LHQ:

Gần 4.000 người Afghanistan chết và bị thương trong nửa đầu 2019

Hiện trường một vụ không kích ở Afghanistan Ảnh: Indian Express
Hiện trường một vụ không kích ở Afghanistan Ảnh: Indian Express
TP - Ít nhất 3.812 người Afghanistan bị giết hoặc bị thương trong các cuộc chiến chống các nhóm phiến quân giai đoạn nửa đầu năm 2019, bao gồm cả số thương vong tăng vọt do các lực lượng chính phủ và nước ngoài gây ra, LHQ nói hôm qua.

Số liệu mới nhất về thương vong ở Afghanistan được công bố trong lúc phiến quân Taliban và các quan chức Mỹ nhằm chấm dứt 18 năm chiến tranh ở Afghanistan đã đi vào giai đoạn quan trọng, khi các nhà thương thuyết Mỹ đang nhắm tới mục tiêu đạt được một thỏa ước hòa bình trước ngày 1/9.

Tuy nhiên, cuộc chiến vẫn tiếp diễn bất chấp các nỗ lực ngoại giao, buộc dân thường phải sống với những mối đe dọa thường trực trở thành mục tiêu của phiến quân hoặc bị kẹt giữa các bên chiến sự, hoặc vô tình trở thành nạn nhân của các cuộc không kích do quân chính phủ và các lực lượng nước ngoài thực hiện.

Cơ quan hỗ trợ của LHQ tại Afghanistan (UNAMA) nói trong báo cáo mới nhất rằng các vụ đột kích, đụng độ trên mặt đất gây ra hầu hết thương vong ở dân thường, sau đó là các vụ tấn công bằng bom, không kích.

Các phiến quân Taliban và IS đã giết chết 531 người Afghanistan và làm bị thương 1.437 người trong giai đoạn 1/1-30/6. Nhóm Hồi giáo cực đoan này đã cố tìm nhắm đến 985 thường dân, bao gồm nhân viên chính phủ, những người cao tuổi trong một số bộ lạc, nhân viên các tổ chức hỗ trợ nhân đạo và học giả tôn giáo, UNAMA nói trong báo cáo.

Cơ quan này cũng cho hay các lực lượng thân chính phủ đã giết chết 717 người Afghanistan, làm bị thương 680 tính đến 30/6, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2018. Ít nhất đã có 144 phụ nữ và 327 trẻ em bị giết, hơn 1.000 bị thương.

Các cuộc không kích gây ra thương vong đối với 519 người, trong đó 150 là trẻ em.

“Các bên tham gia xung đột có thể đưa ra những giải thích khác nhau về những gì diễn ra, xu hướng gần đây, tất cả đều được “thiết kế” để biện hộ cho các chiến thuật quân sự của họ”, trưởng bộ phận nhân quyền của UNAMA Richard Bennett được Reuters dẫn lời.

“Thực tế đang diễn ra là chỉ có quyết tâm nỗ lực giảm thương vong cho dân thường, không chỉ tuân thủ luật nhân đạo quốc tế mà còn phải giảm cường độ các cuộc tấn công, mới giảm được thương vong cho dân thường ở Afghanistan,” ông nói.

Quân đội Mỹ và một số nước khác trong NATO đã đồn trú ở Afghanistan với nhiệm vụ được nói là huấn luyện, hỗ trợ và tư vấn cho các lực lượng Afghanistan và một số nhóm của quân đội Mỹ vẫn thực hiện các chiến dịch mà họ gọi là chống khủng bố.

Đại tá Sonny Leggett, một người phát ngôn của các lực lượng Mỹ ở Afghanistan, bác bỏ các thông tin của UNAMA, nói rằng việc tập hợp bằng chứng của các lực lượng Mỹ “đầy đủ hơn, chính xác hơn”. Tuy nhiên, đại tá Leggett không đưa ra con số nào về thương vong của dân thường Afghanistan do quân đội Mỹ thống kê nhưng nói các lực lượng Mỹ “làm việc chặt chẽ” với an ninh Afghanistan để ngăn chặn việc gây thương vong cho thường dân.

Mỹ đang cố gắng thương lượng để đạt được một thỏa thuận, theo đó các lực lượng nước ngoài sẽ rút đi, đổi lại là lực lượng Taliban phải đảm bảo an ninh, bao gồm cam kết rằng Afghanistan sẽ không trở thành điểm đến của các nhóm khủng bố.

Taliban kiểm soát hoặc đang tranh quyền kiểm soát một nửa lãnh thổ, nhiều hơn bất cứ thời điểm nào kể từ khi lực lượng này bị các lực lượng Mỹ và Afghanistan đánh đuổi vào cuối năm 2001, nhưng họ bác bỏ kêu gọi ngừng bắn cho đến khi các lực lượng nước ngoài rời Afghanistan.

MỚI - NÓNG