Gần 3.000 điều kiện kinh doanh không đúng thẩm quyền

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, bản chất, rất nhiều điều kiện kinh doanh vẫn như cũ mà chưa có sự sàng lọc, đánh giá để cân nhắc sửa đổi, loại bỏ.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, bản chất, rất nhiều điều kiện kinh doanh vẫn như cũ mà chưa có sự sàng lọc, đánh giá để cân nhắc sửa đổi, loại bỏ.
TPO - Hiện cả nước có khoảng 5.826 điều kiện, với 267 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, trong đó, gần 3.000 điều kiện đang được quy định tại các văn bản không đúng thẩm quyền.

Ngày 14/6, tại Hội thảo bàn về điều kiện kinh doanh, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)- ông Vũ Tiến Lộc cho biết, không ở đâu lắm điều kiện kinh doanh như ở Việt Nam, và vì nó khiến nhiều doanh nghiệp “cười ra nước mắt”.

Theo ông, có rất nhiều thách thức để hiện thực hóa được “quyền tự do kinh doanh”, khi mà điều kiện kinh doanh vẫn còn “chằng chịt” trong hệ thống pháp luật về kinh doanh của nước ta.

Hiện đang có khoảng 5.826 điều kiện đầu tư kinh doanh được áp dụng đối với 267 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư; trong đó, gần 3.000 điều kiện hiện đang được quy định tại các văn bản không đúng thẩm quyền.  Đặc biệt, sau khi Luật Đầu tư được ban hành, nhiều Bộ vẫn tiếp tục ban hành các điều kiện kinh doanh trái thẩm quyền.

Trong khi đó, theo Chủ tịch VCCI, hoạt động rà soát loại bỏ điều kiện kinh doanh bất hợp lý đang được triển khai được như kỳ vòng, thực chất.

Theo ông Lộc, các bộ, ngành dường như đang thực hiện các hoạt động này một cách cơ học, nâng các quy định từ cấp thông tư lên Nghị định và vẫn giữ nguyên tính chất của quy định, chưa đánh giá về tính hợp lý và hiệu quả của các quy định về điều kiện kinh doanh.

 Đồng thời, trong quá trình rà xét, nhiều cơ quan soạn thảo vẫn chưa tách bạch các điều kiện đầu tư kinh doanh để tiếp cận thị trường của các chủ thể, với các quy định về quy trình sản xuất, tiêu chuẩn đối với chất lượng sản phẩm, dịch vụ.

“Như vậy, về bản chất, rất nhiều điều kiện kinh doanh vẫn như cũ mà chưa có sự sàng lọc, đánh giá để cân nhắc sửa đổi, loại bỏ. Cũng như chưa có sự đánh giá, xem xét trong 267 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện có những ngành, nghề kinh doanh nào không thực sự cần thiết phải áp đặt về điều kiện kinh doanh để kiến nghị loại bỏ khỏi danh mục”- ông Lộc nói.

Mặt khác, Chủ tịch VCCI cũng cho rằng, đáng lẽ, việc rà soát các điều kiện kinh doanh phải được các bộ, ngành thực hiện từ khi Luật Đầu tư ra đời, nhưng họ cứ đủng đỉnh, đến lúc Thủ tướng “thúc” mới “vắt chân lên cổ” để hoàn thành trước 1/7 tới.

Theo ông Lộc, vì hầu hết các Nghị định về điều kiện kinh doanh đang được soạn thảo được thực hiện theo trình tự thủ tục rút gọn, các bộ không có thời gian tổ chức lấy ý kiến, các dự thảo văn bản không được cập nhật công khai trên các trang thông tin điện tử.

“Điều này đặt ra nhiều băn khoăn về chất lượng cũng như tinh thần của Luật Đầu tư về điều kiện kinh doanh được thực thi một cách đầy đủ và hiệu quả trong các Nghị định này”- ông Lộc nói.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, qua rà soát của các bộ ngành, có 50 nghị định, được nâng cấp từ các thông tư với 267 ngành nghề kinh doanh.

Tuy nhiên, ông Tuấn cho hay, đến hết tháng 5, các bộ đã trình 38 nghị định lên Chính phủ. Trong đó, chỉ 24/50 nghị định được lấy ý kiến của VCCI.

Trưởng Ban Pháp chế VCCI lo ngại, các nghị định “làm gấp” nên sẽ có tình trạng “tám 0” là: Không đăng dự thảo trên mạng, không gửi lấy ý kiến DN, không tổ chức hội thảo, không đánh giá tác động, không tổng kết thi hành, không kiểm soát thủ tục hành chính, không bản thuyết minh, không bản giải trình, tiếp thu ý kiến.

“Doanh nghiệp không sợ điều kiện kinh doanh, doanh nghiệp chỉ sợ điều kiện kinh doanh không minh bạch”- ông Tuấn nói.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.