Eximbank: Ngẫm hay muôn sự tại người(?!)

Eximbank bao giờ bình yên để lo làm ăn?
Eximbank bao giờ bình yên để lo làm ăn?
TP - Cuộc đấu quyền lực giành suất ghế thành viên Hội đồng Quản trị tại Ngân hàng thương mại xuất nhập khẩu (Eximbank) “căng” có một không hai trong lịch sử ngân hàng. Hết lần này đến lần khác, Eximbank tổ chức Đại hội đều không thể thành công. Vì sao vậy?

Trong làng ngân hàng cổ phần, Eximbank vốn dĩ là một nhà băng có tên tuổi, năng lực, thường được xếp cùng “chiếu trên” với ABC, Sacombank. Tuy nhiên, đây cũng là ngân hàng thay đổi cơ cấu cổ đông liên tục và chính điều này đã dẫn đến những mâu thuẫn, tranh chấp quyền lực tại Eximbank.

Còn nhớ, tại đại hội cổ đông bất thường tháng 12/2015, câu chuyện ai ngồi vào ghế thành viên HĐQT cũng đến hồi quyết liệt khi vào “phút thứ 89” NHNN mới phê duyệt xong tên các ứng viên dự kiến trong HĐQT. Bất ngờ hơn, khi hai thành viên vốn được đưa từ Nam A Bank cử sang đột ngột không có tên vào phút chót.

Sau phiên tổ chức đại hội đầu tháng 4 bị hoãn vì phút chót không đủ số phiếu bầu tham dự, ngày 24/5, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank - mã: EIB) đã chính thức tổ chức ĐHĐCĐ năm 2016 lần 2. Hôm đó, “sóng gió” xảy ra ngay từ phút đầu khi một số cổ đông náo loạn, chạy lên sân khấu phản đối vì cho rằng đại hội đã tiến hành không đúng quy chế, số liệu kiểm phiếu không minh bạch… Không khí diễn ra căng thẳng, cuối cùng 18 nội dung được dự kiến trong chương trình không nội dung nào được thông qua.

Sau 5 tiếng đồng hồ tranh cãi nảy lửa và lộn xộn chưa từng có trong lịch sử, ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 lần 2 vẫn bất thành!  Đặc biệt, đại hội cũng xảy ra tình huống bất khả kháng khiến phải tạm dừng vào phút chót để trả khán phòng cho khách sạn phục vụ việc đón tiếp Tổng thống Obama tại TP HCM ngày  hôm đó.

Loạn vì sao?

Trong quá trình phát triển Eximbank đã từng rơi vào khó khăn, tỷ lệ nợ xấu có thời điểm lên tới 72%. Năm 2000, Chính phủ, UBND TPHCM, các bộ ngành cùng xắn tay áo vực dậy Eximbank. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo Vietcombank rót vốn điều lệ, cử cán bộ điều sang Eximbank thực hiện đề án tái cơ cấu ngân hàng này. Gần 10 năm qua, Eximbank có những bước phục hồi đáng kể, phát triển dần lên với sinh lời khoảng 13.000 tỷ đồng; khẳng định thương hiệu, vị thế trên thị trường trong và ngoài nước. Nhưng sự bình yên kéo dài chưa lâu,  sóng ngầm bắt đầu trỗi dậy.

Đầu tiên phải kể đến sự thay đổi lớn khi một vài thành viên trong “gia đình” ACB buộc phải bán lại cổ phần theo yêu cầu của cơ quan chức năng khi vụ án bầu Kiên xảy ra, từ đó thêm những gương mặt mới xuất hiện trong nhóm cổ đông lớn của Eximbank. Kế đến, một vài cổ đông “đình đám” từng giữ các vị trí chủ  chốt của ngân hàng cũng bắt đầ kế hoạch thoái vốn, bán bớt cổ phần đang sở hữu, điều này khiến Eximbank lại thêm cơ hội quy nạp nhóm cổ đông lớn mới.

Cứ “vào, ra, ra vào” liên tục, chỉ 3 năm qua, tính đến giờ, ngoài 3 nhóm tổ chức lớn bao gồm: Hai cổ đông ngoại lớn là Sumitomo Mitsui Banking Corporation và Quỹ đầu tư VOF Investment Limited (thuộc Vinacapital) sở hữu cả thảy khoảng 25% vốn và Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) sở hữu 8.19% vốn; hiện còn khoảng 4- 5 nhóm cổ đông lớn khác là các cá nhân và doanh nghiệp đang sở hữu vốn và có tiếng nói quyết định với ngân hàng.

Nhìn vào về bức tranh sở hữu của Eximbank với các nhóm cổ đông lớn đang chiếm tới hơn 70% vốn, một chuyên gia nhận xét: rõ ràng, bức tranh cấu trúc sở hữu Eximbank đang “loạn xị ngầu” vì quyền lực các nhóm đều tương đương nhau và ai cũng muốn nắm phần quyết định. “Đây là lý do khiến các nhóm cổ đông muốn “chiến” đến cùng để đưa người của mình vào HĐQT”, vị này nói.

Bình luận về thông tin có 2 nhóm cổ đông lớn đã sử dụng nguồn tiền đi vay của ngân hàng để mua, khiến các cổ đông khác không tin tưởng? Vị chuyên gia  cho rằng: Hiện pháp luật không cấm nhà đầu tư vay tiền ngân hàng để mua cổ phần. “Ông biết người ta vay, họ lợi dụng vị trí thành viên HĐQT là đúng. Nhưng muốn lợi dụng đâu dễ khi HĐQT có đến 9 thành viên thuộc nhóm khác và sẽ giám sát. Đã là ngân hàng đại chúng, việc người ta bỏ ra một đống tiền và mong có “chân” cũng là  hợp lý. Hơn cả hãy để đại hội và các cổ đông bỏ phiếu tự quyết định việc này”, vị chuyên gia phát biểu.

Mất nhiều hơn được!

Tại buổi đại hội vừa rồi, một cổ đông đã hơn 80 tuổi “đau đáu” đứng lên phát biểu: “Chúng tôi không có học đại học nhưng cũng không làm náo loạn ở trên như vậy, chúng ta phải hành xử có văn hóa…”

Còn nói với Tiền Phong, một  đại diện cổ đông lớn của Eximbank không giấu được sự chán nản. “Nếu tình hình cứ căng, chẳng ai chịu ai thế này, rất có thể bên tôi sẽ tính đến việc bán cổ phần đang sở hữu tại Eximabank để rút ra lo làm ăn”, ông cho biết.

Trong khi đó, một thành viên HĐQT Eximbank thì chia sẻ, để xảy ra những việc “đau lòng” trên là điều không ai muốn. “HĐQT là đại diện cho lợi ích và quyền lợi của cổ đông và chắc chắn phải có trách nhiệm tối cao vì lợi ích của nhóm cổ đông đã tin tưởng bầu mình vào và quan trọng phải làm mọi việc theo đúng pháp luật”, ông khẳng định.

Cuộc đấu quyền lực cứ thế này tới đây Eximbank sẽ ra sao. Bao giờ các nhóm cổ đông lớn thôi căng thẳng và trả lại bình yên cho Eximbank cũng như thực sự tập trung vào hoạt động vì ngân hàng, vì cả lợi ích cổ đông nhỏ? Xét trên mọi bình diện, đã đến lúc các nhóm cổ đông lớn của Eximbank phải cùng ngồi lại mà thương thảo cho thấu đáo vấn đề. Nếu không, dù muốn hay không Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ phải xắn tay vào “phân xử” theo pháp luật.

Căng quá sẽ cho thanh tra bất thường tại Eximbank

Ngày 27/5, trao đổi với Tiền Phong, một đại diện lãnh đạo NHNN khẳng định NHNN sẽ không can thiệp vào câu chuyện nội bộ của Eximbank. “Các nhóm A,C,B muốn sở hữu hay có chân trong HĐQT thì phải làm đúng luật; trong quá trình thanh tra giám sát NHNN đã đưa ra khuyến nghị và Hội đồng quản trị phải làm theo yêu cầu”, vị này cho biết. Với thực trạng này của Eximbank như trên, NHNN sẽ làm gì? Theo vị lãnh đạo này, nhóm cổ đông có quyền đề cử, HĐQT có quyền xem xét, đại hội quyết định. Còn về nhân sự khi đã đề cử lên NHNN sẽ xem xét và chỉ đúng tiêu chuẩn quy định đề ra mới chấp nhận. Tình hình mà căng quá, đại diện NHNN nhấn mạnh, cần thiết sẽ cho thanh tra bất thường tại Eximbank.

MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.