Đến lúc này, dù rất nhiều chuyên gia và cả quan chức ngành Lao động TB&XH đều nhấn mạnh: Luật tới đây không nói bắt buộc kéo dài tuổi hưu nhưng hết thảy người lao động đều hiểu việc “ tăng” này đang “mềm dẻo” thể hiện trong quy định đóng 15 năm BHXH được hưởng lương hưu bằng 45% mức lương tính nộp BHXH. Từ năm đóng thứ 16 trở đi, mỗi năm cộng thêm 2%. Như vậy, lao động nữ phải mất 30 năm đóng bảo hiểm (thay vì 25 năm như luật hiện nay) để được hưởng lương hưu mức tối đa bằng 75% lương tính đóng BHXH.
Với người có quyền cao chức trọng, nếu muốn “tham quyền cố vị”, đây sẽ là một cơ hội để họ ở lại thêm. Với cán bộ có năng lực và tâm huyết, có thể ít nhiều họ sẽ tiếp tục đóng góp và cống hiến cho cơ quan, xã hội. Nhưng với một bộ phận không nhỏ là người lao động chân tay từ chị công nhân vệ sinh, bác thợ làm ca ba, thậm chí tới vị bác sỹ , thầy giáo già đứng trên bục giảng… rất có thể họ sẽ cảm nhận đây là một “gánh nặng”cuối đời nếu cố làm cho đặng đủ 30 năm.
Xét đến cùng, câu chuyện về “ngầm” tăng tuổi hưu cho người lao động muôn sự chỉ tại lo vỡ Quỹ BHXH. Những thông tin một vài năm trở lại đây cho thấy nguyên nhân khiến vỡ quỹ có thể xảy ra nhanh hơn là do tỉ lệ thu quá thấp so với mức chi BHXH. Số người tham gia BHXH bắt buộc đang tăng bình quân 0,3 triệu người/năm nhưng số người nghỉ hưởng chế độ một lần lại tăng gấp đôi con số này. Số người đóng BHXH cho một người hưởng lương hưu lại đang giảm từ 217 người trong năm 1996 xuống còn 9,3 người năm 2012. 6 năm nữa, Quỹ BHXH sẽ bắt đầu bị thâm hụt. 20 năm nữa, quỹ này sẽ cạn kiệt đến mức âm. Cơ chế đóng ít, hưởng nhiều, trốn đóng, nợ đọng (hơn 5.000 tỷ nợ khó đòi) đang dồn ứ là nguyên nhân khiến cho quỹ an sinh xã hội lớn bằng 1/4 ngân sách này đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng trầm trọng.
Chống vỡ Quỹ cần làm từ gốc (lo quản lý, lo cân đối vào ra; lo rốt ráo nguồn thu…) chứ như bây giờ, “mềm dẻo” ép khéo người lao động tăng thêm 5 năm làm việc e chừng sẽ khiến lòng dân khó thuận?!