Gần dân và hiểu dân

Gần dân và hiểu dân
TP - Phong trào học tập đạo đức Bác Hồ đã đạt được một số tiến bộ nhất định nhưng xét về mặt gần dân và hiểu dân, sửa đổi lối làm việc quan liêu, mệnh lệnh thì còn rất xa và có nguy cơ còn xa hơn nữa.
Gần dân và hiểu dân ảnh 1 Người ta thấy quá nhiều quan chức mất thì giờ để đi động thổ, bấm nút khai trương tượng trưng, không còn thì giờ để xem tình hình ô nhiễm, vệ sinh, ăn ở của công nhân ra sao. Gần dân và hiểu dân ảnh 2

Còn nhớ, khi về thăm cơ quan, trường học, bệnh viện, đơn vị quân đội, Bác Hồ thường đích thân đến thăm bếp và nhà vệ sinh để biết đời sống thực của dân.

Những nơi không vệ sinh, Bác gọi thủ trưởng cơ quan xuống tận nơi cùng Bác chứng kiến cảnh mất vệ sinh thì mới lộ ra không ít thủ trưởng cơ quan sau nhiều năm chưa bao giờ đến cái bếp và nhà vệ sinh cả.

Năm 1955, khi tôi còn học ở trường phổ thông trung học Việt-Đức, Bác Hồ rất không hài lòng về sự mất vệ sinh của trường tôi. Nhờ có sự gần dân, hiểu dân của Bác mà nước ta khi đó còn rất nghèo nhưng đã chú ý đến bếp ăn và nhà vệ sinh cho mọi người, trong đó có bản thân chúng tôi.

Đó là tấm gương rất cần học mà cho đến nay ít thấy các quan chức cấp cao, cấp thấp noi theo bằng hành động cụ thể của mình.

Năm 2009, có dịp về công tác tại một tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, chúng tôi được giới thiệu một con đường mới khánh thành, hai làn đường rộng, có vườn hoa ngăn đôi nhưng có gắn biển hạn chế tốc độ tối đa cho xe ô tô là 40 km/giờ.

Tối hôm ấy, gặp chủ tịch tỉnh làm việc, chúng tôi thắc mắc tại sao đường rộng, mới như vậy, dân cư không đông đúc mà lại hạn chế tốc độ chỉ có 40 km/giờ.

Đồng chí chủ tịch tỉnh giật mình thú thật là cá nhân mình không hề biết có cái biển đó vì xe của đồng chí biển xanh, số xe cảnh sát giao thông đều biết, cứ đi thoải mái tốc độ cần thiết, không cần quan tâm đến biển hạn chế tốc độ nào cả.

Trước mặt chúng tôi, đồng chí chủ tịch gọi điện cho giám đốc Sở Giao thông Vận tải hỏi về tấm biển đó thì giám đốc thừa nhận tấm biển đó còn lại từ thời gian trước khi sửa đường, vẫn chưa thay, nay có ý kiến chủ tịch tỉnh sẽ nâng lên 60 km/giờ.

Vấn đề là đồng chí chủ tịch tỉnh sống ở đấy nhưng hoàn toàn không biết có cái biển đó. Suy rộng ra, không biết đồng chí đó có biết kẹt xe ở đâu, úng lụt chỗ nào, chợ họp ra sao, bệnh viện quá tải ra sao, v.v. vì chủ tịch bận, không có thì giờ cho những việc đó và xe chạy theo chế độ đặc biệt nên không tiếp cận được với thực tế.

Cuối năm 2009, trong một lần dự hội thảo ở Hạ Long, vì có việc được gọi về  Hà Nội gấp để họp một cuộc họp khác bất thường, tôi xin đi nhờ xe của một thủ trưởng có biển xanh 80B, trên xe có gắn còi hú để dẹp đường.

Kết quả là thay vì mất ba tiếng rưỡi đến bốn tiếng như bình thường chúng tôi vẫn phải đi, lần này chỉ mất có một tiếng 45 phút vì xe luôn chạy 80 km/giờ ở tất cả các quãng đường có hạn chế tốc độ. Mỗi khi còi hú, các xe tải, xe khách đều dạt sang một bên để nhường đường.

Thủ trưởng cho đi nhờ thú thực chưa bao giờ biết cảnh hạn chế tốc độ. Như vậy, biển hạn chế tốc độ chỉ dành cho dân và xe khác, còn xe thủ trưởng biển xanh 80B thì không cần biết?

Đành rằng thủ trưởng cần đi nhanh nhưng đến cái mức vì thế mà mất cả liên hệ với cuộc sống thực của dân thì cần phải xem lại.

Hằng ngày, tivi đưa tin các đồng chí lãnh đạo về thăm và làm việc với địa phương, xí nghiệp chỉ thấy chủ yếu “quan trên gặp quan dưới”, ngồi trong hội trường có biển to hoan nghênh đồng chí A, đồng chí B về làm việc, ít thấy có cảnh đến thăm tận nhà dân, ngồi xuống đất ăn củ khoai lang như Bác Hồ đã làm ngày trước.

Trong thực tế, ít thấy có vị chủ tịch phường nào đi bộ đến thăm dân phố, lắng nghe ý kiến tại chỗ của dân để gần dân và hiểu dân hơn, chứ đừng nói gì đến các quan chức cấp cao hơn nữa như huyện, tỉnh hay quan chức đi xe 80B.

Trong khi đó người ta thấy quá nhiều quan chức mất thì giờ để đi động thổ, bấm nút khai trương tượng trưng, không còn thì giờ để xem tình hình ô nhiễm, vệ sinh, ăn ở của công nhân ra sao.

Năm mới, dự kiến cải cách, đổi mới nhiều, chỉ xin mong quay lại học tập tác phong gần dân, hiểu dân, thực sự dân chủ, cầu thị lắng nghe ý kiến của dân của Bác Hồ để đổi mới có hiệu lực hơn trong thực tế.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

Ý kiến bạn đọc

Minh; ...nv@gmail.com

Hoan nghênh bài viết của ông Lê Đăng Doanh về mối quan hệ giữa Dân và quan chức lãnh đạo.

Đúng là muốn hiểu rõ thực tiễn thì phải tiếp xúc với người Dân. Muốn hiểu được họ thì cần những chuyến đi thực địa được tổ chức hợp lý và không được mang tính hình thức.

Nên nhớ rằng mỗi chuyến đi địa phương của lãnh đạo đều tiêu tốn nhiều của cải vật chất của xã hội, vậy thì việc tuyên truyền chỉ đề cao uy tín của cá nhân lãnh đạo mà không tạo nên yếu tố cộng hưởng tích cực cho người Dân.

Lãnh đạo khi xuống địa phương không nhất thiết phải nghe báo cáo "thành tích" hoặc "huấn thị", quan trọng là phải tranh thủ thời gian để tranh luận với Dân để từ đó nắm bắt đúng thông tin mà lãnh đạo còn đang thiếu.

Ba; ...hh@yahoo.com

Bác Hồ đã dạy : "Đảng viên đi trước, làng nước theo sau" . Cán bộ, đảng viên phải là người tiên phong gương mẫu thì việc học và làm theo "tấm gương đạo đức Hồ Chủ Tịch" mới trở thành hiện thực .

Ngay trong doanh nghiệp của tôi, khi đ/c Giám đốc bỏ thuốc và vận động mọi người bỏ thuốc thì lập tức Chủ tịch Công đoàn tiên phong hưởng ứng và sau đó hàng loạt quan chức cấp dưới và người lao động cũng làm theo .

Sau một thời gian dài người ta lại thấy Giám đốc hút lại, không tuyên truyền vận động nhưng rồi cũng thấy Chủ tịch Công đoàn hút theo. . . và sau đó chỉ còn lại những người kiên định bỏ được .

Khắc Phấn; ...phan@gmail.com

Cuộc vận động học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh là chủ trương lớn, mang tính giáo dục cao.

Cũng có một số cơ quan DN thực hiện rất bài bản, phát động thực hiện kiểm tra đánh giá một cách khách quan không thiên vị. Tuy nhiên khá nhiều cơ quan DN còn chạy theo thành tích, báo cáo sơ, tổng kết nghe có vẻ hay lắm, hầu như chẳng có nơi nào nhận còn thiếu trách nhiệm với dân về mặt này nọ. Tất cả đều các báo cáo hay đến nỗi không còn chê vào đâu được.

TS Lê Đăng Doanh chỉ nêu lên một phần rất nhỏ sự quan tâm quá lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với dân với nước.

Tôi ở quận Tân Phú TP HCM hơn 13 năm rồi ,song chưa bao giờ biết mặt một vị lãnh đạo UBND quận bởi các vị này có bao giờ công khai xuống các phường dự họp để lắng nghe tâm tư nguyện vọng, những bức xúc, khiếu nại của dân bao giờ đâu, vì bận ?

Còn nhớ Hồ Chủ tịch còn xắn quần lội xuống ruộng cấy lúa, đạp guồng nước với nông dân. Mặc dù quá bận rộn, song Người vẫn giành thời gian thăm hỏi các cụ phụ lão, thanh thiếu niên, các cháu nhi đồng...

Vậy chúng ta học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trên lý thuyết hay bằng hành động cụ thể thì hầu như nhiều cơ quan DN ít quan tâm.

Chủ yếu trên phát động thì dưới họp bàn triển khai chung chung rồi báo cáo qua bao nhiêu cung bậc trở thành thành tích nổi bật. Bệnh chạy theo thành tích nên chăng?

Nơi báo cáo làm sao cho hay, đọc là ai cũng phải gật đầu ngay tắp lự. Còn nơi nhận báo cáo cũng hài lòng dù biết rằng cấp dưới thiếu trung thực đấy, bởi dưới có hay trên mới đạt thành tích.

Học và làm theo tấm gương Bác Hồ thì chúng ta còn phải học nữa, học mãi , chớ nên chạy theo thành tích mà quên đi mục tiêu của cuộc vận động.

Nên chăng, các cơ quan cấp trên cần lập đoàn kiểm tra liên ngành trong đó thành phần có một số người dân không là Đảng viên đi cùng rồi kết luận, thì may ra có thể mới đúng. Còn việc cơ quan DN tự biên tự diễn thì chắc chắn mẹ hát con khen hay.

Thái Hữu Thịnh; ...1383@gmail.com

Hiện nay muốn nói gần dân và hiểu dân thì hầu hết "các quan" thường chỉ biết khái niệm sơ sơ thôi chứ muốn nói điều này xem ra cần học các vị trưởng thôn, trưởng bản... vì chỉ có các vị này là nắm chắc hơn cả và làm đến nơi đến chốn hơn.

Nhưng điều tôi muốn nói là ở chỗ "hệ thống quan" quan này chưa sát dân thì quan kia cũng vậy vì cách thức làm việc thường chỉ có ngọn mà chưa thực sự có gốc.

Ngày trước Bác Hồ của chúng ta thường làm việc nhìn thực tiễn sau đó mới đưa ra cách giải quyết, nhưng hiện nay thì không ít quan lớn đến chỉ gặp và nghe quan nhỏ báo cáo mà việc báo cáo thì thường che đậy cái xấu vì còn sợ cái ghế mình đang ngồi bị lung lay....

Tôi lấy ví dụ như ở vùng núi tôi đang sống khi nghe tin sẽ có một "quan" lớn trên trung ương về thăm một bản nọ, thì bắt đầu các "quan" huyện sốt sắng gọi các doanh nghiệp đến và giao bắt buộc phải làm nhà cho dân bản mà nhà nào cũng phải có mái tôn và đường vào bản phải được khai thông, nhưng rất tiếc là đợt đó vị quan kể trên lại không đến.

Nhưng cái may có thật lại xảy ra là, dân bản đó lại được có nhà và đường đi lại tốt hơn. Đấy chỉ là một việc tôi nói ra chứ việc "quan" nhỏ che không cho "quan" lớn nhìn thấy những việc mà chính địa phương đấy chưa làm được thì còn nhiều vô kể.

Việc gần dân của các "quan" xem ra phải xem lại và nên học Bác Hồ yêu quý của chúng ta ở chỗ là đến bất thình lình và vào những nơi ít ai nghĩ là Bác vào để thấy được chính bản chất của vấn đề...

Năm mới thiết nghĩ các "quan" nên xem lại các cuộc "vi hành" làm sao cho có hiệu quả. Có như vậy thì mới có những biện pháp chuẩn được.

Đào Ngọc Đệ; ...de@gmail.com

Bài viết của TS Lê đăng Doanh rất tốt, rất trung thực và thẳng thắn. Hoàn toàn là sự thật. Hoan nghênh báo Tiền Phong đã đăng nhiều bài đại loại như thế này, trong việc chống quan liêu, tham nhũng. Cần phải có nhiều bài như thế này và còn phải mạnh mẽ hơn nữa.

Tôi thấy đại bộ phận nhân dân và cán bộ, công chức lương thiện thì còn rất nghèo, nhân dân đông đảo còn rất khốn khổ. Thế mà nhiều quan chức nói học tập, noi gương Bác Hồ theo cái kiểu gì mà họ xa dân quá đỗi, giầu có quá đỗi!?

Nguyễn Văn Tuấn; nguyenvantuan1953@...

Bác Hồ đã dạy: "Cán bộ là đày tớ của dân". Nếu cán bộ có tác phong làm việc như vậy thì không phải là đày tớ của dân.

Cần có biện pháp thật sự hiệu quả để tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ vì dân mà đặt lợi ích của dân, của nước lên trên lợi ích cá nhân.

Nguyễn Văn Chung; ...2015@yahoo.com

Tôi rất đồng tình với bài viết của tác giả về vấn đề cán bộ gần dân, sát dân theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thực chất việc chúng ta nói thì dễ nhưng đến khi làm thì rất khó.

Tôi cũng là một cán bộ, gần đây đã có những dịp đi từ Nam ra Bắc, rồi Bắc vào Nam thấy cảnh "làm luật" của các tài xế vẫn diễn ra như cơm bữa... Đây là một thực trạng phổ biến, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội, làm mất niềm tin với người dân.

Việc này các vị lãnh đạo cấp cao có biết không? Có thể một số biết qua phản ảnh của người dân, còn lại đa số chắc không biết. Vì trong thực tế hầu hết các vị lãnh đạo ngày nay có lẽ không đi xe đò bao giờ mà họ chỉ đi xe nhà nước, do đó làm sao họ biết được.

Trọng Tiến; ...59@yahoo.com.vn

Bài viết của tác giả LÊ ĐĂNG DOANH quá hay. Xin cám ơn tác giả!

>> Tiếp tục cập nhật...

MỚI - NÓNG