Festival TN, SV thế giới 16: Những thông điệp của tuổi trẻ

Festival TN, SV thế giới 16: Những thông điệp của tuổi trẻ
Khoảng 120.000 đại biểu từ 133 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đến thủ đô Caracas, Venezuela để tham dự Festival Thanh niên và SV thế giới lần thứ 16 được tổ chức từ 7/8 - 15/8.
Festival TN, SV thế giới 16: Những thông điệp của tuổi trẻ ảnh 1
Phạm Thị Nhật và Raymôngđiêng tại Festival lần thứ 4. Ảnh: TL

Chủ đề của Festival năm nay là “Vì Hòa bình và Tình đoàn kết chúng ta chống lại chiến tranh và chủ nghĩa đế quốc”.        

Mùa hè năm 1945, tại London đã diễn ra Hội nghị Thanh niên thế giới bàn về lý tưởng vì hòa bình của thanh niên trước những hậu quả nặng nề của chiến tranh thế giới thứ II.

Chính trong Hội nghị này, Liên đoàn Thanh niên dân chủ thế giới đã được thành lập và ý tưởng tổ chức định kỳ Festival Thanh niên và Sinh viên thế giới ra đời.

Trải qua 50 năm đã có 15 kỳ Festival Thanh niên, Sinh viên thế giới tổ chức tại nhiều quốc gia khác nhau: CHXHCN Tiệp Khắc (1947), Hungary (1949), CHDC Đức (1951), Rumani (1953), Ba Lan (1955), Liên Xô cũ (1957), Áo (1959), Phần Lan (1962), Bungari (1968), CHDC Đức (1973), Cu Ba (1978), Liên Xô cũ (1975), CHDCND Triều Tiên (1989), Cu Ba (1997), Angeri (2001). Đoàn đại biểu thanh niên VN đã tham gia Festival ngay từ lần tổ chức thứ 2.

Mỗi Festival có chương trình hoạt động riêng phù hợp bối cảnh tình hình thế giới. Thời gian đầu, các Festival tập trung vào các hoạt động văn hóa, thể thao và giải trí. Các Festival sau dần mở rộng sang cả các vấn đề chính trị với sự tham gia ngày càng đông đảo của các tầng lớp, không có sự phân biện chủng tộc, tôn giáo, phong tục tập quán.

Tiêu chí của các Festival cũng được xác định rõ: Những tiến bộ xã hội, bảo vệ các ý tưởng hòa bình, hữu nghị và đoàn kết.

Chủ đề của Festival năm nay, được tổ chức từ 7/8 - 15/8 tại thủ đô Caracas (Venezuela), là “Vì Hòa bình và Tình đoàn kết chúng ta chống lại chiến tranh và chủ nghĩa đế quốc”.

Tham dự Festival năm nay có khoảng 120.000 đại biểu từ 133 quốc gia và vùng lãnh thổ, thảo luận 4 nhóm chủ đề: Hòa bình và chiến tranh; Giáo dục, khoa học và công nghệ; Phát triển kinh tế và giải quyết việc làm; Dân chủ và quyền tự quyết của các dân tộc.

Theo thông báo của Ban Tổ chức, một số quốc gia cử các đoàn đại biểu lớn như: Cuba với 2.500 người; Brazil 2.000 người; Colombia 1.000 người; các quốc gia châu Âu khoảng 5.000 người; và Mỹ cử đoàn gần 1.000 người.

Đoàn Việt Nam, do Bí thư thứ nhất TW Đoàn Đào Ngọc Dung dẫn đầu, có tổng cộng 166 đại biểu sẽ tham dự đầy đủ các chương trình của Festival.

Kỷ niệm khó quên của một người con gái

Festival TN, SV thế giới 16: Những thông điệp của tuổi trẻ ảnh 2
Các đại biểu thanh niên VN trước giờ lên đường. Ảnh: Hồng Vĩnh

Đã bao nhiêu Festival đi qua nhưng bà Phạm Thị Nhật vẫn nhớ như in Festival lần ấy. Trong căn hộ nhỏ ở khu tập thể Khương Thượng (Hà Nội), bà kể cho tôi nghe những kỷ niệm về Festival thanh niên và sinh viên thế giới lần thứ 4 (năm 1953, tại Bucaret, Rumani), khi đó bà là một đại biểu.

Gặp chị Raymôngđiêng

Kỷ niệm bà Nhật trân trọng nhất trong Festival thanh niên và sinh viên thế giới lần thứ 4 chính là sự kiện được gặp chị Raymôngđiêng, người phụ nữ dũng cảm đã nằm ra đường ray để chống lại việc đưa thanh niên Pháp sang tham chiến ở Việt Nam.

Mới nhìn thấy nhau, hai người đã như quen thân từ lâu lắm. Khi phiên dịch giới thiệu về cô Nhật, người Việt Nam “đã tham gia 120 trận đánh, 3 năm nằm hầm”, chị Raymôngđiêng rất xúc động.

Họ ôm lấy nhau, không nói một lời, nước mắt cứ trào dâng. Báo chí ở Ru ma ni khi đó bình luận: “Hai người ở hai châu lục khác nhau, màu da khác nhau, ngôn ngữ khác nhau, lại có đồng cảm đến mức ôm nhau khóc”.

Nhảy valse khó hơn đi đánh giặc

Ngày 8/8 khai mạc Festival, đoàn Việt Nam  gồm 40 người đến thủ đô Bu-ca-ret từ ngày 6/8. Năm ấy bà Nhật 22 tuổi, là con gái làng Chuông, nổi tiếng với nghề làm nón ở Hà Tây. Tuy không thuộc hàng “sắc nước hương trời” nhưng trông cô Nhật cũng duyên dáng, ưa nhìn.

Việc đầu tiên mọi người đề nghị cô Nhật phải học là nhảy valse. Chị Bạch Trà (NSND Bạch Trà), chị Song Minh (nghệ sỹ ngâm thơ), đã trực tiếp dạy Nhật khiêu vũ. Vốn là một người phụ nữ xông pha trong chiến đấu nhưng học nhảy quả là một thách thức với cô. Nhưng cuối cùng cô Nhật làng Chuông đã biết đưa chân theo tiếng nhạc.

Học khiêu vũ cùng phụ nữ nên trong những đêm dạ hội tại Festival được các chàng trai Việt Nam và nước ngoài mời nhảy, cô Nhật không dám nhận lời, mặt đỏ bừng, lắc đầu e thẹn rồi tránh đi nơi khác. Nhớ lại kỷ niệm đó, bà Nhật cười móm mém, so sánh: “Nhảy valse còn khó hơn đi đánh giặc”.

Nụ hôn liều và cơn giận dai dẳng

Trong lễ khai mạc, khi giới thiệu đến đoàn Việt Nam, đoàn Pháp (khoảng 2 nghìn người) đang yên vị trên khán đài, đã ùa xuống sân công kênh các chàng trai, cô gái Việt Nam.

“Họ nhấc tôi lên vai, ôm hôn thắm thiết, hành động ấy tôi chưa từng gặp trong đời nên vừa xấu hổ, lại vừa hoảng sợ. Trong phút chốc bỗng quên mất lời căn dặn trong những buổi huấn luyện trước khi lên đường: người ta bắt tay mình, mình chìa tay ra thân ái, người ta hôn mình, mình phải đáp lại. Chính vì thế, về sau tôi bị nhắc nhở: tại sao được hôn mà không nhiệt tình… hôn lại?”, bà Nhật hóm hỉnh kể.

Nhưng rắc rối về nụ hôn vẫn chưa hết. Trong đoàn Việt Nam, có một chàng trai rất cảm mến và ngưỡng mộ người con gái làng Chuông dũng cảm. Khi sắp chia tay Festival, vào một giây phút tình cờ, anh ấy đã vội vã đặt lên môi cô Nhật một nụ hôn. Để được nếm chút dư vị ngọt ngào, chàng trai liều lĩnh đã phải chịu đựng cơn giận dai dẳng kéo dài suốt nhiều năm của “người đẹp”.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.