EU tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc

TP - Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ mong muốn đạt được các thỏa thuận về thị trường nhưng không quên chỉ trích Trung Quốc về chuyện nhân quyền. Nhiều chuyên gia nói đường lối của châu Âu đối với Bắc Kinh đang trở nên cứng rắn hơn. 
EU tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc ảnh 1

Lãnh đạo Trung Quốc và EU đã có cuộc thảo luận đầy căng thẳng với một loạt vấn đề bất đồng. Ảnh: Bloomberg

Trong cuộc gọi video với ba nhà lãnh đạo EU nhằm hàn gắn mối quan hệ đang căng thẳng vì đại dịch COVID-19, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ hy vọng sẽ ký một thỏa thuận bảo vệ lợi ích của các nhà đầu tư châu Âu tại Trung Quốc. Tuy nhiên, trong một cuộc họp báo sau cuộc họp, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, theo mô tả của báo SCMP, khó che giấu sự thất vọng của mình - phản ánh lập trường cứng rắn hơn của EU đối với Trung Quốc về một loạt vấn đề. “Tôi muốn cảnh báo rằng còn rất nhiều việc phải làm” bà nói, khi đề cập khả năng tiếp cận thị trường và tính bền vững.

Nhưng trong khi EU khẳng định ưu tiên của họ vẫn là chuyện Trung Quốc cải cách các quy tắc hạn chế thị trường, họ tỏ ra có lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc ở những vấn đề khác, với cáo buộc rằng Bắc Kinh đã sử dụng coronavirus để thực hiện “ngoại giao khẩu trang”, cũng như lo ngại về vi phạm nhân quyền với luật an ninh quốc gia mới ở Hong Kong.

Không đề cập nước Mỹ, ông Tập kêu gọi EU, vốn coi Trung Quốc là “đối thủ hệ thống”, tôn trọng “sự chung sống hòa bình” của Trung Quốc với phần còn lại của thế giới - nguyên tắc đầu tiên trong bốn nguyên tắc của ông đối với EU. "Không có hai hệ thống chính trị giống hệt nhau trên thế giới", ông Tập nói, theo tường thuật của Tân Hoa Xã.

Bên cạnh việc kêu gọi chủ nghĩa đa phương và đối thoại, ông Tập cũng yêu cầu EU duy trì sự cởi mở khi giao dịch với Trung Quốc, lưu ý các chính sách gần đây của khối về sàng lọc đầu tư nước ngoài, công nghệ 5G và “chính sách cạnh tranh” - liên quan đến các hạn chế trong việc mua lại tài sản ở khu vực EU bằng vốn nhà nước.

Trong một cuộc trao đổi căng thẳng, ba nhà lãnh đạo EU tại hội nghị thượng đỉnh đã thu hút sự chú ý của ông Tập về các vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc - từ Hong Kong đến Tân Cương, Tây Tạng, người nước ngoài bị bắt giữ... Theo Tân Hoa Xã, ông Tập đã phản pháo lại rằng “mọi quốc gia nên quan tâm đầu tiên và hơn hết đến công việc của mình”. “Chúng tôi tin rằng EU có thể giải quyết đúng đắn các vấn đề nhân quyền của chính mình. Trung Quốc không chấp nhận các "bài giảng" về nhân quyền và phản đối các tiêu chuẩn kép”.

Tờ Wall Street Journal đưa tin rằng ông Tập, vào thời điểm này, bắt đầu chỉ ra các vấn đề nhân quyền ở châu Âu, bao gồm cả chủ nghĩa bài Do Thái. Các nhà lãnh đạo EU được cho là đã phản pháo, nói rằng các vấn đề của Trung Quốc mang tính "hệ thống". Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, người cũng tham dự hội nghị thượng đỉnh trực tuyến, đã nêu bật những vấn đề đó trong cuộc họp báo. Ông nói: “Luật an ninh quốc gia đối với Hong Kong tiếp tục gây ra những lo ngại nghiêm trọng. Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc giữ lời hứa với người dân Hong Kong và cộng đồng quốc tế.”

EU cũng yêu cầu ông Tập trả tự do cho ba người nước ngoài "bị giam giữ tùy tiện": công dân Thụy Điển Gui Minhai, hai doanh nhân Canada là Michael Kovrig và Michael Spavor, những người bị bắt giữ được coi là để trả đũa việc Canada giam giữ giám đốc điều hành tập đoàn Huawei là bà Mạnh Vãn Châu.

Noah Barkin, chuyên gia quan hệ EU-Trung Quốc tại tập đoàn tư vấn Rhodium Group, nhận định: “Việc tập trung vào vấn đề Hong Kong và Tân Cương cho thấy các giá trị đang đóng một vai trò lớn hơn bao giờ hết trong mối quan hệ song phương. Các nhà lãnh đạo châu Âu phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong việc kêu gọi Bắc Kinh nhượng bộ”.        

“Trước đây, những vấn đề nhân quyền như thế này được thảo luận sau những cánh cửa đóng kín. Đường lối của châu Âu về Trung Quốc đang trở nên cứng rắn hơn”, Noah Barkin, chuyên gia quan hệ EU-Trung Quốc tại tập đoàn tư vấn Rhodium Group

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.