> Thư Kyoto: Cuối cùng họ cũng ở lại
Bà Connie Hedegaard. |
Theo bà Hedegaard, lụt lội tại Thái Lan, hạn hán tại vùng Sừng châu Phi hay ở bang Texas (Mỹ) hiện nay nhắc nhở chúng ta rằng thách thức về khí hậu luôn là vấn đề cấp bách; biến đổi khí hậu đang trở nên tồi tệ hơn. Báo cáo Tầm nhìn năng lượng thế giới của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) là một lời kêu gọi rõ ràng: Thời gian đang sắp hết và cái giá phải trả sẽ tăng nhiều lần nếu chúng ta không hành động ngay bây giờ.
Cao ủy châu Âu Hedegaard cho rằng, Hội nghị LHQ sắp tới chỉ có thể được coi là thành công nếu thu hút được các quốc gia phát triển vào việc ký cam kết thứ hai của Nghị định thư Kyoto để tiếp nối cam kết thứ nhất khi văn kiện này hết hiệu lực vào năm 2012. Bà cho biết Liên minh châu Âu (EU) ủng hộ Nghị định thư Kyoto, nhưng đồng thời cho rằng nghị định thư này không bình đẳng vì nó định trách nhiệm cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính cho các nước đang phát triển và đã phát triển khác nhau một cách không thỏa đáng. Bà Hedegaard cho rằng, sự bất bình đẳng này nằm ở chỗ một số nước đã phát triển nhưng vẫn được liệt kê là nước đang phát triển, như Singapore, Hàn Quốc, Brazil…
Bà cho biết phát thải liên quan năng lượng của Trung Quốc tăng gấp 3 lần kể từ năm 1990, khiến nước này trở thành quốc gia gây phát thải lớn nhất thế giới. Trung bình, một người Trung Quốc phát thải nhiều hơn một người Bồ Đào Nha, một người Thụy Điển, hoặc một người Hungary. Do vậy, thế giới không thể chống lại biến đổi khí hậu một cách hiệu quả nếu không có cam kết của Trung Quốc và các nền kinh tế đang lên khác.
Bà Hedegaard viết: “Một thách thức khác là Mỹ chưa tham gia Nghị định thư Kyoto và sẽ không tham gia trong khi Nhật Bản, Nga và Canada đã nói rõ họ không có ý định tham gia vào cam kết giai đoạn 2. Nói tóm lại, nếu EU muốn tham gia giai đoạn 2 của nghị định này với một số ít nước phát triển khác thì cũng chỉ có thể chiếm tối đa 16% lượng phát thải của toàn thế giới”.
Cuối cùng, bà Hedegaard cho biết EU hiện bỏ ngỏ khả năng tham gia Nghị định thư Kyoto giai đoạn hai và sẽ chỉ tham gia với điều kiện là tính toàn vẹn môi trường Kyoto được cải thiện và Hội nghị LHQ thống nhất được một lộ trình rõ ràng về mốc thời gian cho việc hoàn thiện khuôn khổ này trong vài năm tới và áp dụng không muộn hơn năm 2020.