'Gác trọ' Tiền phong

Trong một lần cùng ngư dân ra Hoàng Sa - ảnh ngư dân chụp
Trong một lần cùng ngư dân ra Hoàng Sa - ảnh ngư dân chụp
TP - Phóng viên làm việc cho một tờ báo nào đó thì tòa soạn là ngôi nhà. Còn nếu làm cộng tác viên thì tờ báo như là “gác trọ” đặt giữa cung đường dài để ngả lưng và gửi gắm sau những ngày dài hành hiệp. Tiền Phong thường cho ngủ qua đêm cây bút lãng tử, máu hiệp sĩ, kẻ tình si với thiên nhiên, cây cỏ, muông thú, thân phận con người, những mảng rong rêu thời gian…

Có lần tôi được Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong cảm ơn vì đã gửi cho báo tin bài có nội dung “gay cấn”. Nhưng tôi lại thầm cảm ơn Tiền Phong vì đã sử dụng bài viết của cộng tác viên vốn là phóng viên của một tờ báo ngành. Vì báo ngành có những ràng buộc nhất định nên Tiền Phong là nơi để chia sẻ về cuộc sống muôn màu và chứa đầy gai góc. 

Bảo vệ lương dân

Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đang là cụm từ nóng trên trang tìm kiếm. Bắt đầu từ ngày 6/10 đến nay, tin tức về con đường giá trị đầu tư trên 34.000 tỷ đồng luôn đăng tải dày đặc. Còn nhớ cách đây hơn một năm, các báo đưa tin về những dấu hiệu thi công gian dối trên công trường đường cao tốc này để cảnh báo. Nhưng cộng tác viên của báo Tiền Phong chọn hướng đi riêng, tập trung bảo vệ lão nông đang tích cực giám sát đường cao tốc. 

Ngay đầu bài viết có đặt một câu hỏi, tại sao gần đó có những cán bộ đảng viên nhưng không mạnh dạn đấu tranh, để lão nông trình độ lớp 7 phải xắn quần nhập cuộc? Những hòn đá mà kẻ xấu nửa đêm quăng vào nhà lão nông còm cõi và tội nghiệp kia được đăng trên Tiền Phong trở thành cái tát đối với những kẻ định bóp miệng người dân để cái xấu mặc sức tung hoành và công an phải vào cuộc. 

Còn nhớ ngày báo Tiền Phong đăng bài, lão nông Phạm Tấn Lực và người dân ở thôn Phú Lễ xã Bình Trung huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi cảm thấy hể hả và vui sướng lắm lắm. Nhiều lão nông chạy đến nói “tờ báo này hay nè, họ ủng hộ bà con thì mình phải tiếp tục giám sát không cho nhà thầu thi công gian dối, gây thêm nợ công cho đất nước mình…”.

Lão nông Phạm Tấn Lực đọc bài trên Tiền Phong và rơi vào cảm giác ngây ngất khá lâu. Lão nói líu cả lưỡi và hứa với tôi rằng, sẽ theo tới cùng, “anh Sáu nói thiệt là ai cũng khen bài báo trên Tiền Phong và bà con vui mừng vì được động viên nên bà con tiếp tục tố cáo cái thằng nhà thầu Giang Tô làm ăn gian dối”.

Vậy rồi suốt mấy năm ròng, những lão nông mang theo niềm hứng khởi Tiền Phong, liên tục lao ra công trường để giám sát,,  quay phim, chụp ảnh, ghi chép. Sau khi vụ việc cao tốc lở loét và hàng ngày hứng hàng tấn “gạch đá” dư luận thì đó là lúc các lão nông ngồi tổng kết những việc đã làm. Nhiều phóng viên đến gặp các lão nông, nhưng những tấm ảnh gây “sốt” thì lão nông gửi riêng cho cộng tác viên của Tiền Phong. Đó là ảnh vòm cống nứt nẻ sau thi công, đất bẩn đổ lên mặt đường, cống thi công không hàn khớp nối… 

Những tấm ảnh “không đụng hàng” này trên trang Tiền Phong online tạo ra sự khác biệt về tin tức, thể hiện tính cách của Tiền Phong luôn sẵn lòng dung nạp những tin tức không mấy dễ chịu để bảo vệ lẽ phải.

Không ngại nhạy cảm 

 Tháng 3/2013, không khí trên đảo Lý Sơn năm đó nóng hầm hập. Tại vũng neo đậu Mù Cu ở xã An Hải, con tàu nào cũng thoảng mùi nước mặn, mùi rong rêu, mùi bóng cá nóc nhím được phơi trên boong tàu. Nhưng con tàu QNg 96382 TS nằm cách bờ 2 lớp tàu thì lại thoảng mùi khét của gỗ, sơn, nhựa bị thiêu cháy. Cái gì xảy ra thế kia? Tôi thầm nghĩ và tiến lại gần, rùng mình chứng kiến những bình gas màu đỏ bị nung đốt sạm đen.

Chưa ai nói với tôi về việc con tàu này đã bị tàu tuần tra của Trung Quốc nã súng bắn gây cháy. Vì vụ việc quá nhạy cảm nên mọi người đều nói với vẻ e dè. Đối với kinh nghiệm của một người làm điều tra thì trước tiên phải luôn đặt câu hỏi ngược lại, thậm chí câu hỏi đó hơi vô nhân đạo: Có phải ngư dân tự làm cháy tàu để tìm kiếm hỗ trợ? Có lẽ là không. Có phải con tàu này vào tới bờ rồi mới phát hỏa? Cũng chắc chắn là không.

Quả bom gas nằm lăn lóc trên nóc tàu. Bình gas còn nặng đầy và bị cháy sạm lâu trong ngọn lửa to. Đây chính là cơ sở để chứng minh việc ngư dân báo cáo là có thật. Trên con tàu giữa biển, bình gas luôn đi liền với sinh mạng của 8 ngư dân trên tàu. Không bao giờ có chuyện ngư dân làm tự mình làm liều để tìm kiếm sự hỗ trợ.

Thuyền trưởng Bùi Văn Phải năm đó 24 tuổi. Người thanh niên có khuôn mặt dễ nhìn, giọng nói nhỏ nhẹ kể rằng: “Nó bắn liên tục, lửa cháy rồi anh em la to cháy rồi bây ơi. Em hoảng quá bỏ tay lái lao lên mái dập lửa vì nó bùng cháy như cái bếp lò trên nóc tàu”.

'Gác trọ' Tiền phong ảnh 1 Bài báo ra ngày 20/6/2017 trên Tiền Phong - là một trong những tờ báo đầu tiên bảo vệ các lão nông giám sát cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, từ khi tuyến đường còn đang thi công
“Vụ việc này có lẽ chỉ Tiền Phong mới mạnh dạn dung nạp” - tôi thầm nghĩ và lựa chọn nơi gởi bài. Vụ tàu cá QNg 96382 TS bị Trung Quốc bắn cháy vào ngày 20/3/2013 tại quần đảo Hoàng Sa được báo Tiền Phong đăng tải. Đó là một quả bom dư luận làm bùng nổ sự giận dữ của người dân cả nước. Báo chí trong nước và cả báo chí nước ngoài cũng dẫn nguồn và đăng tải lại. Nhưng rồi…ngày hôm sau thì các báo đều rút bài, chỉ để lại tít lơ lửng.

Trong làng báo có nhiều người nói “chắc không đúng sự thật, chắc chết! Tiền Phong chấp nhận tin bài nhạy cảm của cộng tác viên thì chắc phải gánh hậu quả…!”. Vài hôm sau, trong chương trình thời sự VTV 1 lúc 19 giờ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao lên tiếng phản đối. 

Tin tức về vụ việc này giống như đập thủy điện đang đầy ắp nước nguồn và bất ngờ được xả cửa. Các báo bắt đầu đưa tin vụ tàu ngư dân bị bắn cháy một cách muộn màng. Tiền Phong đã thể hiện phong cách tiên phong bằng bồi tiếp bài các ngư dân đã bảo vệ là cờ Tổ quốc dưới ngọn lửa hung tàn. Tới lúc đó tôi nhủ thầm, Tiền Phong dám “chứa chấp” những cây bút “liều mạng” để nói lên sự thật, dù sự thật nhạy cảm đến chết người và đôi khi đánh đổi cả sự nghiệp. 

Lưu giữ phần hồn 

 Năm 2013, Quảng Ngãi trở thành đất vàng của báo chí, khi có đến 3 sự kiện hấp dẫn là khai quật tàu cổ 700 năm tuổi, vụ Trung Quốc bắn cháy tàu ngư dân và phát hiện cha con người rừng Hồ Văn Lang và Hồ Văn Thanh ở huyện Tây Trà đã 40 năm lang thang như người nguyên thủy trong rừng sâu vùng núi Upon.

Sau chuyến đi biển vào bờ, tôi mường tượng ra tiếng hú, bước chân trần, hàm răng nhai ngấu nghiến thịt sống của cha con người rừng sau mỗi cuộc đi săn. Tại sao không thực hiện ngay một cuộc đi khám phá trở lại nhà người rừng? Cơ hội để mang theo cây bút lãng tử lang thang, tại sao lại không? Gu viết lang thang thì Tiền Phong là nơi mạnh dạn thu nạp.

Vậy rồi hối hả mua bánh mì, nước uống đóng chai để lên huyện miền núi Tây Trà của tỉnh Quảng Ngãi. Lên tới nơi thì nhận tin xấu là phóng viên của một tờ báo đã vào trước, vừa quay trở ra. Vậy thì phải lên đường ngay, vì đường dài, rừng sâu, không để muộn đường tin tức.

Nhưng rồi mọi chuyện không đơn giản khi cháu người rừng chặn ngay ở một con suối với chiếc dao rựa sắc ngọt lăm lăm trên tay. Trước đó ông này đã ra giá của một tour với vẻ không mấy hợp lý. Giờ gặp khách bộ hành giữa đường thì lao vào gây sự. Cái chớp mắt của tôi hơi dài hơn, vì còn để một clip ngắn lướt qua trong đầu cách xử lý tình huống với cạnh dao bén ngọt.

Mọi thứ diễn ra trong chớp mắt. Như một phản xạ tự nhiên khi lướt vào cướp dao từ tay con người hung dữ đang gào thét, miệng đầy trầu đỏ lói. Thầy trò Đường Tăng chịu 81 kiếp nạn, còn lên nhà người rừng thì chỉ có 1 kiếp, có lẽ là ý trời. “Phát quang” được vật cản, chúng tôi lại tiếp tục lang thang giữa con đường rậm rịt, cạm bẫy, mũi chông, vắt bám.

Bài viết “Theo vết người rừng” trên báo Tiền Phong xuất hiện rất nhanh trên mạng và thu hút bạn đọc. Biên tập viên đã giữ nguyên những đoạn bình rất ngắn trong bài viết, đó là những đoạn có chiều sâu của dòng suy tưởng về thân phận con người mà nếu lược bỏ thì người rừng mất đi phần hồn và chỉ còn là một pho tượng được đặc tả và thuật lại.

Tôi đã viết rất nhiều bài về biển đảo cho Tiền Phong. Những bài viết đó sau được viết lại dài hơn, được Nhà xuất bản Trẻ xuất bản 2 tập sách ký sự về biển Đông. Và sau những tháng ngày lênh đênh với biển đảo và ngư dân, tôi  đã thực hiện thành công báo cáo khoa học “Trục quan hệ của ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa”, được Quỹ nghiên cứu Biển Đông thuộc Học Viện ngoại giao trao giải thưởng đề tài nghiên cứu xuất sắc năm 2017. 

MỚI - NÓNG