Fidel và Cuba là một

TPO - Nhiều người coi lãnh tụ Fidel Castro là nhà vô địch của chủ nghĩa xã hội, là chính khách-quân nhân đã đem Cuba trở lại cho người dân.
Fidel Castro, lãnh tụ vĩ đại của dân Cuba. Ảnh: Getty Images

Fidel Alejandro Castro Ruz sinh ngày 13/8/1926, là con trai của một nông dân giàu có tên là Angel María Bautista Castro y Argiz. Bố ông di cư từ Tây Ban Nha tới Cuba.

Mẹ ông, bà Lina Ruz González, là người giúp việc trong trang trại, nhân tình của bố ông. Sau khi Fidel Castro chào đời, bà trở thành vợ của bố ông.

Fidel theo học các trường công giáo ở Santiago trước khi học trường El Colegio de Belen ở Havana. Học lực của ông không được đánh giá cao vì ông thích dành nhiều thời gian cho các hoạt động thể thao.

Đang học luật tại Đại học Havana giữa thập niên 40, ông trở thành nhà hoạt động chính trị, thường xuyên diễn thuyết hùng hồn trước công chúng.

Chủ nghĩa Marx

Các mục tiêu đấu tranh của Fidel bao gồm chính phủ Cuba thời kỳ đó. Chủ tịch Cuba lúc đó là Ramon Grau – người bị cáo buộc tham nhũng. Fidel trở thành mục tiêu của cảnh sát.

Năm 1948, Fidel cưới bà Mirta Diaz-Balart – con gái của một chính khách Cuba giàu có. Nhưng thay vì gia nhập tầng lớp thượng lưu của Cuba, ông nhiệt thành đi theo chủ nghĩa Marx.

Fidel tin rằng, vấn đề kinh tế của Cuba là kết quả của chủ nghĩa tư bản tham lam và vấn đề này chỉ có thể giải quyết được bằng một cuộc cách mạng của nhân dân.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Fidel thành lập một đơn vị tư vấn pháp lý nhưng không thành công, liên tục lâm cảnh nợ nần. Ông vẫn là một nhà hoạt động chính trị, tham gia nhiều cuộc biểu tình.

Năm 1952, Fulgencio Batista tổ chức đảo chính quân sự lật đổ chính phủ của Chủ tịch Cuba Carlos Prío.

Tấn công

Batista thực thi chính sách thắt chặt quan hệ với Mỹ và đàn áp các tổ chức xã hội chủ nghĩa. Điều này đi ngược lại niềm tin chính trị cơ bản của Fidel. Ông thành lập một tổ chức hoạt động ngầm nhằm lật đổ chế độ Batista.

Dưới thời Batista, Cuba trở thành thiên đường của giới nhà giàu ăn chơi hưởng lạc và các băng nhóm tội phạm có tổ chức thao túng. Mại dâm, cờ bạc, buôn lậu ma túy tràn lan.

Tháng 7/1953, Fidel lên kế hoạch tấn công trại lính Moncada gần Santiago nhằm  thu giữ vũ khí để sử dụng cho khởi nghĩa vũ trang sau này. Vụ tấn công thất bại, nhiều nhà cách mạng bị sát hại hoặc bị bắt. Fidel trở thành tù nhân, hầu tòa tháng 9/1953.

Fidel tận dụng cơ hội trước tòa để vạch rõ sự thối nát, dã man của quân đội khiến danh tiếng của ông dâng cao, đặc biệt trong giới báo chí nước ngoài được phép dự phiên tòa.

Chiến tranh du kích

Fidel bị kết án 15 năm tù giam. Nhưng ông chỉ phải ngồi tù 19 tháng vì được trả tự do trong đợt đặc xá hồi tháng 5/1955.

Trong thời gian ngồi tù, ông ly hôn và đi sâu nghiên cứu chủ nghĩa Marx.

Vì chính quyền Batista tiếp tục đàn áp những người chống đối, Fidel sang Mexico để tránh bị bắt. Tại đó, ông gặp một nhà cách mạng trẻ tuổi tên là Ernesto Che Guevara.

Tháng 11/1956, Fidel trở lại Cuba cùng 81 bạn đồng hành vũ trang trên một con tàu bị rỉ nước được thiết kế chỉ để chở 12 người. Họ ẩn náu ở dãy núi Sierra Maestra. Từ căn cứ này, Fidel phát động chiến tranh du kích kéo dài 2 năm chống chế độ Batista.

Ngày 2/1/1959, lực lượng của Fidel tiến vào thủ đô Havana; Batista bỏ trốn.

Tư tưởng

Chính phủ Cuba mới cam kết trả lợi đất cho người dân và bảo vệ quyền lợi của dân nghèo. Fidel nói rằng, hệ tư tưởng của ông là của người Cuba, dành cho người Cuba. Ông đề cao dân chủ đại diện và công bằng xã hội trong một nền kinh tế tập trung.

Năm 1960, Fidel Castro quốc hữu hóa tất cả doanh nghiệp Mỹ ở Cuba. Để trả đũa, Mỹ áp đặt lệnh cấm vận thương mại kéo dài tới tận thế kỷ 21.

Xâm lược

Fidel nói rằng, Liên Xô và nhà lãnh đạo Nikita Khrushchev vẫy gọi ông. Sau đó, Cuba trở thành một chiến địa của Chiến tranh Lạnh.

Tháng 4/1961, Mỹ âm mưu lật đổ chính quyền của Fidel bằng cách tuyển mộ đội quân tư nhân gồm những người Cuba lưu vong để xâm chiếm Cuba.

Tại vịnh Con Lợn, quân đội Cuba đẩy lui những kẻ xâm lược, tiêu diệt và bắt sống 1.000 tên.

Một năm sau, các máy bay do thám của Mỹ phát hiện tên lửa Liên Xô trên đường tới Cuba. Mỹ lo ngại chiến tranh hạt nhân sẽ xảy ra.

“Một loạt địa điểm tên lửa tấn công đang được chuẩn bị trên hòn đảo đó (Cuba). Mục đích của các căn cứ này không gì khác là đem lại khả năng tấn công hạt nhân chống lại tây bán cầu”, Tổng thống Mỹ lúc đó là John F Kennedy nhận định.

Ám sát

Các siêu cường nhìn nhau trừng trừng, nhưng cuối cùng, lãnh đạo Liên Xô Khrushchev chớp mắt trước. Ông ra lệnh rút tên lửa khỏi Cuba để đổi lấy việc Mỹ bí mật rút vũ khí khỏi Thổ Nhĩ Kỳ.

Dù vậy, Fidel vẫn trở thành kẻ thù số 1 của Mỹ. Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) nhiều lần lên kế hoạch ám sát ông, trong đó có chiến dịch Mongoose tai tiếng. Một trong vô số kế hoạch ám sát là nhồi thuốc nổ vào cigar của Fidel. Một số kế hoạch khác còn “quái” hơn, như khiến ông bị rụng râu, trở thành nhân vật bị chọc cười.

Liên Xô đổ tiền vào Cuba, mua mía đường và chở các mặt hàng thiết yếu tới hòn đảo này để Cuba chống lại lệnh cấm vận của Mỹ.

Dù phải dựa vào sự giúp đỡ của Liên Xô, Fidel đã giúp Cuba trở thành lãnh đạo của Phong trào Không liên kết vừa nổi lên.

Thiếu thốn

Fidel ủng hộ nhiều nước đấu tranh cách mạng, đặc biệt ở châu Phi. Ông gửi quân hỗ trợ các tay súng du kích ở Angola và Mozambique.

Tuy nhiên, vào giữa thập niên 1980, địa chính trị toàn cầu thay đổi. Hồi đó là thời kỳ của Mikhail Gorbachev – công khai hóa và cải tổ. Mátxcơva ngừng giúp đỡ kinh tế Cuba, ngừng nhập đường từ hòn đảo này.

Vẫn bị Mỹ cấm vận lại thêm Liên Xô ngừng viện trợ, giúp đỡ, Cuba lâm hoàn cảnh khó khăn. Các giá hàng trống rỗng, trong khi dòng người xếp hàng mua lương thực ngày càng dài. Tuy nhiên, vào giữa những năm 90, đời sống kinh tế Cuba khá lên.

Chủ nghĩa cộng sản Caribe

Cuba đạt được một số thành tựu ấn tượng. Tất cả người dân Cuba được chăm sóc y tế rất tốt và hoàn toàn miễn phí. Tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh ở Cuba thuộc hàng thấp nhất thế giới.

Những năm sau này, Fidel dường như cởi mở hơn với thế giới bên ngoài. Năm 1998, Giáo hoàng John Paul II tới thăm Cuba – điều mà chỉ 5 năm trước đó, người ta chưa bao giờ nghĩ đến.

Fidel đã tạo ra chủ nghĩa cộng sản Caribe mang dấu ấn riêng của ông. Ông cho áp dụng một số cải cách thị trường tự do.

Ngày 31/7/2006, hai tuần trước sinh nhật lần thứ 80 của ông, Fidel tạm thời giao quyền cho em trai Raul Castro sau khi trải qua cuộc phẫu thuật ruột khẩn cấp.

Sức khỏe Fidel tiếp tục kém đi. Đầu năm 2008, ông tuyên bố sẽ không nhận vị trí Chủ tịch và Tổng tư lệnh trong kỳ họp Quốc hội tới.

Fidel ít xuất hiện trước công chúng. Ông dành thời gian viết bài đăng báo.

Fidel tái xuất hiện trước công chúng hồi tháng 7/2010, chào mừng các công nhân và trả lời phỏng vấn trên truyền hình (thảo luận mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ với Iran và Triều Tiên).

Tháng 8/2010, Fidel có bài phát biểu đầu tiên trước Quốc hội sau 4 năm lặng tiếng. Ông thúc giục Mỹ không được có hành động quân sự chống Iran hoặc Triều Tiên và cảnh báo về nguy cơ thảm sát hạt nhân nếu căng thẳng gia tăng.

Tháng 12/2014, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố bắt đầu chấm dứt lệnh cấm vận thương mại và các biện pháp trừng phạt khác nhằm vào Cuba. Fidel nói rằng, đó là “một bước đi tích cực để thiết lập hòa bình trong khu vực”. Tuy nhiên, ông vẫn bày tỏ nghi ngờ chính phủ Mỹ.

Nhiều người Cuba tôn kính Fidel, coi ông là chàng David dám đứng lên chống lại khổng lồ Goliath Mỹ. Đối với họ, Fidel là Cuba và Cuba là Fidel.