Gần 40 vạn thí sinh trượt đại học

Gần 40 vạn thí sinh trượt đại học
TP - Điểm sàn hệ ĐH năm 2013: khối A: 13 điểm; khối A1: 13 điểm; khối B: 14 điểm; khối C: 14 điểm; khối D1: 13,5 điểm. Mức điểm sàn dành cho hệ CĐ Khối A: 10 điểm; Khối A1: 10 điểm; Khối B: 11 điểm; Khối C: 11 điểm; Khối D1: 10 điểm. Theo tính toán của Bộ GD- ĐT, có 394.627 thí sinh có điểm thi dưới sàn (trượt ĐH).

> Ba điểm 9 vẫn trượt đại học?
> 27 điểm chưa chắc đỗ ĐH Y Hà Nội

Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga, Chủ tịch Hội đồng điểm sàn 2013, cho biết: ngoài căn cứ vào chỉ tiêu, điểm sàn (ĐS) năm nay còn dựa vào căn cứ nữa là ngưỡng tối thiểu mà thí sinh có thể học tập được ĐH, CĐ. Ông Ga nói: Với mức ĐS như năm nay, hệ ĐH dư 238.768 thí sinh trên ĐS (so với số dư 141.000 năm 2012), vì vậy, nguồn tuyển năm nay rất dồi dào cho các trường.

Năm nay là năm đầu tiên xuất hiện các thí sinh là sinh viên hệ liên thông (16.000 thí sinh) cũng thi lên ĐH và Thứ trưởng Ga cho biết: ĐS hệ liên thông cũng bằng với ĐS tương ứng của hệ ĐH theo các khối. Việc định điểm chuẩn của các ngành liên thông do hiệu trưởng các trường quyết định cho phù hợp, Bộ GD&ĐT không quy định nhất thiết phải bằng điểm chuẩn hệ chính quy.

Trả lời về hiện tượng những sinh viên đạt 3 điểm 9 cũng có thể trượt ĐH ở ĐH Y khoa Hà Nội, thứ trưởng Ga cho hay: Chỉ một vài trường có điểm cao như thế và bắt đầu từ năm 2012 Bộ đã dừng việc cho phép hệ đào tạo theo nhu cầu xã hội nên không thể cho phép trường này hay trường kia đào tạo hệ này vì lý do khách quan và công bằng với tất cả các trường khác.

Cụ thể, ĐH Y Hà Nội sẽ chỉ tuyển 1.050 đã đăng ký và trường sẽ phân bố điểm tuyển trong nội bộ để có thể lấy điểm cao hay thấp là tùy trường. Thứ trưởng Ga cũng cho biết: Nếu các trường tốp trên tiếp tục mở rộng quy mô thì trường tốp dưới không có nguồn để tuyển; vì vậy, năm nay Bộ GD&ĐT quy định điểm tuyển nguyện vọng sau không được thấp hơn nguyện vọng trước để trường khó tuyển đảm bảo có nguồn tuyển và Bộ GD&ĐT sẽ kiểm tra chặt chẽ việc tuyển vượt chỉ tiêu của các trường.

Sau khi có ĐS, ông Ga nói, các trường sẽ công bố điểm chuẩn và các thí sinh trượt NV1 sẽ được cấp 3 giấy chứng nhận kết quả thi đại học, có đóng dấu đỏ của trường để tham gia xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ có tuyển NV2. Việc xét tuyển NV2 bắt đầu từ 20/8 và mỗi đợt xét tuyển kéo dài 20 ngày. Năm nay có một điểm mới thí sinh cần lưu ý là việc xét tuyển chỉ kéo dài đến 31/10.

Hồ sơ đăng ký xét tuyển gồm Giấy chứng nhận kết quả thi (bản gốc có chữ ký và đóng dấu đỏ của trường tổ chức thi) và 1 phong bì đã dán sẵn tem, có ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc của thí sinh. Lệ phí xét tuyển theo quy định của từng trường.

Các trường có thu hút được đủ người học hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác chứ không phải do điểm sàn. Đó chính là uy tín, chất lượng đào tạo của nhà trường.

Ông Bùi Anh Tuấn
Vụ trưởng Vụ GD Đại học, Bộ GD&ĐT

Năm nay dễ hơn nên thí sinh làm bài được nhiều hơn. Điểm sàn như năm nay cho thấy số thí sinh vượt qua điểm sàn năm nay nhỉnh hơn năm trước, tạo ra nguồn tuyển dồi dào. Điều này, có lẽ, sẽ khiến các trường ngoài công lập và các ĐH địa phương không phải đề nghị có thêm một kỳ thi tuyển mùa xuân (từ tháng 1 đến tháng 3) để vớt thêm các thí sinh đã trượt kỳ thi tuyển sinh mùa hè hàng năm – các trường có cơ hội tuyển sinh thêm.

Ông Vũ Văn Hóa
Hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ HN.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tấm biển đá có lỗi kỹ thuật đã được cơ quan chức năng di dời.
Ngành chức năng thông tin về tấm biển ghi 'Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá'
TPO - Ngày 20/4, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Thanh Hoá cho biết, đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Thanh Hóa kết quả kiểm tra, rà soát lại toàn bộ sự việc liên quan đến tấm biển đá ghi "Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa" ở di tích lịch sử Quốc gia nghè Vẹt, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc.