“Gánh” 7 người trên đôi nạng gỗ

“Gánh” 7 người trên đôi nạng gỗ
TP- Từ bé, Đỗ Hoàng Bình (hiện 31 tuổi ở thôn Bình Thuận, xã Bình Điền, huyện Hương Trà, TT-Huế) là cậu bé khỏe mạnh, ham làm, không ngại khó, ngại khổ. Bất hạnh ập đến (vào một ngày năm 1992), khi cậu tròn 15 tuổi.
“Gánh” 7 người trên đôi nạng gỗ ảnh 1
Bình miệt mài sửa xe cho khách

Một lần đi làm rẫy cùng gia đình Bình đã cuốc phải mìn. “Gia đình phải bán hết các đồ đạc và vay thêm nhưng cũng không đủ chữa cho con. Mất một mắt, một chân mất đến đầu gối, một tay cụt đến sát nách. Chân và tay còn lại cũng bị cong queo, đầy những vết thương” - Bà Nguyễn Thị Thiện Lân, mẹ Bình nghẹn ngào nhớ lại.

Từ đó, cuộc đời Bình phải gắn trên đôi nạng gỗ. Mỗi khi trái gió trở trời, con mắt còn lại bị nhức và các khớp tay chân đau buốt. “Khi nó đòi học sửa xe máy, cả nhà giật mình, chân tay thế kia làm được gì. Nhưng nó cương quyết, đành phải chịu” - Bà Lân cho biết thêm.

Dành dụm được ít tiền, anh xuống thành phố Huế học nghề. Thầy thấy Bình tật nguyền, thương nên không lấy tiền dạy nhưng cũng mất tiền ăn, tiền trọ. Được năm rưỡi gia đình không thể cấp tiền ăn, Bình ra làm phụ làm cho bạn, vừa học lỏm, thêm hơn 1 năm nữa.

Nỗi đau khác lại ập đến. Gia đình lục đục rồi ba mẹ ly dị do người cha không chung thủy đi theo một người khác. Bình lại làm nhiệm vụ người con  trai trưởng bằng việc đưa mẹ và 6 đứa em về ở cùng trong cái quán xiêu vẹo của mình. Đôi nạng gỗ thêm gánh nặng mưu sinh, chèo chống gia đình trong thời khủng hoảng.

Làm tất cả vì miếng cơm manh áo

Nhà có 7 người con nhưng mới có Bình lập gia đình. Vợ anh là Hồ Thị Xeng, 25 tuổi, người dân tộc Bru-Vân Kiều. Thật khổ, chị cũng bị nhiễm chất độc da cam, teo một chân, người gầy ốm.

Cùng cảnh ngộ và mến nhau, được sự đồng ý của 2 gia đình, họ  đăng ký và về sống với nhau mà không có tiền làm đám cưới. Gần năm trời, hai người vẫn chưa có con.

Bình ngậm ngùi: “Vợ chồng ai cũng muốn có đứa con cho trọn tình vẹn nghĩa, vui cửa vui nhà. Nhưng vợ chồng tôi như rứa chẳng may sinh con ra không được khỏe mạnh cũng tội. Vợ chồng quyết định gắng làm cho kinh tế kha khá lên rồi mới sinh con và mình cũng đỡ khổ”. 

Quán sửa xe của Bình cắt ngang ở đoạn đường vắng đồi núi ven quốc lộ 49 (từ Huế lên miền núi A Lưới). Quán mái lợp bằng cây tranh rừng, vách bằng nứa đập dập ghép lại, cửa chỉ là tấm phên, rộng chừng 30m2 dựng tạm cách đây 3 năm.

Đó cũng là nơi chung sống của 7 con người khổ đau, nghèo đói. Vợ chồng anh dọn ra phía trước quán ngủ, nhường phần sau kín đáo cho mẹ và các anh chị em. Mùa đông mưa bão như lúc này không biết sẽ lạnh tới mức nào. Một trận cuồng phong có thể đưa cả cái quán cũng là nhà ấy xuống khe nước sau nhà.

Khách đến với anh đa phần là những người qua đường bị hỏng xe. Cả ngày, may mắn lắm anh chỉ kiếm được 30 ngàn đồng, có ngày chẳng kiếm được đồng nào.

Bình buồn rầu: “Tôi sửa xe máy tất nhiên thao tác chậm hơn người thường rồi. Những người từng sửa thì không sao, những người mới đến, thấy tôi như vậy cũng ái ngại. Tôi lại thiếu đồ nghề, ít đồ mới. Tôi  muốn có cái máy rửa xe để vợ cùng làm, đỡ phải đi làm nương rẫy thuê vất vả”.

Giá trị nhất trong đống đồ nghề là cái máy bơm hơi mới mua lại với giá 1,2 triệu đồng. Với bộ quần áo lấm lem dầu mỡ, bụi đất, Bình luôn kiên trì ngồi chờ khách. Anh được tiếng vì sửa cẩn thận và không ngại trời mưa gió hay nửa đêm khi khách cần.

Vừa tiếp chuyện với chúng tôi, Bình vừa miệt mài sửa xe cho khách với tất cả tâm huyết. Mẹ, vợ và các em của anh đi làm rẫy vẫn chưa về. Em gái út 14 tuổi cũng đang đi học và học rất giỏi. Anh tự hứa với chính mình sẽ cùng vợ, mẹ và các em chăm chỉ làm để kiếm tiền cất nhà mới, lo cho em út học hành chu đáo với ước mong đổi đời...  

MỚI - NÓNG