Xung quanh việc EVN trả lại 13 dự án nhiệt điện:

EVN chọn 'nạc', nhả 'xương'?

EVN chọn 'nạc', nhả 'xương'?
TPO - Trao đổi với Tiền phong, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, việc EVN trả lại 13 dự án nhiệt điện với tổng công suất 13.800MW thuộc tổng sơ đồ điện 6 là hành động “khôn”.

Bài toán cấp điện cho giai đoạn 2010-2015 nếu không “giải” nhanh sẽ rất nguy hiểm cho nền kinh tế.

EVN chọn 'nạc', nhả 'xương'? ảnh 1

Công nhân LILAMA Hà Nội lắp đặt tua bin nhà máy Nhiệt điện Uông Bí

Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, với tốc độ đầu tư như nhiều năm qua thì tình trạng thiếu điện của Việt Nam còn kéo dài ít nhất vài ba chục năm nữa. So với Thái Lan, với tốc độ đầu tư hiện nay phải 30 năm nữa Việt Nam mới đuổi kịp Thái Lan bây giờ.

Trong kế hoạch đầu tư phát triển hệ thống điện Việt Nam, ngoài phát triển nguồn điện cho nhu cầu phát triển đất nước từng năm thì cần phải có một lượng điện dự phòng, trước mắt là vài chục phần trăm. Đây không phải là câu chuyện ngày một ngày hai mà phải mất hàng chục năm.

Việc quy hoạch các sơ đồ điện trước đây chỉ xây dựng trong phạm vi 5 năm có tầm nhìn thêm 5 năm. Theo ông điều này đã hợp lý hay chưa?

Theo quy hoạch tổng sơ đồ, từ 2010 - 2015 chúng ta sẽ có thêm trên 30.000 MW, trong đó nhiệt điện chạy than chiếm 26.000 MW. Nhưng như nhà máy nhiệt điện Phả Lại 2 trước đây thời gian đầu tư 3 năm nhưng thực tế từ khi khởi công đến hoàn thành mất 8 năm. Nhà máy nhiệt điện Uông Bí mở rộng do Lilama thi công cũng dự kiến 3 năm nhưng thực tế 6 năm rồi mà vẫn chưa ổn định.

Như vậy chúng ta cần nâng khối lượng, sản lượng và số nhà máy lên cao hơn so với dự kiến. Ví dụ năm 2010 cần 20.000 MW thì ta phải đưa lên 30.000 MW; năm 2015 cần 40.000 MW thì phải đưa lên 70.000 MW. Điều này do bao giờ cũng có sai số...

Trong lúc điện đang thiếu trầm trọng thì Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) trả lại 13 dự án nhiệt điện. Ông có cho rằng hành động này của EVN, cơ quan chịu trách nhiệm chính về phát triển điện năng cho đất nước, là cách chọn miếng “nạc” và nhả miếng “xương” cho người khác?

EVN chọn 'nạc', nhả 'xương'? ảnh 2
Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam

Tôi thấy rằng đây là điều vừa lo, vừa mừng và theo nhận định của tôi là EVN sáng suốt. Có người nói miếng “thịt” thì EVN ăn rồi còn “xương” thì nhả ra. Thực tế không hẳn như vậy. 13 dự án này đều là dự án tốt, tính khả thi cao, tất nhiên phải đầu tư nhiều vốn.

Theo tôi có 3 lý do EVN nhìn nhận được khi “nhả” các dự án này. Lý do trước hết là do EVN không thể thu xếp được hàng trăm nghìn tỷ đồng cho những dự án đó để làm được 13.000 MW nên phải trả lại. Thứ hai là công tác tư vấn, khảo sát thiết kế, lập đề án, lập hồ sơ kỹ thuật, bản vẽ thi công là rất nặng nề.

Theo kinh nghiệm của tôi, một dự án đầu tư từ khi đặt chủ trương đến khi ra được hồ sơ đầy đủ để đấu thầu thi công phải mất ít nhất 3 năm. Cho nên 13 dự án là không phải dễ làm. Trong khi đó, các kỹ sư Việt Nam lại chỉ giỏi về thủy điện còn nhiệt điện thì ít có chuyên gia giỏi, có kinh nghiệm, chưa kể đến đội ngũ công nhân.

Lý do thứ ba là công tác quản lý, điều hành, tổ chức xây dựng, cung cấp vật tư, vật liệu đến ký kết hợp đồng mua sắm thiết bị... là cả một loạt vấn đề nhiêu khê. Cùng với đó, việc đảm bảo nguồn than để vận hành các nhà máy này cũng là vấn đề rất khó do từ 2010 Việt Nam đã phải nhập than cho các nhà máy điện. Nếu nhận vào thì nguồn than ở đâu mà chạy.

EVN đã có bài học thực tế khi xây dựng Phả Lại 2 (công suất 600 MW) nếu tính cả thời gian lập đề án, thu xếp vốn, lập bản vẽ thi công, giải phóng mặt bằng... mất không dưới 4 năm và thi công nhà máy không dưới 6 năm. Trong khi đó đầu tư nhiệt điện chạy than không đơn giản như thủy điện. Tôi cho rằng ai nhận vào các dự án này mà không có sự tính toán, cứ nhận bừa thì chắc chắn sẽ “chết”.

Tôi cho rằng các nhà đầu tư nói chung và EVN nói riêng cần phải cân nhắc, tính toán, kỹ lưỡng nếu làm được thì nhận. Còn nếu không làm được cũng phải tính đường trả sớm bài toán của 13 dự án này nếu không được giải nhanh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc cung cấp điện trong giai đoạn 2010-2015 và thậm chí là một cuộc khủng hoảng thiếu điện trầm trọng, đe dọa nền kinh tế.

Là cơ quan chịu trách nhiệm về phát triển điện năng, có chuyên ngành mà còn không kham nổi thì gánh nặng phải đảm bảo mục tiêu trên 30.000 MW vào năm 2015-2020 sẽ phải giải quyết như thế nào thưa ông?

Để đảm bảo nguồn cung 30.000 MW đưa vào vận hành như dự kiến, theo tôi, trong nước nếu không đáp ứng được vốn thì phải kêu gọi đầu tư nước ngoài. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài hiện rất muốn tham gia vào ngành điện vì đây là ngành có lợi nhuận và có hiệu quả trong các loại đầu tư.

Tuy nhiên, hiện có 3 cái khó đối với nhà đầu tư nước ngoài là: Quy định bắt buộc về đấu thầu; thứ hai là giá điện phải đàm phán qua EVN, trong khi EVN là doanh nghiệp nên bao giờ cũng phải ký hợp đồng mua với giá thấp để tính lời. Thứ ba là các thủ tục hành chính, pháp lý vẫn còn rườm rà, phức tạp. Bây giờ phải cân nhắc, tháo gỡ 3 khó khăn này.

Xin cảm ơn ông

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xin tiếp quản 13 dự án của EVN

Khi đề nghị Chính phủ giao 13 dự án phát triển nguồn điện (gồm Nhiệt điện Duyên Hải 2 (1.200MW); Duyên Hải 3.1; Duyên Hải 3.2; Sóc Trăng 3.1; Sóc Trăng 3.2; Vĩnh Tân 3.1; Vĩnh Tân 3.2 (mỗi dự án 1.000MW); Vũng Áng 3.1; Vũng Áng 3.2; Hải Phòng 3.2; Hải Phòng 3.3; Quảng Trạch (mỗi dự án 1.200MW) và NĐ Hải Phòng 3.1 (600MW), cho nhà đầu tư khác, EVN nêu lí do đã đàm phán với nhiều ngân hàng trong và ngoài nước, nhưng do giá điện thấp và tình hình lạm phát tăng cao, nên tình trạng thu không đủ chi của EVN sẽ không đảm bảo khả năng trả nợ và các ngân hàng từ chối cho vay.

Sau khi EVN đề xuất trả lại 13 dự án điện, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã có văn bản xin làm chủ đầu tư của các dự án này.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.