Gái quê chào giá mang thai hộ 200 triệu/lần

Yến chủ động nhắn tin cho các vợ chồng hiếm muộn cần mang thai hộ.
Yến chủ động nhắn tin cho các vợ chồng hiếm muộn cần mang thai hộ.
"Trước mắt giao 20 triệu để em trang trải cho hai con trong một năm, chi phí khám, thuê nhà... Ngoài ra, mỗi tháng gửi 2,5 - 3 triệu đồng bồi dưỡng em bé...", Yến đặt vấn đề.

Chủ động mời chào

Lần theo tin nhắn chào hàng mang thai hộ gửi vào điện thoại của một đồng nghiệp, chúng tôi liên lạc được với người phụ nữ tên Yến (29 tuổi, quê Ninh Bình).

Yến cho biết, mình làm ruộng, có hai con trai. Hoàn cảnh vợ chồng đã ly thân, một nách nuôi con vất vả, cô quyết định mang thai hộ, mong kiếm khoản vốn kha khá đổi đời.

Yến giải thích, biết được số điện thoại của các cặp hiếm muộn, có nhu cầu tìm người mang thai hộ thông qua diễn đàn trên mạng. Rồi cô thao thao bất tuyệt: “Em chưa mang thai hộ bao giờ, đây là giao dịch đầu tiên. Sức khỏe em tốt lắm, đi khám hiếm muộn và có chứng nhận của bác sĩ hẳn hoi. Em từng sinh được 2 con trai, các cháu cao lớn, mạnh giỏi nên chuyện thai nghén không thành vấn đề…”

Thế nhưng hỏi về thù lao, Yến chưa chịu chốt luôn mà chần chừ, có ý định làm giá.

“Cả thảy bao nhiêu em chẳng biết đâu. Trước chị cũng có một anh gọi cho em, hứa kết thúc hợp đồng trả 100 triệu. Ngoài ra mỗi tháng họ gửi em 2,5 triệu tiền bồi dưỡng nhưng em chưa đồng ý…”, Yến nói.

Khi yêu cầu Yến cho con số trọn gói để cân đối tài chính và quyết định thì cô gái mới thẳng thừng: “Trước mắt anh chị giao 20 triệu, đủ để em trang trải cho 2 con em trong 1 năm. Tất cả chi phí khám, xét nghiệm, thủ thuật y học, thuê nhà cho em ở trong suốt quá trình mang thai anh chị lo hết.

Ngoài ra, mỗi tháng anh chị gửi cho em 2,5 – 3 triệu gọi là tiền bồi dưỡng em bé. Gia đình chị ở tận TP.HCM chi phí phải cộng thêm 20% nữa. Vé máy bay đi lại anh chị trả.”

200 triệu đồng cho một lần mang thai

Tổng chi phí khoảng 200 triệu đồng, nhưng thấy tôi tỏ vẻ nghi ngại về những khoản lằng nhằng sau sinh em bé, Yến quả quyết: “Chị yên tâm, mình viết hợp đồng đàng hoàng, giao tiền là xong, đường ai nấy đi. Tính em rõ ràng lắm! Vả lại em giấu gia đình, chuyện lộ ra cũng sợ mang tiếng”.

Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Vương Đình Hoàng Dũng, Khoa Hiếm muộn, Bệnh viện An Sinh TP.HCM, bản thân ông cũng từng gặp vài trường hợp thuê người mang thai hộ nhưng sau khi phát hiện họ không phải vợ chồng thì đã từ chối.

Luật pháp Việt Nam tới nay vẫn chưa cho phép mang thai hộ. Dự tính thực hiện mang thai hộ thí điểm tại 3 bệnh viện trên toàn quốc có lẽ tới đầu năm 2015 mới chính thức tiến hành.

Về y học không phức tạp nhưng để tránh các hệ lụy về mặt quan hệ xã hội thì người mang thai hộ phải là người thân thích cùng họ hàng với người nhờ mang thai hộ.

“Giao dịch mang thai hộ “chui” chẳng những trái pháp luật mà các cặp vợ chồng hiếm muộn cũng tự đặt mình vào tình thế phiêu lưu. Chẳng hạn sau khi đẻ con ra, người đẻ thuê nảy sinh tình cảm với đứa trẻ, không chịu giao em bé. Hoặc, dù đã thỏa thuận đẻ ra, giao tiền là… xong, nhưng nhiều đối tượng tới đòi thêm, dọa không cho sẽ tiết lộ thân phận đứa trẻ…”, bác sĩ Dũng nói.

Trong buổi Hội thảo góp ý về dự thảo nghị định của Chính phủ quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ diễn ra ngày 14/10 tại TPHCM, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Chủ tịch Hội nội tiết sinh sản và Vô sinh TP HCM cho biết, nhiều người vợ không thể mang thai bởi tử cung có quá nhiều nhân xơ, niêm mạc tử cung quá mỏng khiến phôi không thể làm tổ, dính buồng tử cung do nạo phá thai, cắt tử cung do vỡ tử cung (có thể do lỗi của nhân viên y tế). Cho phép mang thai hộ đã mở ra một cơ hội làm mẹ cho họ…

Nhìn nhận được điều này, Bộ Y tế lựa chọn phương án cho phép thực hiện mang thai hộ tại 3 bệnh viện gồm Phụ sản Trung ương, Đa khoa Trung ương Huế và BV Từ Dũ TP.HCM.

Theo Theo Vietnamnet
MỚI - NÓNG