>Đã có thể sửa status đã đăng trên Facebook
Tờ South China Morning Post đưa tin chính phủ Trung Quốc quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận với các website có xuất xứ từ nước ngoài được coi là nhạy cảm về chính trị.
Đến thời điểm này, quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận mới chỉ có hiệu lực trong phạm vi khu Mậu dịch Tự do Thượng Hải.
Điều này có nghĩa là những người trong khu vực 45 kilomet vuông có thể truy cập Facebook, Twitter, New York Times và một số trang khác.
Khu mậu dịch tự do chính thức mở cửa từ Chủ nhật như một mô hình thử nghiệm cải cách tài chính và dịch vụ dưới sự kiểm soát chặt chẽ đồng nhân dân tệ. Chính phủ Trung Quốc nên xem xét sự thành công lâu dài của mô hình này và triển khai chính sách mở cửa các trang mạng xã hội tại các khu vực khác của Trung Quốc.
Hiện nay, Facebook và Twitter là một trong những trang web vẫn bị chặn bởi hệ thống tường lửa mang tên Great Firewall của Trung Quốc. Chính bức tường lửa kiên cố này khiến cho mọi cố gắng truy cập Facebook đều gặp lỗi “Network Timeout”.
Chính sách này của chính phủ Trung Quốc cho phép Facebook, Twitter đặt chân vào cộng đồng cư dân mạng đông đúc nhất và phát triển nhanh nhất thể giới. Cả hai công ty đều bày tỏ mong muốn khai thác thị trường truyền thông xã hội lớn nhất thế giới với 513 triệu người sử dụng Internet – gấp đôi Hoa Kỳ.
Tin tức gỡ bỏ lệnh cấm vận của Trung Quốc khiến ngay cả những người trong cuộc cũng ngỡ ngàng. Phát ngôn viên của Facebook cho biết công ty chỉ biết được tin này khi đọc bản tin của South China Morning Post.
Phát ngôn viên của tờ New York Times cho biết: “Chúng tôi cũng chỉ biết những điều mà bạn biết”. Twitter không bình luận gì trước sự kiện này.
Lệnh cấm vận được dỡ bỏ đánh dấu cột mốc quan trọng khi người Trung Quốc lần đầu tiên có thể truy cập vào Facebook, Twitter mà không bị gián đoạn. Facebook đã bị chặn sau khi nhóm người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ sử dụng các trang mạng xã hội để lan truyền các nội dung chống lại chính phủ vào năm 2009. Sau đó, vào năm 2011, Twitter cũng bị kiểm soát và cấm vận sau khi các tổ chức chống đối chính phủ sử dụng trang này để tổ chức các cuộc biểu tình trong sự kiện mang tên Mùa xuân Ả Rập.
Tuy nhiên, một số công dân Trung Quốc đã tìm được cách để vượt qua hàng rào kiểm duyệt. Theo dữ liệu của Global Web Index, từ năm 2009 đến 2012, số lượng người bí mật sử dụng Facbook ở Trung Quốc tăng từ 8 đến 63 triệu. Trong khi đó, số người sử dụng Twitter tăng từ 12 đến 35 triệu.
Những con số này vẫn chưa là gì so với cộng đồng người sử dụng các trang mạng xã hội được Chính phủ phê duyệt bao gồm: Renren, Sina Weibo và WeChat với con số lên tới hàng trăm triệu.
Global Web Index ước tính 15% dân số Trung Quốc sử dụng Facebook,trong khi 56% người dân sử dụng Tencent Weibo, Sina Weibo, hay Qzone.
Facebook cũng nhận thức được sự cạnh tranh và những thách thức của chính phủ tại thị trường Trung Quốc. Nếu thành công, Facebook sẽ thực sự trở thành mạng xã hội thống trị toàn cầu.
Phương Thảo
Theo CNN