>> Công bố 5 thành viên VN thám hiểm Nam Cực
Phóng viên Nguyễn Lan Anh - Báo Sài Gòn Tiếp thị |
Lý do khiến chị được tham gia chuyến đi thám hiểm Nam cực?
Năm nay là năm kỷ niệm 50 năm ký kết Hiệp ước Quốc tế về Nam cực (1/12/1959), tổ chức 2041 (tổ chức về môi trường chuyên nghiên cứu và kêu gọi bảo vệ Nam cực, do ông Robert Swan, một nhà thám hiểm nổi tiếng người Anh - Người đầu tiên đi bộ tới cả Bắc cực và Nam cực - sáng lập) đã lựa chọn Việt Nam để quảng bá cho các hoạt động của mình.
Tổ chức 2041 đã kêu gọi các công dân Việt Nam tham gia vào một chuyến thám hiểm với đại diện nhiều quốc gia khác, và tôi đã nộp đơn đăng ký tham dự. Rất may mắn là tôi và bốn người nữa đã được lựa chọn từ trên 50 lá đơn xin tham gia chuyến thám hiểm này.
Theo cảm nhận của tôi, tiêu chuẩn hàng đầu mà Tổ chức 2041 đặt ra cho những người tham gia chuyến thám hiểm là sự hiểu biết và quan tâm đến các vấn đề môi trường. Các câu hỏi mà họ đặt ra đều xoay quanh chuyện này.
Vậy chị có kế hoạch gì trong chuyến đi?
Tôi mong đợi có những khám phá thú vị từ chuyến đi này, ví dụ như được tận mắt chứng kiến đời sống của chim cánh cụt, cư dân đông đảo nhất Nam cực.
Tôi cũng muốn tìm hiểu xem có phải Nam cực đang ấm hơn và băng đang tan? Câu chuyện biến đổi khí hậu vẫn còn gây rất nhiều tranh cãi và tôi muốn tìm hiểu cụ thể.
Làm phóng viên, đây là cơ hội có được rất nhiều tư liệu tốt! Sau chuyến đi, tôi và các thành viên trong đoàn sẽ cố gắng thực hiện những hoạt động nâng cao nhận thức về môi trường tại Việt Nam. Tôi rất muốn đi nói chuyện với các em nhỏ về Nam cực và cuộc sống của các loại động vật ở đó.
Băng đang tan ở Nam Cực - Ảnh: TL |
Chị có nhận xét gì về môi trường ở Việt Nam hiện nay, đặc biệt là ý thức gìn giữ môi trường của những người trẻ?
Có lẽ Việt Nam là một trong những quốc gia có môi trường đang xuống cấp với tốc độ chóng mặt. Đây là tình trạng chung của các nước đang phát triển, đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế.
Ví dụ những năm 80/90 của thế kỷ trước, tại Việt Nam tốc độ chặt phá rừng chóng mặt, nhưng ít được quan tâm, cảnh báo, ngăn chặn. Tình trạng hiện nay đã khá hơn chưa? Tôi nghi ngờ điều đó lắm.
Tốc độ xây dựng chóng mặt ở khắp các đô thị, trong khi chất lượng không khí, tình trạng chất thải... không được quan tâm. Nhìn thấy trẻ con ở các đô thị ô nhiễm hơi một chút là bệnh tật, tôi rất đau lòng.
Có lẽ nếu các bạn trẻ biết quan tâm đến các vấn đề môi trường, thay đổi thái độ sống và cách cư xử đối với môi trường của mình, thì chất lượng sống của chúng ta sẽ cải thiện nhiều.
Với tư cách cá nhân, tôi cố gắng sống có trách nhiệm với môi trường hơn. Với tư cách người làm báo, tôi nghĩ trách nhiệm mình còn nặng nề hơn. Làm sao để các vấn đề được quan tâm thích đáng, được bàn luận thường xuyên và thực sự tạo ra được thay đổi trong nhận thức của mọi người.
Cảm ơn và chúc chuyến thám hiểm của chị thành công.
Nguyễn Lan Anh - Quê quán Việt Trì - Phú Thọ. Tốt nghiệp khoa Ngữ văn - Đại học Sư phạm Hà Nội - Học Fulbright tại Boston - Mỹ. Từng làm báo SaigonTime - báo International Herald Tribune ThaiDay (Thái Lan), báo New Haven Register và New Bedford Standard Times (Boston - Mỹ). Hiện làm phóng viên Kinh tế của Sài Gòn Tiếp thị và cộng tác với tạp chí Forbes (Mỹ). Đoàn thám hiểm Nam cực của Việt Nam sẽ do chị Hoàng Thị Minh Hồng - người Việt Nam đầu tiên đặt chân lên Nam cực dẫn đầu. Theo kế hoạch, Đoàn sẽ rời Việt Nam ngày 14/11 tới Ushuaia - Achentina. Tại đây, đoàn sẽ tập trung cùng nhiều thành viên từ 17 quốc gia khác và tham gia tập huấn kỹ năng. Ngày 18/11, đoàn thám hiểm sẽ lên tàu Clipper Adventurer tới Nam cực trong vòng 14 ngày. |
Trọng Thịnh
Thực hiện