Fansipan một ngày đầu tháng 3, cái lạnh buốt của vùng Tây Bắc và thứ sương mù giăng kín khắp lối ngay từ thị trấn Sa Pa khiến người ta không tìm thấy một động lực nào phía trước để đi tiếp, khi người và cảnh trước mắt lúc nào cũng một màu “sương khói mờ nhân ảnh”.

Sun World Fansipan Legend đang có Lễ hội mở cổng trời Fansipan, xe lên nườm nượp. Con đường dẫn vào Khu du lịch vàng hoa cải, lác đác những cánh đào, cánh mận cuối cùng còn sót lại, thi thoảng rắc lên thảm vàng rực rỡ ấy một chút hồng, một chút trắng. Thấy mình yêu Sa Pa tự khi nào chẳng biết nữa, dù chỉ ít phút trước, lòng đã muốn quay đầu.

15 phút đi cáp treo băng qua những núi với rừng mà chỉ thấy mây mù giăng giăng phủ kín, thi thoảng lắm mới có được những quãng nắng len lỏi xuyên qua lớp mây, bừng lên một khoảng xanh vi vút bên dưới. Bật lên trên nền xanh miết mải ấy thi thoảng là một vùng hoa trắng, hoa đỏ. Một chốc lát thôi, mây lại mịt mờ, ô cửa kính đẫm nước, Fansipan giống như một điều bí ẩn mà càng khám phá, bạn càng thấy khó hiểu, thấy háo hức mong chờ hơn.

Ga đến. Lạnh. Đó là điều đầu tiên bạn cảm nhận về Fansipan khi mở cánh cửa kính của nhà ga, bước lên những bậc đá dẫn tới khu vực đỉnh cao 3143m. 600 bậc đá ấy, đi đủ, đã là một kỳ tích cho người khỏe. Nhưng giống như mỗi hành trình hành hương tới cõi Phật linh thiêng của người mộ đạo, mỗi chặng đường lên đỉnh Fansipan lại mở ra một khám phá mới, một kỳ quan trong kỳ quan đỉnh trời.

Leo một chút thôi là đã thấy “cổng trời” mở ra trước mắt. Tôi gọi Thanh Vân Đắc Lộ là cổng trời, bởi từ bậc đá dưới nhìn lên, cái cổng ấy sừng sững giữa mây trời vời vợi, ánh mặt trời chói lóa trên đỉnh, có cảm giác như chỉ cần lên tới đó thì đã chạm tới mây xanh.

“Giữ nhịp, thở đều, mệt là dừng nghỉ ạ”- Tuấn Anh, nhân viên Sun World Fansipan Legend liên tục nhắc đoàn người vừa mới leo mấy trăm bậc đã mong sao… “có thang máy lên đỉnh”. Tôi phục sát đất khi nghe cậu bảo ngày nào em chả leo lên leo xuống cả chục lần. Vẫn tươi rói, vẫn liên tục động viên du khách, dường như Fansipan và những điều kỳ diệu của núi rừng và cả những công trình tâm linh nơi đây đã tiếp sức để cậu và cả ngàn người làm việc ở khu du lịch này không khi nào tắt nụ cười trên môi

hững bậc đá vô tri cứ bền bỉ bám vào thế núi, theo những khúc quặt quanh co, dẫn bước chân du khách tới chân đại tượng Phật A Di Đà. Tôi từng đi khắp những ngôi chùa miền Bắc, đã lên đến đỉnh thiêng Yên Tử, để chiêm bái bức tượng Phật hoàng được đúc liền khối bằng 138 tấn đồng, cao 900m, để thấy khâm phục sức vóc của người Việt Nam bé nhỏ trên đỉnh cao chật hẹp, khí hậu khắc nghiệt ấy.

Vậy mà nơi đây, trên độ cao 3000m, người Việt đã lại tạo nên một kiệt tác tâm linh nữa, bề thế, uy nghi, trường tồn theo năm tháng. Dưới chân Đại Tượng Phật cao 21,5m, được tạo tác từ 50 tấn đồng, thấy nét từ bi độ lượng lan tỏa từ trời cao xuống nhân gian, thấy mình nhỏ bé, và mọi tham sân si trên đời đều tan biến.

Từ Đại tượng Phật đi theo đường La Hán là tới Quần thể Kim Sơn Bảo Thắng Tự. Kỳ lạ là lên đến đây rồi, bỗng nhiên thấy lòng thanh tịnh, thấy những bước chân nhẹ tựa mây bay. Bước trên con đường đá ấy, ngỡ như đang đi vào cõi Phật huyền ảo. 18 vị La Hán bằng đồng, cao 2,5m, với đủ sắc thái cảm xúc, ngự tọa bên đường, uy nghiêm trên bệ đá, ẩn hiện nét từ bi hỉ xả sau những thân đỗ quyên rừng bám đầy rêu phong vài trăm năm tuổi lòa xòa xuống lối đi. Tháng 3, đỗ quyên đang nụ, nhưng chỉ sang tháng 4 là bật lên sắc vàng, sắc trắng, đỏ... Nghĩ thế rồi lại hẹn lòng phải đến nơi này mùa đỗ quyên thôi.

Lại bước trên những bậc đá, như được tiếp sức bởi linh thiêng huyền hoặc, nhẹ bẫng, đầy khí thế, bởi biết phía trước sẽ là nhiều điều kỳ diệu hơn thế nữa. Chốc lát thôi, trước mắt đã là Kim Sơn Bảo Thắng tự rồi.

Trên trục chính của quần thể là một tòa bảo tháp cao 11 tầng, cao 20m, được làm bằng đá nguyên khối có kiến trúc kế thừa phong cách ngôi tháp chùa Phổ Minh ở Nam Định - nơi quàn xá lỵ Phật hoàng Trần Nhân Tông. Xa hơn nữa là Tượng Quan âm cao 9m, ngự trên một tảng đá vươn cao, mặt hướng về biển mây và cảnh núi non hùng vỹ, đài gác Đại Hồng Chung cao 35m với lầu chuông tám mái… đi hết quần thể tâm linh trên đỉnh Fansipan, cũng là vừa kịp lên đến đỉnh cao 3143m huyền thoại, nơi chỉ còn cách vài chục bậc đá nữa.

Chạm tay vào Nóc nhà Đông Dương, tan hòa tâm hồn trong mây núi trập trùng… không chốn bồng lai tiên cảnh hay cõi tâm linh nào trên đất Việt sở hữu vẻ đẹp huyền diệu như thế.

Quá trình thi công công trình kiến trúc tâm linh trên đỉnh Fansipan có thể gọi là một kỳ công”- Giáo sư – kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính đã nói như thế khi tôi hỏi chuyện ông về quần thể tâm linh kỳ vĩ mà ông chính là tác giả thiết kế. Ông nói: “Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam chưa bao giờ xây dựng các công trình tâm linh hùng vĩ như vậy ở các đỉnh cao như Fansipan, đặc biệt trong điều kiện núi non hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, nhiều mưa, độ ẩm cao, gió mạnh, băng giá”.

Chắc những người đã từng leo bộ lên Fansipan hiểu hơn ai hết những gì mà GS, KTS Hoàng Đạo Kính nói. Hoặc là chỉ cần leo đủ 600 bậc đá lên đỉnh trong điều kiện sương mù, mưa giăng thôi là đủ thấy, nếu chỉ dùng từ “kỳ công” để mô tả việc tạo nên quần thể tâm linh trên đỉnh cao đó, có lẽ là chưa đủ. GS Hoàng Đạo Kính nhắc lại với tôi: “Không, phải gọi là kỳ tích”.

Kỳ tích, bởi với du khách bình thường, chỉ việc đứng trên đỉnh cao đó trong ngày gió mạnh đã là cả một việc khó. Vậy mà hàng chục ngàn tấn đá nguyên khối, hàng ngàn mét khối gỗ, hàng vạn viên ngói phục chế, tất cả vật liệu để xây dựng các công trình, bảo tháp, tháp chuông và hàng ngàn bậc đá uốn theo từng thế núi đã được vận chuyển thủ công bằng cáp công vụ, bằng tay và sức người lên đỉnh, cả những khi sương núi và băng tuyết có thể khiến mũi đổ máu cam, và tay chân đông cứng, và khi nắng đủ sức thiêu cháy đen những làn da đã không còn sạm hơn được nữa.

Đi hết quần thể tâm linh, tôi ngạc nhiên bởi những lối đi giữa các công trình trong cụm không bề thế, không thênh thang như kiến trúc đình chùa Việt truyền thống. Những lối đi lát đá nguyên khối cứ bám vào thế núi, uốn lượn gấp khúc quanh co. Sân thềm trước các công trình cũng không mênh mang mà quy mô vừa phải.

Không có sự đắp vẽ cầu kỳ như những kiến trúc chùa thường thấy ngày nay, không sơn son thếp vàng dát bạc trên vì kèo, thân cột… những công trình tâm linh trên đỉnh Fansipan mang nét đẹp của sự đơn giản, mộc mạc của gỗ tứ thiết, của ngói cổ phục chế từ tiền mẫu là các di chỉ phát hiện ở thành Thăng Long. “Thiên nhiên nơi này không giống ở đâu cả thì kiến trúc của khu tâm linh này cũng không thể giống ở nơi nào khác”, GS, KTS Hoàng Đạo Kính nói thêm về kiến trúc như mọc ra từ đá núi của những công trình tâm linh trên đỉnh Fansipan.

Trong cụm công trình tâm linh ấy, Đại tượng Phật A Di Đà là một “thành tựu” đúng theo nghĩa đen, khi ứng dụng kỹ thuật thi công lần đầu tiên có tại Việt Nam. Đây không phải là pho tượng đúc thông thường mà được tạo thành bởi hàng ngàn vạn tấm đồng dày 5mm gia công tại chỗ, ốp trên một kết cấu khung sắt có thể tích gần 1000m3. “Chưa có công trình nào làm kỳ công như vậy”, giáo sư Hoàng Đạo Kính nói trong sự cảm phục những con người đã cùng ông biến những bản vẽ và tâm huyết của cả người thiết kế lẫn chủ đầu tư Sun Group thành hiện thực.