Gần 96 triệu ca COVID-19 toàn cầu, WHO cảnh báo số ca tử vong mỗi tuần có thể vượt 100.000

Gần 96 triệu ca COVID-19 toàn cầu, WHO cảnh báo số ca tử vong mỗi tuần có thể vượt 100.000
TPO - Thế giới đã ghi nhận gần 96 triệu người mắc COVID-19. WHO nói xu hướng gia tăng ca tử vong cho thấy, thế giới sẽ sớm ghi nhận 100.000 người chết mỗi tuần.

Thế giới ghi nhận 95.959.923 ca mắc và 2.048.061 người chết do COVID-19, tăng lần lượt 530.695 và 9.502 ca trong 24 giờ qua. Trong đó 68.505.323 người đã bình phục sau khi mắc bệnh.

Tiến sĩ Mike Ryan, Giám đốc Dịch vụ Khẩn cấp Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hôm 18/1 báo cáo tác động của COVID-19 tại phiên họp thứ 148 của Ban điều hành WHO tại Geneva, Thụy Sĩ, cho thấy xu hướng tăng ca mắc tiếp tục trong những tuần qua.

"Số ca tử vong mới cho thấy xu hướng tương tự với hơn 93.000 trường hợp được báo cáo vào tuần trước. Chúng ta có khả năng rất sớm ghi nhận 100.000 trường hợp tử vong mỗi tuần", Ryan cho biết. "Tuần trước, 87% tổng số ca mắc và 87% tử vong xảy ra ở châu Mỹ và châu Âu, trong khi 4 khu vực còn lại chiếm 13% tổng số ca mắc và tử vong".

Trên toàn cầu, 75% các trường hợp được báo cáo nằm trong độ tuổi từ 15 đến 64, nhưng 83,4% trường hợp tử vong ở độ tuổi trên 65.

"Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là 16% tổng số ca tử vong nằm trong số những người từ 25 đến 64 tuổi", quan chức WHO nhấn mạnh.

Mỹ, tâm dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận thêm 124.005 ca mắc và 1.264 ca tử vong trong 24 giờ qua, đưa tổng số người mắc lên 24.608.359 và 408.462 người chết.

Tiến sĩ Rochelle Walensky, giám đốc tương lai của Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh (CDC), cảnh báo Mỹ sắp "đối mặt những tuần đen tối ở phía trước" khi số người thiệt mạng vì COVID-19 sẽ chạm ngưỡng 500.000 vào giữa tháng hai.

Giữa tháng 12 năm ngoái, Mỹ bắt đầu chiến dịch tiêm chủng lớn với mong muốn chấm dứt cuộc khủng hoảng y tế. Nhưng các nỗ lực này không đạt được mong muốn, khi tính đến ngày 15/1, Mỹ mới tiêm chủng được cho 12,3 triệu người, thấp hơn nhiều mục tiêu 20 triệu người đã đề ra từ năm 2020.

Tổng thống đắc cử Mỹ Biden từng nhiều lần tuyên bố ưu tiên hàng đầu sau khi nhậm chức là giải quyết đại dịch. Ông cam kết phân phối 100 triệu liều vắc-xin COVID-19 đủ cho 50 triệu người Mỹ trong 100 ngày đầu tại Nhà Trắng.

Ấn Độ, tâm dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 9.975 ca mắc và 137 ca tử vong, nâng tổng số người mắc và chết vì COVID-19 lên lần lượt 10.582.647 và 152.593.

Ấn Độ bắt đầu một trong những chương trình tiêm chủng lớn nhất thế giới từ ngày 16/1. Quốc gia đông dân thứ hai thế giới này đặt mục tiêu tiêm cho khoảng 300 triệu người trước tháng 7 - tương đương gần như toàn bộ dân số Mỹ. Nhóm người được ưu tiên tiêm trước là nhân viên y tế, những người trên 50 tuổi và những người được coi là có nguy cơ cao.

Tuy nhiên, mạng lưới giao thông chất lượng thấp và hệ thống y tế xuống cấp có thể khiến nỗ lực tiêm chủng toàn quốc gặp nhiều trở ngại.

Brazil, tâm dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 431 người chết vì COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên 210.299. Số người mắc mới đã tăng 23.671 ca trong 24 giờ qua, lên 8.511.770.

Bang Amazonas của Brazil ngày 16/1 ban bố lệnh giới nghiêm từ 19h đến 6 giờ sáng hôm sau, khi hệ thống y tế ở thủ phủ Manaus của bang này đang có nguy cơ "ngã quỵ". Khu chăm sóc đặc biệt của các bệnh viện trong thành phố đã hoạt động hết công suất trong hai tuần qua, trong khi các nhân viên y tế đang phải chiến đấu với tình trạng thiếu oxy và các thiết bị thiết yếu khác. Không quân Brazil ngày 15/1 phải chuyển nguồn cung oxy khẩn cấp đến bang này.

Nga, tâm dịch lớn thứ tư thế giới, ghi nhận thêm 22.857 ca mắc mới và 471 người chết, nâng tổng số ca mắc và tử vong lên lần lượt 3.591.066 và 66.037.

Nga sẵn sàng triển khai tiêm chủng đại trà vắc-xin Sputnik V từ 18/1. Trước đó, nước này đã bắt đầu tiêm cho nhóm nguy cơ cao bao gồm nhân viên y tế, giáo viên và người già từ hồi đầu tháng 12/2020. Giới chức Nga cho biết 1,5 triệu công dân đã tiêm vắc-xin.

Làn sóng lây mắc thứ hai bắt đầu ở nước này vào tháng 9 nhưng giới chức không áp đặt phong tỏa diện rộng như đợt bùng phát đầu tiên. Giới chức Nga ngày 15/1 nói rằng đỉnh dịch thứ hai có thể đã qua và thông báo mở lại tất cả trường học từ tuần tới.

Hôm 16/1, giới chức Nga thông báo các chuyến bay giữa Moskva với các thủ đô Phần Lan, Việt Nam, Ấn Độ và Qatar sẽ khởi động lại từ ngày 27/1, vì đây là những quốc gia ghi nhận chưa đến 40 ca mới trên 100.000 người trong hai tuần.

Anh, vùng dịch lớn thứ năm thế giới, ghi nhận 3.433.494 ca mắc và 89.860 ca tử vong, tăng lần lượt 37.535 và 599 ca.

Hơn 3,5 triệu người dân nước này đã được tiêm mũi vắc-xin COVID-19 đầu tiên, vượt qua tổng số ca dương tính với COVID-19. Lãnh đạo Cơ quan Y tế Quốc gia Simon Stevens ngày 17/1 cho biết hơn 50% số người dân trên 80 tuổi đã được tiêm liều đầu tiên và tốc độ tiêm chủng sẽ được đẩy nhanh trong những tuần tới.

"Chúng ta sẽ bắt đầu xét nghiệm 24/7 tại một số bệnh viện trong 10 ngày tới, nhưng chúng ta đang tiêm chủng với tốc độ khoảng 140 mũi/phút", ông cho hay.

Anh hiện là nước có tỷ lệ tử vong vì COVID-19 cao nhất châu Âu.

Pháp, tâm dịch lớn thứ sáu thế giới, ghi nhận thêm 3.736 ca mắc và 403 ca tử vong, nâng ca mắc và tử vong lên lần lượt 2.914.725 và 70.686. Số bệnh nhân cần chăm sóc tích vực vẫn tiếp tục tăng, trong khi gần 390.000 người đã được tiêm chủng. Tốc độ triển khai vắc-xin của Pháp bị chỉ trích chậm hơn nhiều nước châu Âu khác.

Chính phủ Pháp từ 16/1 áp lệnh giới nghiêm toàn quốc từ 18h đến 6h sáng hôm sau. Từ 18/1, bất kỳ ai đến Pháp từ bên ngoài Liên minh Châu Âu phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV gần đây và tự cách ly một tuần khi đến nơi.

Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 917.015 ca mắc, tăng 9.086, trong đó 26.282 người chết, tăng 295.

Indonesia ngày 13/1 bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vắc-xin COVID-19. CoronaVac, vắc-xin COVID-19 do hãng công nghệ sinh học Trung Quốc Sinovac phát triển, đã được Indonesia phê duyệt sử dụng khẩn cấp hôm 11/1.

Quốc gia đông dân thứ tư thế giới đối mặt với thách thức khổng lồ là tiêm chủng cho 181,5 triệu người, tức 2/3 dân số. Chính quyền cho hay sẽ ưu tiên 1,5 triệu nhân viên y tế và 17,4 triệu công chức trong vòng đầu tiên dự kiến kéo dài tới tháng 4. Phần cư dân còn lại sẽ được tiêm vắc-xin đến tháng 3/2021.

Philippines báo cáo 502.736 ca mắc và 9.909 ca tử vong, tăng lần lượt 2.163 và 14 ca, là vùng dịch lớn thứ hai khu vực.

Giới chức Philippines hôm 10/1 cho biết nước này đã bảo đảm tiếp nhận 30 triệu liều vắc-xin COVID-19 do hãng dược Mỹ Novavax phát triển, đồng thời hy vọng tập trung được 148 triệu liều vắc-xin từ 7 công ty trong năm nay, đủ cho khoảng 70% dân số.

Trung Quốc ngày 16/1 cam kết tặng cho Philippines 500.000 liều vắc-xin. Chưa rõ Bắc Kinh sẽ gửi loại nào, Philippines trước đó đã đồng ý mua 25 triệu liều Coronavac của công ty Sinovac. Campuchia hôm 15/1 cho biết họ sẽ nhận được một triệu liều vắc-xin miễn phí từ Bắc Kinh trong khi Myanmar dự kiến nhận 300.000.

Malaysia, một vùng dịch đang diễn biến phức tạp khác ở Đông Nam Á, ghi nhận thêm 3.306 ca mắc và 4 người chết, nâng tổng số ca mắc và tử vong lên lần lượt 161.740 và 605. Công ty Top Glove Corp của Malaysia, nhà sản xuất găng tay lớn nhất thế giới, ngày 16/1 thông báo phát hiện ổ dịch COVID-19 tại 4 nhà máy.

Malaysia ngày 12/1 ban bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc đến 1/8, nhưng có thể được dỡ bỏ sớm hơn nếu tỷ lệ gia tăng ca mắc mới chậm lại. Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin trước đó công bố những quy định mới nghiêm ngặt trên hơn nửa đất nước, gồm lệnh cho người dân ở nhà và đóng cửa hầu hết doanh nghiệp. Ông cũng cảnh báo hệ thống chăm sóc y tế của đất nước đang trên bờ vực nguy hiểm.

Nước này năm ngoái kiểm soát được dịch bệnh bằng các biện pháp nghiêm ngặt. Tuy nhiên, sau khi biện pháp hạn chế được nới lỏng, ca mắc tăng nhanh và liên tục ở mức kỷ lục trong những ngày gần đây.

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG