Fed không tăng lãi suất, cả thế giới thở phào

Chủ tịch Fed, bà Janet Yellen tại buổi họp báo tại Washington, ngay sau khi công bố quyết đinh giữ lãi suất cơ bản.
Chủ tịch Fed, bà Janet Yellen tại buổi họp báo tại Washington, ngay sau khi công bố quyết đinh giữ lãi suất cơ bản.
TPO - Trước sự chờ đợi hồi hộp của các thị trường tài chính toàn cầu và giới hoạch định chính sách, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) rạng sáng nay (18/9) quyết định không tăng lãi suất cơ bản.

Fed hôm qua bước vào ngày họp cuối để thảo luận khả năng tăng lãi suất cơ bản – động thái mà thị trường tài chính toàn cầu và các nhà hoạch định chính sách kinh tế hồi hộp chờ đợi suốt mấy tuần qua.

Tỷ lệ lãi suất cơ bản của Mỹ được Fed duy trì ở mức 0% suốt gần 7 năm qua, kể từ những ngày khủng hoảng kinh tế đen tối. Mức lãi suất này chưa hề thay đổi kể từ tháng 12/2008, chỉ vài tuần sau sự sụp đổ của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers. Nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc Fed phải quyết định liệu kinh tế Mỹ và toàn cầu có đủ mạnh để chịu đựng một sự tăng lãi suất.

Cách đây 2 tháng, khả năng Fed tăng lãi suất trong tháng 9 là điều gần như chắc chắn. Nhưng sau những hỗn loạn trên các thị trường tài chính toàn cầu và lo lắng về nền kinh tế Trung Quốc, nhiều nhà đầu tư tin rằng Fed sẽ đợi đến tháng 12 tới mới tăng.

Ngoài ra, việc quyết định tăng hay giữ nguyên mức lãi suất hiện nay không đơn giản và rất khó đoán trước vì số liệu kinh tế của Mỹ đang cho thấy những tín hiệu trái chiều, khi tỷ lệ thất nghiệp giảm nhưng lạm phát cũng thấp.

Fed được Quốc hội Mỹ giao nhiệm vụ hoạch định chính sách tiền tệ dựa trên chỉ số thất nghiệp và lạm phát. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ giảm 5,1% trong tháng 8, mức mà Fed coi là có thể đẩy mức tiền công và lạm phát lên, nhưng mức tiền công trung bình mỗi giờ chỉ tăng 2,2% trong năm qua. Trong khi kinh tế tăng trưởng 3,7% trong quý 2 năm nay, giá cả tiêu dùng trong tháng 8 giảm vì giá xăng tiếp tục giảm và đồng đô la Mỹ mạnh khiến chi phí nhập khẩu giảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm 0,1%, lần giảm đầu tiên kể từ tháng 1 năm nay, sau khi tăng 0,1% trong tháng 7. Trong 12 tháng tính đến tháng 8 vừa qua, CPI chỉ tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước.

Các ngân hàng và quỹ đầu tư toàn cầu ví việc tăng hay giảm lãi suất cơ bản chỉ như việc tung đồng xu, cho dù hầu hết các chuyên gia coi việc tăng nhẹ lãi suất nghĩa là không có thay đổi trong chính sách tiền tệ.

Theo kết quả thăm dò do hãng Reuters thực hiện đối với 80 nhà kinh tế học, 45 người nói rằng Fed sẽ giữ lãi suất cơ bản ở mức giữa 0-0,25%, trong khi 35 chuyên gia còn lại cho rằng sẽ tăng cao hơn thế.

“Cách tiếp cận quản lý rủi ro thận trọng sẽ khiến Fed giữ nguyên lãi suất, nhưng nếu họ thực sự phụ thuộc vào số liệu, khả năng họ tăng lãi suất là rất cao”, Reuters dẫn lời nhà kinh tế học Ryan Sweet của hãng phân tích và quản lý rủi ro Moody's Analytics.

Chính sách lãi suất bằng 0 được áp dụng để khuyến khích cho vay, và cũng giúp thúc đẩy các thị trường chứng khoán đi lên trong 7 năm qua.

Triển vọng Fed tăng lãi suất khiến đồng đô la Mỹ mạnh lên trong năm qua, nhưng lại làm yếu đi đồng tiền của các nền kinh tế đang nổi, vốn đã bị tác động tiêu cực từ sự sụt giảm lượng cầu hàng hóa từ Trung Quốc.

Những người ủng hộ tăng lãi suất cho rằng kinh tế Mỹ đã được vực dậy đủ mạnh để Fed chấm dứt chính sách tiền tệ thời kỳ khủng hoảng để trở về mức bình thường.

Châu Á lo nguy cơ chảy vốn

BBC dẫn lời GS John Taylor ở ĐH Stanford và là cựu quan chức cấp cao của Fed dưới thời Tổng thống George W Bush cho rằng Fed nên tăng lãi suất từ năm 2010.

Nhiều người khác cũng chỉ trích chính sách lãi suất 0% của Fed. Ông Bill Gross, nhà đầu tư trái phiếu hàng đầu tại quỹ đầu tư Janus Capital, cho rằng chính sách lãi suất 0% “phá hủy các mô hình kinh tế lịch sử cần thiết của chủ nghĩa tư bản như các quỹ lương hưu, công ty bảo hiểm cũng như không tạo động lực để người dân tiết kiệm tiền”.

Trong nhiều ngày qua, triển vọng Fed tăng hay không tăng lãi suất đã khiến các nhà đầu tư trên khắp châu Á lo lắng về tác động lên nền kinh tế của họ.

Chính phủ các thị trường đang nổi lo ngại về khả năng mất ổn định dòng tiền đầu tư. Tạp chí Financial Times dẫn lời ông Kaushik Basu, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Thế giới, cho rằng lãi suất tăng giờ đây có thể “gây hoảng loạn và bất ổn” tại các thị trường tài chính đang nổi. Các nhà kinh tế học của ngân hàng này viết trong báo cáo vừa công bố rằng có mối nguy hiểm xảy ra một trận bão hoàn hảo khiến luồng tiền đầu tư rất lớn chảy về Mỹ, từ đó ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và ổn định tài chính. Nhưng các chuyên gia này cho rằng hầu hết các quốc gia sẽ ứng phó được với việc Mỹ tăng lãi suất.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khác tỏ ra không mấy lo lắng về triển vọng tăng lãi suất. Ông Agustin Carstens, thống đốc Ngân hàng trung ương Mexico, tháng trước nói rằng đó sẽ là dấu hiệu kinh tế Mỹ đang hồi phục. “Đối với chúng tôi đó là tin rất tốt”, ông Carstens nói.

Trong một nỗ lực nhằm trấn an thị trường vốn đã hoảng sợ, giới chức Trung Quốc hôm qua lên tiếng phủ nhận khả năng luồng vốn đầu tư nước ngoài sẽ chảy ra ồ ạt nếu Mỹ tăng lãi suất.

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.