Sau hơn một ngày với phát biểu gây “sốc” của ông Chu Xuân Phàm, cán bộ văn phòng FHS tại Hà Nội với các cơ quan báo chí (với nội dung: “Hai cái này mình phải lựa chọn một, tôi muốn bắt cá, bắt tôm hay tôi muốn xây dựng một ngành thép hiện đại? Hồi xưa, khi giải phóng mặt bằng đã tính phương án hỗ trợ ngư dân đánh bắt cá chuyển sang nghề khác rồi, sao cứ phải đánh bắt quanh vùng biển này. Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, cứ chọn đi. Nếu chọn cả hai thì làm Thủ tướng cũng không giải quyết được…”), chiều 26/4, FHS đã tổ chức cuộc họp báo để xin lỗi người dân Việt Nam về phát ngôn của ông Phàm và nói rõ quy trình xả thải trước nghi vấn FHS xả chất độc ra biển gây nên cá chết hàng loạt trong thời gian vừa qua tại một số tỉnh Bắc Trung bộ.
Đúng 15h30, đại diện của FHS, gồm: ông Trương Phục Ninh, Phó tổng GĐ điều hành FHS, ông Chu Xuân Phàm và đại diện một số bộ phận của đơn vị này có mặt tại phòng họp báo trước gần 100 pv đại diện cho các cơ quan báo chí.
“Cuộc họp báo hôm nay để nói về việc phát ngôn của ông Chu Xuân Phàm và quy trình xả thải của FHS. Việc ông Chu Xuân Phàm đã phát biểu trên các cơ quan đài báo về quan điểm của FHS hoàn toàn không chính xác. Những phát ngôn này đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới mối quan hệ tốt đẹp giữa Cty FHS và chính quyền Hà Tĩnh và Chính phủ Việt Nam. Làm tổn hại về tình cảm giữa hai bên, Cty FHS xin được xin lỗi chính quyền Hà Tĩnh và chính phủ Việt Nam. Cá nhân ông Chu Xuân Phàm sẽ bị FHS xử lý kỷ luật nghiêm khắc”, ông Trương Phục Ninh nói và yêu cầu toàn thể cán bộ, nhân viên FHS cúi đầu xin lỗi trước ống kính báo chí.
Tại bản giải trình do FHS công bố trong buổi họp báo nêu, ông Chu Xuân Phàm chỉ là một cán bộ”hỗ trợ công việc phiên dịch”, không phải là người phát ngôn của công ty.
Văn bản của FHS cũng nhấn mạnh: “Những phát ngôn đó (của ông Chu Xuân Phàm-PV) không đại diện cho lập trường của Cty Formosa. Sau sự việc trên, vì câu phát biểu của mình đã gây ra bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh công ty, ông Chu Xuân Phàm đã nghiêm khắc tự kiểm điểm bản thân, và xin được gửi lời xin lỗi chân thành nhất đến toàn thể người dân Việt Nam”.
Cuối buổi họp báo, ông Chu Xuân Phàm đứng dậy và nói: “Tôi là Chu Xuân Phàm, tôi thành thật xin lỗi đối với cái câu nói của tôi chưa được công ty ủy quyền, gây bức xúc người dân, tôi xin lỗi, xin lỗi”. Vừa nói, ông Phàm cúi rạp người xuống trước đông đảo các cơ quan báo chí.
Ông Chu Xuân Phàm tại buổi họp báo.
Rửa đường ống không dùng hóa chất?
Tại hai buổi làm việc trước đây của PV Tiền Phong với đại diện Bộ phận An toàn Vệ sinh Môi trường của FHS, người này cho biết việc nhập 296 tấn hóa chất từ đầu năm 2016 đến nay để sử dụng cho nhiều công đoạn trong nhà máy, trong đó có sử dụng để rửa đường ống.
Tuy nhiên, tại cuộc họp báo chiều qua, ông Khâu Nhân Kiệt (người phát ngôn về các vấn đề môi trường FHS) lại trả lời rằng FHS không dùng hóa chất để tẩy rửa đường ống mà chỉ để phục vụ hệ thống làm mát. Như vậy có sự mâu thuẫn trong các phát ngôn về sử dụng hóa chất của người đứng đầu Bộ phận An toàn Vệ sinh Môi trường tại FHS.
Trước sự chất vấn của nhiều PV, ông Khâu Nhân Kiệt chỉ nói qua quy trình xả thải của FHS như trước đó đã trả lời Tiền Phong và các cơ quan báo chí là FHS thực hiện đúng quy trình, nước thải trước khi xả ra biển đã qua xử lý. “FHS là một tập đoàn lớn và hoạt động tại nhiều quốc gia.
FHS luôn khẳng định mình không liên quan tới việc cá chết. Vậy tại sao FHS không nhờ các chuyên gia quốc tế phân tích mẫu nước, cá, đất để chứng minh mình không liên quan đến việc xả nước thải ra biển và trả lời phía Việt Nam”, PV Tiền Phong đặt câu hỏi trên nhưng không được lãnh đạo FHS trả lời cụ thể mà lại tiếp tục điệp khúc mô tả quy trình xả thải. Đúng 16h, cuộc họp báo kết thúc gây hụt hẫng cho nhiều PV.
Bộ NN&PTNT lập tổ công tác đặc biệt
Chiều 26/4, trước nguyên nhân cá chết ở các tỉnh Bắc Trung bộ vẫn chưa được làm rõ, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, Bộ đã lập tổ công tác đặc biệt, mời các nhà khoa học đầu ngành, cùng cán bộ của Tổng cục Thủy sản tham gia, sớm xác định nguyên nhân cá chết.
Về việc chậm tìm ra nguyên nhân, ông Phát nói: “Đúng là tình huống xảy ra rất đặc biệt, và cá chết trên diện rộng, liên quan đến nhiều yếu tố, nên việc đánh giá cũng cần thời gian mới chính xác và khoa học”. Theo ông, việc phân tích mẫu sẽ theo cách loại trừ, tập trung vào các vấn đề, yếu tố có khả năng nhiều nhất làm cá chết hàng loạt để có câu trả lời rõ ràng.
“Bộ đang cố gắng thực hiện việc phân tích các mẫu ở phòng phân tích trong nước. Và theo kiến nghị của các nhà khoa học, chúng tôi sẽ thực hiện những việc cần thiết nhất để sớm có câu trả lời cho người dân”- ông Phát nói.
Phạm Anh