'Gã chăn cừu' vô gia cư khiến Ronaldo ôm hận

Beiranvand cản phá thành công cú sút penalty của Ronaldo
Beiranvand cản phá thành công cú sút penalty của Ronaldo
Alireza Beiranvand, 25 tuổi, là một trong số rất ít những thủ thành trên thế giới có thể tự hào thốt lên rằng: "Tôi đã cản phá thành công cú sút penalty của Ronaldo".
Phút 52 trận Bồ Đào Nha – Iran, sân Mordovia nín lặng. Beiranvand đứng nơi cầu môn. Đối diện anh là Cristiano Ronaldo, chân sút xuất sắc nhất thế giới. Ronaldo chuẩn bị sút phạt đền. "Không có cơ hội cho Beiranvand", chắc có đến hàng triệu người trên thế giới cùng chung suy nghĩ. Beiranvand không bận tâm. Nhiệm vụ của anh là cản phá trái bóng dù người sút có là ai đi chăng nữa. Tiếng còi từ trọng tài cất lên. Beiranvand đảo bước và bay người. Anh ôm gọn trái bóng trong cảm xúc vỡ oà của CĐV Iran. Sự nghiệp của một thủ môn, cản phá penalty đã là xuất sắc, cản phá cú sút của một siêu sao hàng đầu thì quả thật là một kỳ tích. Beiranvand trở thành người hùng trong mắt người dân Iran dù đội bóng của họ không thể đi tiếp. Beiranvand sinh ra ở tỉnh Lorestan miền Tây Iran, giữa những dãy núi Zagros trong một gia đình du mục. Cuộc sống của họ xoay quanh những chuyến đi tới vùng nông thôn lân cận, tìm đồng cỏ để chăn cừu. Beiranvand là con cả trong gia đình. Từ nhỏ, Beiranvand được giao nhiệm vụ trông nom đàn cừu. Trên những đồng cỏ, Beiranvand chơi bóng và "Dal Paran" (trò chơi ném đá đi thật xa), cùng nhóm bạn. Trò chơi đó về sau giúp ích rất nhiều cho sự nghiệp thủ môn của Beiranvand. Anh trở nên nổi tiếng với những pha ném bóng từ sân nhà lên tới... cầu môn đối phương. Trận đấu với Bồ Đào Nha, kỹ năng đó một lần nữa được Beiranvand thể hiện.
'Gã chăn cừu' vô gia cư khiến Ronaldo ôm hận ảnh 1  
Năm Beiranvand 12 tuổi, gia đình chấm dứt cuộc sống du mục. Beiranvand bắt đầu sự nghiệp chơi bóng cho một đội địa phương. Ban đầu, Beiranvand chơi như một tiền đạo. Một lần, thủ môn của đội chấn thương, Beiranvand bắt thay. Một pha cứu bóng đẹp mắt đã khiến Beiranvand quyết định sẽ trở thành một thủ môn. Nhưng cha anh phản đối. Ông Morteza Beiranvand, giống như nhiều người cha Iran thời điểm đó, tin rằng bóng đá không phải là một công việc. Ông Morteza muốn con trai làm công nhân. "Cha tôi không thích bóng đá. Ông ấy yêu cầu tôi phải làm việc. Ông ấy thậm chí còn xé quần áo và găng tay của tôi khiến tôi nhiều lần phải bắt bóng bằng tay trần", Beiranvand kể lại với phóng viên The Guardian. Cuối cùng, chàng thủ môn trẻ quyết định bỏ trốn đến Tehran để tìm kiếm cơ hội. Anh mượn tiền từ một người họ hàng và đến Tehran bằng xe buýt. May mắn nhanh chóng tìm đến Beiranvand. Trên xe bus, anh gặp Hossein Feiz, huấn luyện viên một đội bóng địa phương. Feiz đồng ý cho Beiranvand tập cùng đội, đổi lại anh phải trả 200.000 Toman (tương đương 900.000 VNĐ). Nhưng Beiranvand không có tiền và chẳng có nơi để tá túc. Suốt nhiều đêm liền, Beiranvand ngủ dưới chân tháp Azadi Tower, chỗ những người nghèo mưu sinh trú chân mỗi đêm. Một lần, một nhân viên bán hàng trẻ đi qua nhìn thấy Beiranvand. Thương cảm, người này đề nghị Beiranvand về nhà mình ở. Beiranvand đồng thuận. Trên đường đi đến ngôi nhà của người bán hàng, Beiranvand nảy ra một ý định khác.

Anh quay lại trụ sở CLB của Feiz. "Tôi ngủ ngay cổng của CLB. Khi tôi thức dậy vào buổi sáng, tôi thấy những đồng tiền mà họ đã bỏ cho tôi. Họ nghĩ tôi là ăn mày. Chẳng sao, lần đầu tiên tôi có một bữa sáng ngon miệng", Beiranvand kể.

'Gã chăn cừu' vô gia cư khiến Ronaldo ôm hận ảnh 2  
Rút cuộc, HLV Feiz cũng đồng ý cho Beiranvand tập luyện tại CLB mà không cần trả tiền. Ông còn yêu cầu đội trưởng đội bóng hỗ trợ hết sức cho chàng trai. Beiranvand ở lại nhà của đồng nghiệp trong 2 tuần. Không muốn dựa dẫm, anh xin việc trong một xưởng may thuộc sở hữu của cha một đồng đội khác. Ở đó, anh có thể xin ngủ lại vào ban đêm. Công việc tiếp theo mà Beiranvand nhận là rửa xe. Nhờ chiều cao của mình, Beiranvand trở thành chuyên gia trong việc rửa xe SUV. Huyền thoại Iran Ali Daei thường tới tiệm nơi Beiranvand làm việc để làm sạch chiếc xe của mình. Các đồng nghiệp đã khuyên Beiranvand nên nói chuyện với cựu tiền đạo Bayern Munich để hỏi xem liệu ông ấy có giúp anh phát triển sự nghiệp hay không. Beiranvand không làm theo lời khuyên đó. "Tôi biết nếu tôi nhờ Daei sẽ giúp đỡ nhưng tôi xấu hổ khi phải trình bày hoàn cảnh của mình với ai đó", Beiranvand thổ lộ, Anh quyết định đi con đường của chính mình. Không lâu sau, Beiranvand gặp một HLV của CLB Naft-e-Tehran. Anh chuyển tới đó chơi bóng. Lúc đầu, CLB cho Beiranvand sống trong phòng cầu nguyện. Về sau, họ bảo rằng anh không thể tiếp tục sống ở đó. Vì thế, Beiranvand tìm một công việc ở cửa hàng bánh pizza, nơi cho anh chỗ tá túc. Nhưng nơi đó đã đẩy anh vào tình cảnh éo le. Một ngày, HLV của Beiranvand đến mua pizza. Beiranvand đã cố tránh mặt khỏi HLV biết chuyện mình làm tại đây nhưng chủ cửa hàng buộc anh phải phục vụ. Beiranvand rời cửa hàng vài ngày sau đó. Tìm một công việc để có chỗ ngủ lại không hề giản đơn. Cuối cùng, Beiranvand đã chấp nhận làm công việc dọn dẹp đường phố. Nhiều khi Beiranvand phải một mình quét dọn cả công viên. Rất khó để anh đảm bảo thể lực cho các trận đấu. Bị Naft sa thải do tập luyện với một đội khác và bị thương, Beiranvand tới Homa nhưng HLV từ chối ký hợp đồng. Beiranvand cảm thấy giấc mơ của mình đã tới hồi kết. Nhưng Naft chưa bỏ rơi Beiranvand. HLV đội U23 của Naft gọi điện cho Beiranvand, nói rằng nếu anh chưa ký hợp đồng với CLB khác thì có thể quay lại. "Có lẽ số phận đã sắp đặt tất cả, khi để HLV Homa không ký hợp đồng với tôi".

Và Beiranvand bắt đầu toả sáng. Anh được chọn vào đội U21 của Iran và sau đó trở thành thủ môn đội 1 của Naft. Chặng đường sau đó như tất cả đã biết, Beiranvand toả sáng ở World Cup 2014 ngay trận đầu tiên gặp Nigeria. Anh giữ sạch lưới 12 trận ở vòng loại để đưa Iran đến với World Cup 2018. Tại đây, Beiranvand một lần nữa khiến cả thế giới phải chú ý với pha cản phá penalty của Ronaldo.

Giấc mơ của Beiranvand giờ đây không chỉ là trở thành một thủ môn. Với màn trình diễn ấn tượng trên đất Nga, giấc mơ của chàng thủ thành 22 tuổi vươn xa hơn: được chơi bóng ở châu Âu.

Suy cho cùng, với những người du mục, hành trình không bao giờ kết thúc.

Theo Theo Thể thao Văn Hóa
MỚI - NÓNG