, khách gọi mà toàn phải từ chối. Có nhiều đơn mua cho văn phòng, cơ quan, tính ra mỗi đợt họ lấy cả trăm cốc nên nhoằng cái hết nhẵn” - ông nói.

Gánh hàng rong vỉa hè thời online: Bán 300 cốc chè/ngày ảnh 2 Chủ gánh hàng thường lựa chọn các cung đường có khoảng trống rộng để dừng chân bán đồ cho khách.

Chị Kim Ngân (nhân viên văn phòng trên phố Xã Đàn, Hà Nội), chia sẻ, do là dân Quảng Ninh gốc nên rất chuộng món thạch quê vừa an toàn, vừa rẻ lại giải nhiệt tốt. Mỗi lần mua, chị thường gọi hơn chục cốc để đãi cả nhà, bạn bè và đồng nghiệp.

“Giờ cứ thèm chè, tào phớ, chỉ cần nhấc máy alo là 5-10 phút sau có đồ mang đến tận cửa, chứ không phải lẽo đẽo đội mưa nắng ra ngoài”, chị Ngân nói.

Cũng nhờ công nghệ hiện đại, cô Tuyết (Hà Đông, Hà Nội) - bán tào phớ dạo ven đường Kim Mã - giờ sử dụng thành thạo các chức năng nghe gọi của điện thoại mà trước kia cô chưa từng biết đến.

“Ngày trước, cứ người ở trong ngõ gọi người ngoài ngõ bán là đành bó tay vì chẳng biết ở nơi nào mà tìm. Hiện cô có điện thoại, khách chỉ cần alo 5 phút sau là cô có mặt hoặc bảo cô đang bán ở đâu là khách sẽ tự tìm đến” - cô tâm sự.

Gánh hàng rong vỉa hè thời online: Bán 300 cốc chè/ngày ảnh 3 Những ngày nắng nóng những bát tào phớ này bán được với số lượng lớn.

Cô Tuyết nói thêm, chính khách hàng đã gợi ý cho cô việc dùng điện thoại, bởi thấy cô cứ mang gánh hàng rao ngược xuôi khắp nơi, vừa tốn công mà không hiệu quả, trong khi có người cần thì chẳng mua được.

Với “bước ngoặt lịch sử” này, lượng hàng cô bán ra tăng gấp 3-4 lần so với trước, với mức giá 7.000 đồng/bát ngày nào cô cũng bán được từ 80-120 bát. Không những vậy, cô còn nhận được số lượng lớn đơn hàng giao đến tận nơi, mang lại thu nhập đáng kể.

Cô Tuyết cho rằng, muốn giữ chân khách lâu dài, ngoài việc cải thiện khâu tiếp cận thị trường thì phải giữ được uy tín sản phẩm. Nhiều người trước đây cũng khá hoài nghi về đồ bán rong vì họ sợ mất vệ sinh do bán ngoài đường khói bụi, chưa kể nguồn gốc xuất xứ không đảm bảo.

“Nói thế chứ khách giờ họ sành lắm, ăn thử một vài lần là phân biệt được ngô hay khoai ngay. Bởi vậy có những gánh hàng rong làm bao nhiêu năm vẫn phất lộc, còn những kẻ làm được đôi lần thì bỏ của chạy lấy người” - cô cho hay.

Gánh hàng rong vỉa hè thời online: Bán 300 cốc chè/ngày ảnh 4 Ông Thương phấn khởi khi 3 thùng thạch nhanh chóng được bán hết nhẵn.

Đồng quan điểm, chị Hương bán chè đậu đen chia sẻ: “Điều khiến khách thị thành chọn thứ đồ ăn giản dị bởi họ thích cảm giác cũ, thực phẩm quê chứ họ đâu thiếu thứ gì. Nên làm ăn chất lượng họ tự khắc quay lại, còn bát nháo thì khách một đi không trở lại”.

Chị cũng cho biết, để giữ được chữ tín với khách hàng, tất cả nguyên liệu từ đỗ, dừa, thạch chị đều mang từ quê lên và nấu thủ công chứ không dùng nguyên liệu hóa học. Ngoài ra, mỗi ngày sau khi bán hàng, chị đều vệ sinh sạch sẽ toàn bộ nồi niêu, bát đũa, dụng cụ để đảm bảo vệ sinh an toàn cho khách.

Theo Theo Vietnamnet
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.