Gần 200 hộ dân bị bãi rác tra tấn

Nước xả thải đen kịt của bãi rác xả thẳng ra môi trường, đe dọa môi trường của di sản thiên nhiên thế giới - Vịnh Hạ Long.
Nước xả thải đen kịt của bãi rác xả thẳng ra môi trường, đe dọa môi trường của di sản thiên nhiên thế giới - Vịnh Hạ Long.
TP - Ăn cơm phải mắc màn, trẻ em thường mắc các bệnh về đường hô hấp. Mùa mưa, hầu như ai cũng bị ghẻ nước, mùa hè không dám mở cửa nhà. Đi ngủ phải đeo khẩu trang vì không chịu nổi mùi hôi thối. Bãi rác Đèo Sen gây ô nhiễm nghiêm trọng, đang tra tấn 185 hộ dân ở khu 3 và khu 4 phường Hà Khánh, TP Hạ Long (Quảng Ninh).

Khoảng vài năm trở lại đây, cuộc sống của các hộ dân gần bãi rác Đèo Sen gần như bị đảo lộn. Không ít người mắc các bệnh về hô hấp, phụ nữ thường bị sảy thai, thậm chí trẻ em sinh ra bị mù lòa hoặc bị thiểu năng. Theo phản ánh của người dân sống ở đây, tình trạng này xảy ra vì ảnh hưởng của bãi rác Đèo Sen gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Bãi rác Đèo Sen có công suất lên đến gần 50 nghìn tấn/năm. Bãi rác này xử lý đa số rác thải sinh hoạt của TP Hạ Long. Những núi rác khổng lồ nằm cách khu dân cư khoảng vài trăm mét. Trong khi đó, theo quy định đối với các bãi rác phải cách xa khu dân cư từ 3-5km.

“Chúng tôi đã nhiều lần họp dân và có ý kiến phản ánh lên chính quyền sở tại, cũng đã có các ban ngành về kiểm tra xử lý nhưng được vài hôm thì đâu lại vào đấy. Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc bao trùm cả khu vực này. Chưa kể vào mùa mưa, nước từ các bể chứa thải tràn vào cả nhà chúng tôi gây ô nhiễm nghiêm trọng”, ông Nguyễn Lâm Thặng, cư dân phường Hà Khánh, nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, bãi rác Đèo Sen được xây dựng từ nguồn vốn ODA của Đan Mạch và đưa vào hoạt động từ năm 2006 dưới sự quản lý của Công ty Môi trường đô thị TP Hạ Long. Đây được coi là bãi rác đầu tư hợp vệ sinh với việc xây dựng các bể chứa, có hệ thống thoát nước thải, khí thải... nhưng lạ thay, biện pháp xử lý rác ở đây chủ yếu chỉ là chôn lấp.

Trung bình mỗi ngày bãi rác Đèo Sen tiếp nhận xử lý rác thải thuộc các phường phía Đông và địa bàn trung tâm của TP Hạ Long. Theo quy trình trước khi chôn lấp phải phân loại, tưới dung dịch emulic để phân hủy rác và khử mùi. Cuối ngày, phải nén rác và phủ đất chôn lấp, sau đó dùng vôi bột để khử trùng và phun thuốc diệt ruồi (phun 5 lần/tháng). Nước thải được thu từ các hố ga bên dưới bãi rác rồi xử lý lọc qua hệ thống bể chứa và được sục khí, làm sạch trước khi thải ra nguồn tiếp nhận.

Mặc dù đã xây dựng các hồ lắng để xử lý nước thải, nhưng Công ty Môi trường đô thị TP Hạ Long không dùng phương pháp hóa học, sinh học theo quy định để xử lý nước thải. Nước rỉ rác sau khi được xử lý tại các bể lắng có màu đen kịt và được xả qua rãnh hở ra hồ, chảy qua các đường cống, chảy thẳng ra moong nước Thành Công (mỏ than Thành Công cũ) và từ moong này chảy ra cống Hai Cô khiến các moong trong khu vực bị ô nhiễm nặng.

Từ những moong nước, dòng nước đen ngòm này tiếp tục chảy trực tiếp ra cống xả thẳng ra biển không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của các hộ dân nơi đây mà còn đang đe dọa môi trường di sản thiên nhiên thế giới - Vịnh Hạ Long.

Đại diện UBND tỉnh cho biết tỉnh đã có văn bản chỉ đạo UBND TP Hạ Long về việc giải quyết đơn kiến nghị của 185 hộ dân khu 3 và khu 4 phường Hà Khánh. Văn bản nêu rõ: “Giao cho UBND TP Hạ Long căn cứ quy định của pháp luật, kiểm tra, xem xét, nội dung kiến nghị của các hộ dân, chỉ đạo đơn vị xử lý rác có kế hoạch xử lý, giải quyết trước mắt nguồn rác thải và xử lý khắc phục, giảm thiểu ô nhiễm, nguồn nước, không khí để đảm bảo cuộc sống cho các hộ dân trên”.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.