Gần 80% doanh nghiệp chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ do dịch COVID-19

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, phần lớn các Dn chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ của Chính phủ bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, vì tính thực thi rất khó.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, phần lớn các Dn chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ của Chính phủ bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, vì tính thực thi rất khó.
TPO - Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, có tới 80% số doanh nghiệp (DN) khảo sát xác nhận chưa tiếp cận được chính sách hỗ trợ của Chính phủ dành cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tỷ lệ số doanh nghiệp không biết thông tin về được hỗ trợ cũng khá cao.

Ngày 8/12, tại Diễn đàn chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, do VCCI chủ trì, ông Lộc cho biết, dịch COVID-19 là một thảm hoạ, không chỉ với y tế mà còn tạo cuộc khủng hoảng về kinh tế, thách thức cả những nền kinh tế lớn nhất và có nền quản trị tốt nhất toàn cầu.

 Hầu hết các nền kinh tế lớn đều suy thoái do đại dịch và dự báo năm 2020, kinh tế thế giới tăng trưởng âm 5,2%.

 Theo Chủ tịch VCCI, đại dịch COVID-19 đã gây làn sóng phá sản lan rộng. “Trung bình cứ 3 doanh nghiệp (DN) trên thế giới thì có 1 DN nguy cơ mất khả năng thanh toán. Theo tính toán của Tổ chức Lao động quốc tế đến tháng 9/2020, tỷ lệ mất việc làm lên tới 12,1%, tương đương 345 triệu việc làm và và xu hướng tiếp tục diễn biến xấu khi dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp”, ông Lộc nói.

 “Nhưng đằng sau những cơn bão, chúng ta sẽ thấy sức mạnh vượt bão tố của con người. Con người sẽ định hình tương lai khi bão đi qua và COVID-19 là một cơn bão như vậy với nhân loại”, ông Lộc chia sẻ.

 Chủ tịch VCCI cho biết, từ những ngày đầu khi dịch COVID-19 bùng phát, Việt Nam với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, đã triển khai nhiều gói giải pháp chính xác và quyết liệt: siết chặt từ biên giới, truy vết, cách ly… và đến nay Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong khống chế dịch bệnh.

 Tại Việt Nam, đến nay ngành y tế ghi nhận 1.367 ca nhiễm và 35 trường hợp tử vong. Về kinh tế, Việt Nam là điểm sáng hiếm hoi có nền kinh tế tăng tương dương, dự báo tăng 2-3% trong năm nay.

 Theo ông Lộc, dịch COVID-19 gây tác động nặng nề lên DN Việt Nam. Đến tháng 11/2020, số DN phải tạm dừng hoạt động và rời khỏi thị trường đã lên tới 44.000 DN,  tăng đến 60 % so với cùng kỳ năm 2019.

Trung bình mỗi tháng, Việt Nam có trên 5.000 doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường. Đây là con số lớn nhất từ trước tới nay và kéo theo nhiều hệ luỵ.

Theo ông Lộc, trong lúc dịch bệnh, thiên tai dồn dập, dù rất khó khăn, nhưng Chính phủ đã kịp thời ban hành Chỉ thị 11 vào đầu tháng 3/2020 về các nhiệm vụ giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với đại dịch.

Rà soát của VCCI cho thấy, thực hiện chỉ thị trên, các bộ ngành, địa phương đã ban hành tới 95 văn bản triển khai các gói giải pháp của Chính phủ, với phạm vi, đối tượng hỗ trợ tương đối đầy đủ. Trong đó có gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ DN trả lương cho người lao động 16.000 tỷ đồng; gói chính sách tài khoá về gia nộp thuế, tiền thuế đất 180 tỷ đồng…

 “Đây là hệ thống các gói giải pháp khá đồng bộ, chưa từng có ở Việt Nam. Chính phủ cũng kịp thời nới lỏng giãn cách xã hội, mở cửa thị trường trong nước, giúp DN duy trì sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh khó khăn”, ông Lộc nói.

 Đánh giá cao về gói chính sách, tài khoá, tuy nhiên, Chủ tịch VCCI cũng chỉ ra rằng, “có chút gì tiếc nuối” về chính sách trên chính là vấn đề thực thi.

 “Phản ứng chính sách là hợp lý, chủ trương là đúng đắn, nhưng thiết kế chích sách có vấn đề và tính thực thi thì không suôn sẻ”, ông Lộc bình luận.

Gần 80% doanh nghiệp chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ do dịch COVID-19 ảnh 1 Dệt may là một trong những ngày bị thiệt hại nặng nề do dịch COVID-19

Chủ tịch VCCI cho biết, gói 16.000 tỷ đồng cho DN vay trả lương cho người lao động thủ tục vẫn còn phiền hà, chưa sát thực tiễn. Việc điều chỉnh cũng chậm trễ. Ra đời từ tháng 4/2020 nhưng đến tháng 10 vẫn chưa có DN nào tiếp cận được.

Nhờ có Quyết định 32, điều chỉnh Quyết định 15 trước đó của Thủ tướng, một số DN mới tiếp cận được gói này. Đến ngày 27/11, mới chỉ 75 DN tiếp cận được gói vay nay để trả lương cho khoảng 3.800 công nhân.

 Ngoài ra, đến tháng 10/2020, gói hỗ trợ giãn, giảm thuế, tiền thuế đất cũng chỉ triển khai chưa đến 100.000 tỷ đồng.

 Ngoài ra, theo điều tra của VCCI và kết quả khảo sát của Đại học Kinh tế Quốc dân, tới gần 80% số DN khảo sát vẫn chưa tiếp cận được gói hỗ trợ. Còn tỷ lệ khá cao các DN chưa biết đến những chính sách hỗ trợ của Chính phủ.

“Cần thu hẹp khoảng cách giữa việc ban hành chính sách và thực thi hỗ trợ cho DN trong bối cánh khó khăn về dịch bệnh, thiên tai. Đây là bài học cần rút kinh nghiệm và điều chỉnh trong nước lai”, ông Lộc nói và kiến nghị: “Cần có hình thức hỗ trợ phù hợp với từng ngành, từng doanh nghiệp và từng giai đoạn. Đặc biệt là ưu tiên các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa do khả năng chống chịu kém”.

Chủ tịch VCCI cũng cho biết, VCCI sẽ cùng Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc UNDP sẽ thiết kế một chương trình để “nâng sức đề kháng” cho DN Việt vượt khó do dịch bệnh, thiên tai.

Trong đó huy động nguồn lực và sáng kiến của cộng đồng DN hỗ trợ cho DN vừa và nhỏ với tinh thần “cây tre Việt Nam”, bởi sức chống chịu của DN nhỏ và vừa là cốt lõi sức chống chịu của nền kinh tế Việt Nam.

MỚI - NÓNG