Gái mại dâm Úc chường mặt ra thế giới

Gái mại dâm Úc Madison Missina đăng ảnh chân dung lên mạng xã hội. Ảnh: BBC.
Gái mại dâm Úc Madison Missina đăng ảnh chân dung lên mạng xã hội. Ảnh: BBC.
TP - Tại Úc, hàng trăm gái mại dâm đang nói công khai với thế giới về bản thân và công việc của họ thông qua mạng xã hội.

“Sinh viên đại học. Luật sư. Nhà hoạt động. Con gái, chị gái, lao động tình dục. Tôi không cần giải cứu”. Đó là một vài trong số những tuyên bố của hàng trăm lao động tình dục đang tự nói về họ trên mạng xã hội với chủ đề chung “facesofprostitution” (các gương mặt mại dâm). Trang này được lập ra từ tuần trước trên mạng chia sẻ hình ảnh Instagram bởi một lao động tình dục 21 tuổi đồng thời là cử nhân ngành luật tên là Tilly Lawless.

Lawless bán dâm đã 2 năm, nhưng cô chỉ bắt đầu công khai làm nghề này cách đây 2 tháng tại Sydney, nơi mại dâm được coi là hợp pháp. Cô quyết định đăng ảnh của mình lên Instagram để cho thấy một bộ mặt khác của nghề buôn hương bán phấn - khuôn mặt một cô gái trẻ đã lựa chọn trở thành lao động tình dục - nhằm phản đối lại sự kỳ thị của nhiều người.

Không lâu sau đó, Scarlett Alliance (Hiệp hội của những lao động tình dục Úc) hỏi Lawless rằng cô có muốn đăng “facesofprostitution” lên Twitter hay không. Sau đó, vài trăm người, chủ yếu là người Úc và lao động tình dục nữ đăng ảnh gương mặt họ lên mạng xã hội này để cho cả thế giới thấy họ là ai.

“Tôi thực sự ngạc nhiên vì hiếm khi lao động tình dục lại được mô tả như chân dung những cá nhân, cơ thể của chúng tôi được nói đến rất nhiều nhưng đăng khuôn mặt lên mạng xã hội quả thực là điều có sức mạnh”, Lawless nói với BBC.

Một lao động tình dục khác tên là Holly nói rằng, cô phản đối hình ảnh được sử dụng trên báo - bức ảnh chụp một phụ nữ Đông Âu bị bán sang Úc và đang làm nghề bán dâm. “Đó không phải bộ mặt của chúng tôi, không phải trải nghiệm cuộc sống của chúng tôi”, Holly nói với BBC. Lawless nói rằng, cách nhìn nhận phiến diện về mại dâm khiến những người như cô bị tước đi nhiều quyền, làm suy giảm sự độc lập của họ.

Tuy nhiên, không ít người vẫn cho rằng, mại dâm hợp pháp tạo ra môi trường dẫn đến tình trạng buôn bán phụ nữ vào nghề mại dâm. “Chỉ vì một nhóm phụ nữ và nam giới đăng ảnh lên Twitter nói rằng đây là công việc mang lại sức mạnh cho họ thì không có nghĩa rằng đó là sự thực của cả ngành công nghiệp”, bà Laila Mickelwait nhận định. “Họ có tiếng nói nhưng tiếng nói của họ đại diện cho thiểu số, những người có đặc quyền lên Twitter và có thể đăng ảnh của mình lên đó”, bà Mickelwait nói.

Theo Theo BBC
MỚI - NÓNG