Èo uột cơ giới hóa nông nghiệp

TP - Nhiều ý kiến cho rằng, việc cơ giới hóa nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến nay vẫn rất èo uột, vì thiếu máy móc, vốn và cả nhân viên kỹ thuật.

Máy cũ, chủ yếu nhập ngoại

Cơ khí nông nghiệp “rất ít sản phẩm hàng hóa”, Cục trưởng Cục Chế biến-Thương mại Nông Lâm Thủy sản và Nghề muối (Bộ NN-PTNT) Đỗ Văn Nam nói, vì “mối liên kết giữa các cơ quan nghiên cứu với doanh nghiệp chưa cao”.

Theo ông Nam, mức độ trang bị động lực của nông nghiệp Việt Nam bình quân mới đạt 1,3 CV/ha canh tác. Các nước cơ giới hóa nông nghiệp đạt trên 90% đều có mức trang bị động lực gấp nhiều lần nước ta, như Thái Lan 4 CV/ha, Hàn Quốc 4,2 CV/ha, Trung Quốc gần 6,1 CV/ha.

Máy móc nông nghiệp ở nước ta vừa ít vừa cũ, lại chủ yếu nhập từ nước ngoài. Hầu hết các loại máy xới, máy kéo là nhập từ nước ngoài. Máy gặt lúa của nước ngoài chiếm khoảng 70%, số còn lại chủ yếu của KUBOTA lắp ráp tại Việt Nam và của cơ sở tư nhân chế tạo.

TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, cho rằng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL “yếu và thiếu đồng bộ”. Chỉ có cây lúa được quan tâm nhưng cũng còn rất xa so với nhu cầu.

Khâu làm đất được cơ giới hóa cao nhất, gần 100% diện tích, nhưng chưa đúng kỹ thuật vì nhiều nơi chưa quan tâm san bằng đồng ruộng. Tiếp đến là khâu thu hoạch, với trên 7.000 máy các loại, đảm bảo được khoảng 40% diện tích canh tác. Sạ hàng chỉ khoảng 20% diện tích, còn lại là sạ lan theo lối cổ xưa rất tốn lúa giống và sinh nhiều sâu bệnh.

Vốn ít

Ông Nguyễn Văn Diễn, Giám đốc Cty TNHH Cơ điện Thới Hưng ở Cần Thơ (hơn 20 năm nay sản xuất các dây chuyền chế biến lương thực và thủy sản), nói rằng đang bị khách hàng nợ khoảng 1/3 doanh thu hằng năm.

Ông nói, nợ nần lai rai từ năm 2000, do các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đều thiếu vốn và đến nay tình hình đã rất căng thẳng.

“Nếu nông nghiệp là tấm gương phản chiếu xã hội, sẽ cho thấy ĐBSCL là một khu vực trì trệ và bị tổn thương”, TS Nguyễn Thị Kim Thanh, Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), nói.

Theo TS Thanh, ĐBSCL “huy động tại chỗ chỉ đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu vay vốn. Con số này cũng chứng minh thêm cho sự thu nhập dành để tiết kiệm của khu vực này còn thấp so với mặt bằng chung cả nước”.

Vậy nên đầu tư cho nông nghiệp “phụ thuộc vào nguồn vốn từ thị trường tiền tệ”, cựu Bộ trưởng Thương mại, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia Trương Đình Tuyển nói.

Đi đầu trong cho vay nông nghiệp ĐBSCL là Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam. Chủ tịch Hội đồng Thành viên ngân hàng này, ông Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, tính đến 15-3, cho vay mua máy móc hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch chỉ có 455 tỷ đồng. Một con số quá nhỏ so với dư nợ năm 2011 của ngân hàng này ở ĐBSCL, gần 65.000 tỷ đồng.

Tín dụng cho cơ giới hóa đã rất ít, chi ngân sách cũng không khá hơn. Nghiên cứu của TS Vũ Thành Tự Anh và nhóm tác giả ở Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, tổng chi ngân sách ở ĐBSCL trong giai đoạn 2000-2010 tăng trung bình mỗi năm 15,3%. Trong đó, chi đầu tư phát triển chỉ tăng trung bình mỗi năm 7%.

Theo nhiều chuyên gia, nan giải nhất trong quá trình cơ giới hóa nông nghiệp ở ĐBSCL hiện nay là thiếu cán bộ và nhân viên kỹ thuật. Hhàng vạn người đang vận hành các loại máy nông nghiệp trên đồng ruộng, hầu hết cũng “tự đào tạo”. Còn ở 13 trung tâm khuyến nông của 13 tỉnh, thành ĐBSCL, chỉ có 1 kỹ sư cơ khí nông nghiệp.

Theo Báo giấy