Gần 2 thập kỷ giữ 'sợi tơ của đất'

TP - Di cư từ tỉnh Bắc Giang vào Đắk Lắk lập nghiệp, nhiều hộ dân đã “lận lưng” nghề làm bún, miến, phở khô để mưu sinh. Trải qua thăng trầm cuộc sống trên quê hương mới gần 20 năm, nhờ nghề gia truyền, cuộc sống của những người con xa quê ngày càng khá giả. Họ cùng nhau xây dựng thương hiệu sản phẩm bún, miến, phở khô Chi Lăng.

Phát huy nghề truyền thống

Giữa tiết trời nắng nóng của mùa khô Tây Nguyên, chúng tôi về thăm làng bún, miến, phở khô Chi Lăng (phường Khánh Xuân, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk). Những sợi bún, miến phơi xòe trên giàn đón nắng gió hòa mùi thơm dìu dịu của lứa bột mới khiến không khí nơi đây mang hương vị đặc trưng.

“Hiện sản phẩm bún khô Chi Lăng và phở khô Chi Lăng của HTX đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao của tỉnh, đạt chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, được đăng ký mã vạch để truy xuất nguồn gốc. Thời gian qua, chính quyền địa phương cũng đã liên hệ các ngân hàng, tổ chức tín dụng để người dân vay với nguồn vốn ưu đãi, cũng như hỗ trợ một phần vốn cho các hộ đầu tư trang thiết bị phục vụ sản xuất. Thời gian tới, chính quyền sẽ vận động các hộ sản xuất bún, phở nhỏ lẻ tham gia vào HTX để nâng cao chất lượng sản phẩm”, ông Trần Quốc Á, Phó Chủ tịch UBND phường Khánh Xuân cho biết.

Trong xưởng làm nghề của gia đình ông Hà Văn Tuyến, chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ sản xuất bún, miến, phở khô Chi Lăng, 4 nhân công đang miệt mài làm việc. Những sợi bún từ máy chảy ra được hứng vào rổ lớn, rồi bắt lên phên, ra phên đến đâu người lao động nhanh tay chuyển lên giàn phơi.

Gần 2 thập kỷ giữ 'sợi tơ của đất' ảnh 1

Những sợi bún, miến phơi trên giàn đón nắng gió.

Ông Hà Văn Tuyến là một trong những người còn giữ được nghề truyền thống. Theo ông Tuyến, bún, miến, phở ở đây sản xuất quanh năm, được đưa đi tiêu thụ ở nhiều địa phương trong tỉnh và một số tỉnh lân cận.

Gần 2 thập kỷ giữ 'sợi tơ của đất' ảnh 2

Anh Hà Văn Thích (trái) giới thiệu sản phẩm bún khô.

Nghề này có mặt hơn 40 năm nay, khi người dân một số tỉnh từ Bắc Ninh, Bắc Giang,…vào lập nghiệp, phát triển mạnh từ năm 2006. Trước kia, nghề làm bún khô lắm nhọc nhằn, người làm tất bật, chân tay không ngơi nghỉ vì đều làm thủ công. Ngày nay, quy trình sản xuất bún đều khép kín, các công đoạn xay gạo, vắt bột, khuấy bột… đều do máy móc đảm nhiệm, giúp tăng hiệu quả và năng suất.

Theo ông Tuyến, người có gần 20 năm trong nghề, làm bún khô không khó, các công đoạn không quá cầu kỳ nhưng mỗi người lại có bí quyết riêng. Muốn có sợi bún ngon, quan trọng phải chọn được gạo tốt. Bột xay nghiền kỹ, ngâm lọc đúng và đủ thời gian để tạo ra mẻ bún ưng ý. Tuy vậy, tay nghề và kỹ thuật của người vào máy là một trong những yếu tố quyết định chất lượng của mẻ bún. Ngoài nguyên liệu và kỹ thuật chế biến, chất lượng và độ đẹp còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Ngày nắng đều và không gắt là thời điểm phơi bún, miến, phở đẹp nhất. Nhiều người vẫn thường nói nghề này là làm "sợi tơ của đất”, từ những hạt gạo trên những cây lúa người nông dân làm nên những cọng bún trắng ngần.

Nhờ xưởng sản xuất bún khô mà hơn 18 năm nay chị Hồ Thị Lành (46 tuổi), có công việc ổn định với mức thu nhập khoảng 6 triệu đồng mỗi tháng. Theo chị Lành, nghề làm bún, miến, phở khô Chi Lăng không những góp phần xóa đói giảm nghèo mà còn giúp nhiều hộ khá giả. Cùng với làm nghề, nhiều gia đình còn kết hợp chăn nuôi heo, gà để tận dụng nguồn thức ăn từ phụ phẩm dư thừa như nước vo gạo, bún, miến gãy nát… vừa tăng thêm thu nhập, lại bảo đảm khâu vệ sinh môi trường.

Sống với nghề

Nhiều hộ dân ở ven thủ phủ cà phê sống được bằng nghề truyền thống do họ biết giữ chữ “tín” với khách hàng. Gia đình anh Hà Văn Thích có thâm niên gần 20 năm gắn bó với nghề làm bún, miến, phở khô. Nghề này đã giúp gia đình anh và nhiều hộ dân nơi đây có cuộc sống khá giả, xây nhà ở khang trang và mua sắm nhiều phương tiện sinh hoạt hiện đại.

Anh Thích nhớ lại, ngày ấy, cả gia tài chỉ có chiếc xe đạp, sản xuất được mẻ nào vợ anh chở quanh TP Buôn Ma Thuột để chào hàng. Mấy năm sau đó, tích góp sắm được chiếc xe máy, vợ chồng anh bươn chải về các huyện trong tỉnh. Suốt một thời gian dài, hai vợ chồng đi ròng rã cả ngày trời với xe hàng đầy bún, miến, nhưng nhiều hôm phải ngậm ngùi quay về vì không bán được.

Không nản chí, hai vợ chồng kiên trì chào hàng. Chính nhờ làm nghề bằng cái tâm, khi khách dùng thử sản phẩm, họ thấy chất lượng, nhờ đó đơn đặt hàng tới gia đình anh Thích tăng dần lên. Từ sản xuất thủ công nhỏ lẻ, gia đình anh đã đầu tư thêm máy móc, nhà bóng để phơi, sấy sản phẩm và mở rộng quy mô. Hiện vợ chồng anh đã có một xưởng sản xuất với 5 nhân công. Đến nay, trung bình mỗi ngày anh Thích làm khoảng 5 tạ gạo, riêng những ngày cận Tết vừa qua, máy móc gia đình anh hoạt động hết công suất, làm 7 tạ gạo/ngày để đủ nguồn hàng giao cho khách.

Hiện phường Khánh Xuân có trên 50 hộ sản xuất miến, bún, phở khô quanh năm, tập trung ở các tổ dân phố 2,5,7. Những năm qua, các hộ chủ yếu tự tìm đầu ra cho sản phẩm, đa số là mối bạn hàng lâu năm và giao sỉ nhỏ, lẻ ở các chợ quanh khu vực TP Buôn Ma Thuột với các huyện, thị trong tỉnh.

Năm 2019, UBND phường Khánh Xuân đã thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ sản xuất bún, miến, phở khô Chi Lăng (HTX) với 9 thành viên tham gia.

Ông Hà Văn Tuyến -chủ nhiệm HTX cho biết, các thành viên đều đầu tư máy móc, sản xuất theo quy trình chung. Niềm vui lớn hơn đối với những người sản xuất ở đây là sản phẩm đã được chứng nhận “Nhãn hiệu tập thể” và đang từng bước chinh phục được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh. Đây là động lực để người dân giữ gìn, phát triển nghề truyền thống của mình.

“Chúng tôi đặt ra cho mình những nguyên tắc trong sản xuất, kinh doanh, sản phẩm vẫn giữ nguyên được chất lượng truyền thống, không sử dụng phẩm màu, không dùng hóa chất để giữ nguyên hương vị và đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng…

Điều này, đã làm nên thương hiệu bún, miến, phở khô Chi Lăng riêng biệt”, ông Tuyến thông tin.

Một ngày ở làng nghề, thực sự tất bật từ sáng sớm đến tối mịt để làm ra sợi bún, miến, phở. Cứ gần 4 giờ sáng, bên trong những xưởng sản xuất, tiếng máy ép, tiếng quạt động cơ rầm rập. Người đổ bột, người cắt bún, người phơi, người đóng gói...

Nghề làm bún của người dân dường như đã vượt qua giới hạn của chuyện nghề mưu sinh. Đó là sự tiếp nối truyền thống. Những người con xa quê mang nghề vào vùng đất mới, và giờ đây trở thành đặc sản với thương hiệu bún, phở khô Chi Lăng được người dân phố núi ưa chuộng.