EVN sẽ cung cấp miễn phí 20 triệu đèn compact

EVN sẽ cung cấp miễn phí 20 triệu đèn compact
(TPO) EVN cho biết đối tượng thay thế là tất cả các hộ gia đình và các cửa hàng, quầy hàng buôn bán nhỏ ở mặt phố đang sử dụng đèn sợi đốt. Việc thay thế sẽ được tiến hành trực tiếp và miễn phí.

Đây là khẳng định của đại diện Tổng Cty Điện lực Việt Nam (EVN) chiều 16/9 tại cuộc họp báo về Chương trình thay thế 20 triệu đèn sợi đốt bằng đèn huỳnh quang compact.

Theo số liệu điều tra từ các doanh nghiệp sản xuất thiết bị chiếu sáng như Cty Cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông, Cty Điện Quang, hàng năm thị trường trong nước tiêu thụ ổn định khoảng 50 triệu bóng đèn sợi đốt. 2 Cty Rạng Đông và Điện Quang đáp ứng 90% thị phần trong nước, khoảng 10% còn lại là đèn nhập khẩu tiểu ngạch từ Trung Quốc. Liệu với chủ trương này, số phận của các nhà máy trên sẽ ra sao ?

Và sau khi được dùng miễn phí bóng đèn compact lần đầu, liệu người dân có sẵn sàng móc hầu bao để tiếp tục mua đèn compact xài không. Đó là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Ánh sáng đèn compact có gây hại cho mắt, đặc biệt là với những học sinh hay không. Điều này cần phải có những nghiên cứu, khảo sát kỹ lưỡng.

Bài liên quan : Đề án thay 20 triệu bóng đèn liệu có khả thi?

Ý kiến của bạn về vấn đề này

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Tổng giám đốc Tổng Cty Điện lực Việt Nam cho biết EVN coi đây là giải pháp hữu hiệu và cần thiết để khắc phục tình trạng thiếu điện gia đoạn 2006 - 2008.

Theo đó, từ năm tới tháng 7/2006 thay thế 10 triệu đèn (theo tính toán năm 2006 thiếu hụt công suất khoảng 380 MW vào các tháng 4, 5, 6). Từ tháng 8/2006 đến hết năm 2007 sẽ thay thế tiếp 10 triệu đèn tiếp theo.

Về nguồn cung cấp đèn compact, hiện nay trong nước chỉ có 2 doanh nghiệp có dây chuyền sản xuất đèn compact là Cty Cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông 1,5 triệu đèn/năm và Cty Philipp Việt Nam (6,5 triệu đèn/năm). Vì vậy để có đủ lượng đèn cho chương trình thay thế 20 triệu đèn sợi đốt sẽ phải tổ chức đấu thầu quốc tế.

Về kinh phí, bình quân 1,3 USD (20.000đ)/đèn, nếu tính cả thuế nhập khẩu 40% thì giá mua đèn đối với đèn nhập khẩu là khoảng 1,82 USD (29.000đ)/đèn. Giá mua đèn trong nước đã có VAT khoảng 1,7 USD (27.000đ)/đèn. Như vậy để thực hiện chương trình 20 triệu đèn compact cần kinh phí mua đèn khoảng 36 triệu USD (tương đương 569 tỷ đồng), nếu được Chính phủ cho miễn thuế nhập khẩu đèn thì còn khoảng 25,4 triệu USD (tương đương 405 tỷ đồng). 

Hiện EVN cũng đang kiến nghị với Chính phủ miễn thuế nhập khẩu (khoảng 10,6 triệu USD) đối với số đèn nhập khẩu để thực hiện chương trình. Chi phí thực hiện việc thay đèn sẽ được hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh của các Cty điện lực.

Cũng theo ông Hùng, để thực hiện được chương trình thay thế này, các nhà sản xuất trong nước phải từng bước nâng cấp, hiện đại hoá công nghệ, hợp lý hoá dây chuyền sản xuất để nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản phẩm, có giải pháp để hạn chế sản xuất đèn sợi đốt sử dụng trong sinh hoạt...

Ông Hùng cho biết khi sử dụng dụng đèn compact, các hộ sử dụng điện hàng năm sẽ tiết kiệm được một số tiền không nhỏ. Theo tính toán của EVN nếu sử dụng điện 3 giờ/ngày thì trong 1 năm một đèn compact sẽ tiết kiệm được 50 kWh và với tuổi thọ của bóng là 6.000 giờ thì sẽ giúp tiết kiệm được số tiền là 300.000 đồng.

Về mặt quốc gia, nếu thay thế 20 triệu bóng đèn trong số trên với công suất bình quân 60W/bóng bằng đèn compact 11W (có độ sáng tương đương) thì sẽ cắt giảm được lượng công suất cao điểm là: 20 triệu X (60W-11W) x 0,7 = 686 MW và cắt giảm sản lượng 1,1 tỷ kWh/năm. Tuổi thọ của bóng đèn compact 6.000 giờ tương đương với 6 năm sử dụng. Như vậy, sẽ giảm đầu tư 686 MW, nếu phải vay với lãi suất 10%/năm, mỗi năm sẽ bớt 1.000 tỷ đồng trả lãi vay.

Về công suất, trong tổng số khoảng 50 triệu đèn sợi đốt đang sử dụng thì khoảng 80% số lượng đèn sợi đốt có dải công suất 60W, 75 W và 100W. Công suất 15 - 40W chiếm 20% sử dụng cho đèn bàn, đèn trang trí trong các gia đình. Việc đèn sợi đốt được sử dụng phổ biến do giá rẻ 3000 - 4000 đ/bóng và không đòi hỏi chất lượng điện áp trong khi giá đèn compact chất lượng trung bình trên thị trường hiện nay từ 15.000 - 50.000 đ/bóng.

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Nguyen Văn Ngọc; Email: vanngoca@yahoo.com

Tôi không tán thành cách đề xuất về việc dùng đèn compact của EVN. Dúng là nếu chỉ đơn thuần nhìn vào công suất thì việc dùng đèn compact có lợi ích tiết kiệm điện, nhưng không ai nói về ảnh hưởng của nó đối với sức khoẻ.

Theo tôi biết đèn sợi đốt tuy có tốn điện hơn nhưng nó sẽ cung cấp cho con người đầy đủ các dải ánh sáng tương đương như ánh sáng mặt trời; còn đèn huỳnh quang, trong đó có đèn compact, chỉ phát ra giải ánh sáng hẹp. Việc học hành đọc sách dưới ánh sáng này liên tục rất có hại cho mắt.

Ngoài ra các loại đèn này đều phát ra ánh sáng gián đoạn theo chu kỳ của điện áp xoay chiều, kiểu ánh sáng này cũng không tốt cho mắt. Tôi biết ở các nước hiện đại tuy rất tiết kiệm nhưng ngưòi ta cũng chỉ dùng trong sinh hoạt, còn bàn làm việc bàn học cho trẻ em người ta vẫn chỉ dùng đèn sợi đốt hoặc đèn sợi đốt áp suất, nhiệt độ cao (halogen).

Vì vậy, nên chăng EVN chỉ nên khuyến khích người dùng sử dùng đèn này trong sinh hoạt chứ không thể đơn giản là thay hết cho đèn sợi tóc .

Phan Hà; Email: haphanphuc@yahoo.com

Theo tôi, nếu thay được đèn sợi đốt bằng đèn compact là rất tốt. Nhưng tôi có một số suy nghĩ sau:

- Thực tế hiện nay, người dân sử dụng bóng huỳnh quang (bóng neon hay đèn ống) rất nhiều. Việc dùng bóng đèn tròn không còn phổ biến nữa, chủ yếu sử dụng chiếu sáng phụ, không thường xuyên. Do vậy vấn đề cần quan tâm nhiều trong chiếu sáng là cái chấn lưu đèn ống, đây là dụng cụ còn nhiều vấn đề phải bàn và cần khắc phục thêm. Nếu giải quyết được thông số kỹ thuật của chấn lưu đèn ống, theo tôi, sẽ giảm đáng kể mức tiêu thụ điện.

- Một vấn đề nữa là các hộ dùng điện lớn tiết kiệm như thế nào vì "vét nồi mười đầy cười niêu mốt" chỉ một chiếc điều hòa nhiệt độ ngừng sử dụng đã bằng 100 chiếc đèn ống rồi. Mà điều hòa nhiệt độ đã chạy là ròng rã gần như cả ngày (đối với các cơ quan công sở) trong khi chiếu sáng chỉ từ 5 - 7giờ/ngày.

- Việc nữa là ngành điện đã và cần triệt để thực hiện giảm tổn hao truyền dẫn, thất thoát điện trên đường truyền đi. Tôi nghĩ ngành điện không nên đá quả bóng kinh phí từ mình sang người dân như thế.

TỪ LƯƠNG GIANG; Email: tuluonggiang1965@yahoo.com

Tôi là một người tiêu dùng điện, tôi rất đồng ý với cả hai ý kiến của bài viết này, và cũng có một số góp ý nhỏ:

- Về việc đề nghị thay thế 20 triệu bóng sợi đốt là hoàn toàn có cơ sở để chúng ta tiết kiệm điện, giảm áp lực cho nhu cầu năng lượng. Nhưng ngành điện chỉ đưa giải pháp chứ không có những chiến lược tuyên truyền về kinh tế thực thụ của việc tiết kiệm điện. Xưa nay chúng ta chỉ hô hào chung chung như"...tắt một bóng điện trong một giờ là tiết kiệm điện cho nhà nước hàng tỷ đồng"... chứ chẳng ai nói lợi hại cho chính người sử dụng.

- Nguyên nhân để người tiêu dùng điện (nhất là những người nghèo và vùng nông thôn) hay dùng bóng sợi đốt là do giá cả quá chênh lệch giữa hai loại bóng. Bóng điện tử huỳnh quang giá từ 15 000 đồng (bóng Trung Quốc) đến 25 000 đồng (bóng Rạng Đông) trong khi đó bóng sợi đốt có giá từ 2 500 đồng (TQ - 100w) đến 3 000 đồng (VN - 100w). Vì thế, người tiêu dùng hay sử dụng bóng" tròn" cũng có lý của họ.

Về việc bảo hộ cho nền sản xuất trong nước chúng ta phải có giải pháp tổng thể cho việc này.

Theo tôi, trong việc thay đổi việc sử dụng bóng đèn không những cần có ý kiến của các nhà khoa học kinh tế mà còn tập hợp cả các nhà tâm lý học, xã hội học để tìm biện pháp cho vấn đề này, tránh áp đặt và cứng nhắc quá.

Le Thanh Van; Email: vanhoa20052005@yahoo.com

Việc thay bóng đèn compact để tiết kiệm điện là nên làm. Tuy nhiên, nếu ngân sách NN bỏ ra 600 tỷ đồng cho việc thay bóng đèn thì lãng phí, hiệu quả chưa chắc đã cao.

Cần nghiên cú kỹ hệ quả của việc tiết kiệm điện, nếu không thì lợi bất cập hại. Thiết nghĩ chỉ nên vận động người dân sử dụng các thiết bị điện sao cho tiết kiệm, hiệu quả.

Trần Đức Thành; Email: tdthanh @iop.vast.ac.vn

Đúng là EVN đang rất khó khăn vì cung lớn nhiều hơn cầu. Nhưng không vì thế mà lại chi ra khoảng 600 tỷ đồng để cấm một việc mà EVN không thể cấm, đó là sử dụng bóng đèn sợi tóc.

EVN đã đưa ra cách tính rất khả thi. Nhưng một đều tối quan trọng là nếu thực sự đèn compact có lợi thì tại sao công cuộc vận động sử dụng nó tại các nước Đông Nam Á cũng như các nước đã phát triển như Đức không thu được kết quả mong muốn?

Rất đơn giản ngoài những tính năng tiết kiệm nó có nhiều nhược điểm như giá thành cao, tuổi thọ thấp và điều cơ bản là ảnh hưởng đến sức khoẻ. Lâu dài nếu dùng nó sẽ rất dẽ bị các bệnh về mắt như cận thị, sai lệch về màu sắc...

Ngoài những vẫn đề trên thì từ lúc bắt đầu công cuộc mở cửa đến nay việc bóng đèn sơi tóc Việt Nam thắng đựơc bóng đèn Trung Quốc là một kỳ tích. Nếu tôi không nhầm thì các nhà máy chế tạo bóng đèn của ta đã phải phát minh ra công nghệ in phía trong đèn để phía đối tác không làm nhái đựợc.

Hôm nay nếu EVN tài trợ để không sản xuất bóng đèn sợi tóc nữa thì bao nhiều công sức ném ra bể hết, chắc chỉ trong 1 - 2 tuần cả nước sẽ tràn ngập bóng đèn ngoại.

Qua Quý báo tôi rất mong có một diễn đàn để mọi người bày tỏ ý kiến của mình.

Trần Mạnh Dũng; Email: manhdungxf@yahoo.com

EVN có tính tới việc các hộ dân và đặc biệt là các hộ kinh doanh bóng đèn tròn sẽ mang toàn bộ bóng đèn tới đổi không? Giả thiết sau một thời gian sử dụng bóng đèn bị hỏng thì giải quyết thế nào vì người dân sẽ quay lại với bóng đèn tròn, hoặc nếu có người mua thật nhiều bóng đèn tròn để đổi bóng đèn huỳnh quang rồi ngồi chờ hết đợt thay thì sao?

Tôi thấy rằng việc thay bóng này không khả thi.

MỚI - NÓNG