>Nhạc Trịnh trong vườn Ngự uyển
>Sông Hương hội ngộ áo dài
* “Hương xưa làng cổ” không lụi tàn
Phước Tích có nghề gốm nổi tiếng từ hơn 500 năm trước, nay vào mùa lễ hội với tour du lịch độc đáo, đặc sắc. Ngoài các chương trình du lịch cộng đồng và tham quan quanh năm, lễ hội Hương xưa làng cổ có thêm nhiều trò chơi dân gian. Làng hiện còn 24 ngôi nhà cổ giá trị, trong đó có ngôi làng thứ hai tại Việt Nam có lịch sử hơn 500 năm được Bộ VHTT-DL xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia.
Nhằm giới thiệu, quảng bá nét hương xưa ở ngôi làng độc đáo này, tỉnh TT-Huế phối hợp ĐH Nghệ thuật Huế thực hiện đề tài khoa học “Nghiên cứu, phát triển một số mẫu mã sản phẩm gốm truyền thống đặc trưng của làng gốm Phước Tích”. Đề tài đã giúp cho những người thợ gốm Phước Tích sáng tác, thiết kế và thử nghiệm các mẫu mã sản phẩm mới, đồng thời chuyển đổi công năng từ dòng sản phẩm dân dụng sang dòng gốm trang trí ứng dụng có giá trị thẩm mỹ, kinh tế cao. Tổ chức JICA phối hợp Đại học Nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản) hỗ trợ và đào tạo nghề cho 20 dân làng duy trì nghề gốm, sản xuất sản phẩm với mẫu mã mới dựa trên kỹ thuật truyền thống để giới thiệu tại Festival Huế 2012.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thế, Phó phòng VHTT huyện Phong Điền, dù được phục hồi, gốm Phước Tích vẫn rất khó nổi lửa. “Chỉ có những kỳ Festival hoặc triển lãm và công diễn, gốm Phước Tích mới được biết đến đông đảo. Sau lễ hội mọi thứ trở lại như cũ”.
Dạo quanh làng cổ Phước Tích chỉ gặp toàn người già và trẻ em. Anh Lương Thanh Hiền, tổ trưởng tổ gốm Phước Tích cho biết, năm anh em trong nhóm phục hồi làng gốm cổ là những thanh niên hiếm hoi của làng. Gọi là thanh niên nhưng anh Hiền cũng đã 40 tuổi. “Từ khi đồ nhựa gia dụng phát triển thì nghề gốm không còn đất sống. Cả mấy chục năm nay lò gốm lụi tàn. Người già còn biết được những kỹ thuật nặn gốm là rất ít. Lớp trẻ vừa lớn lên đã vào Nam làm ăn vì ở quê không có việc làm. Lứa trung niên hầu như không nắm được kỹ thuật làm gốm”.
Khi tỉnh nhà kêu gọi phục hồi làng cổ, anh Hiền bỏ hết công việc làm kim hoàn ở trong Nam, trở về quê. Anh cùng bốn anh em lặn lội ra Bát Tràng học nghề. Anh cho biết gốm Phước Tích vẫn sẽ sử dụng nguyên liệu đất sét, áp dụng công nghệ hiện đại để thổi hồn vào những sản phẩm mang bản sắc văn hóa lâu đời của quê hương. Anh Nguyễn Hoàng Sơn, 44 tuổi, lớn nhất tổ gốm cho biết, cả mấy anh em đều trên dưới 40, chưa ai lập gia đình. Đợt Festival này, Phước Tích triển lãm hơn 500 sản phẩm nhưng theo anh Sơn “đây là lần nổi lửa đầu tiên trong năm 2012”.
Gốm Phước Tích cùng tour du lịch Hương xưa làng cổ được đầu tư phát triển từ Festival 2006, đến giờ vẫn trong tình cảnh “cháy lửa rơm” (cháy xong rồi tắt) là thế.
* Ngày hội của trống và các nhạc cụ gõ
Lễ hội trống và các nhạc cụ gõ khai mạc 11-4, kéo đến hết 14-4 tại Nghinh Lương Đình.
Sau 5-7 chương trình lớn gồm Lễ khai mạc, Lễ hội Nam Giao,Lễ hội áo dài, Đêm Hoàng cung, Âm vang hào khí Việt, bước đầu có những tín hiệu vui. Nhiều chương trình nghệ thuật chất lượng, an ninh trật tự tốt. Tính đến 9-4, tại các cơ sở lưu trú do ngành du lịch quản lý có 64.370 lượt khách, trong đó hơn 3 vạn khách quốc tế; công suất phòng đạt 80%- riêng 7-4 đạt 91%. Hai lễ hội còn lại được chờ đợi là Thiên hạ thái bình và Lễ bế mạc. |
Lễ hội giới thiệu đặc trưng của nghệ thuật gõ địa phương như trống múa lân miền Nam, trống chèo, ca trù Bắc Bộ, trống tuồng miền Trung, trống nhã nhạc Huế, cồng chiêng tây Nguyên, trống nhạc lễ Nam Bộ, trống ngũ âm của người Khmer. Giao lưu với các đoàn trống Nhật, Hàn Quốc, châu Phi. GS Trần Văn Khê- cố vấn lễ hội này, cho rằng, so với trống thế giới, trống Việt Nam đa dạng về hình thức, độc đáo hơn về màu âm và điêu luyện hơn về kỹ thuật biểu diễn. Với nhiều kiểu trống cho từng loại hình nghệ thuật, trống Việt phong phú đa dạng như chính nền văn hóa dân tộc.
Không gian Nghinh Lương Đình chia làm 5 cụm sân khấu, khán giả có thể tiếp cận từng nơi, thưởng thức kỹ thuật gõ điêu luyện của nghệ sỹ và giao lưu với họ. Nếu hưng phấn, khán giả trổ tài đánh trống, tập làm tay trống cùng nghệ nhân. “Mục tiêu của chúng tôi là quy tụ âm sắc khác nhau của nghệ thuật trống và các bộ gõ trong cả nước, làm sống dậy hào khí dân tộc trong lịch sử dựng nước và giữ nước, qua đó giới thiệu cho du khách biết một loại hình độc đáo của dân tộc Việt Nam. Sau lễ hội, sẽ trao tặng 100 chiếc trống cho các trường học tại Bến Tre và Huế”- đạo diễn chương trình - Lê Quý Dương cho biết.
* Văn nghệ ở vùng cao A Lưới
Đoàn Ca múa nhạc Dân tộc tỉnh Đắk Lắk có chuyến biểu diễn tại huyện miền núi A Lưới tối 9-4, chủ đề Đất thiêng cao nguyên. Mang đến cho đồng bào dân tộc những khúc dân ca truyền thống Tây Nguyên sôi động; điệu múa của các chàng trai cô gái Êđê, M’Nông ấm áp hồn cồng chiêng lễ hội mừng mùa; âm điệu trầm bổng của dàn hòa tấu nhạc cụ dân tộc, đàn đá, tiếng Đing-buốt; lời kể Khan, tiếng Tăc-tar đậm chất nắng gió cao nguyên. Ngoài A Lưới, dịp này các huyện, thị xã Nam Đông, Phú Vang, Phú Lộc, Hương Thủy, Hương Trà, Quảng Điền, Phong Điền cũng đón nhiều đoàn nghệ thuật trong, ngoài nước về phục vụ.
* Ca múa nhạc dân gian Nga được cổ vũ nồng nhiệt
Đoàn nghệ thuật Ca múa nhạc Hàn lâm Quốc gia Nga Piatnitsky biểu diễn chương trình đầu tiên ở sân khấu phía đông điện Thái Hoà.
Tiết mục của nghệ sĩ đoàn Piatnitsky Ảnh: Thanh Tùng. |
Lần đầu tiên tham dự Festival Huế, các tiết mục được khán giả, có cả khán giả nước ngoài cổ vũ nồng nhiệt. Đoàn Piatnitsky được thành lập năm 1911, được xem là đỉnh cao của nền âm nhạc dân gian Nga, đội ngũ diễn viên rất trẻ và xinh đẹp. Các chương trình mang hơi thở của cuộc sống hiện đại, phản ánh được xu hướng phát triển của nền nghệ thuật sân khấu Nga.