eNetViet: 'Cầu nối' gia đình - nhà trường trong bối cảnh chuyển đổi số giáo dục

0:00 / 0:00
0:00
Giáo dục là một trong những lĩnh vực quan trọng, tác động đến từng gia đình và toàn xã hội. Để giáo dục đạt hiệu quả cao nhất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình - giáo viên - nhà trường, tuy nhiên cuộc sống hiện đại khiến bố mẹ quay cuồng với công việc và có ít thời gian hơn cho việc này. Trong bối cảnh đó, Ứng dụng quản lý điều hành và truyền thông giáo dục eNetViet ra đời trở thành cầu nối của gia đình và nhà trường trong việc giáo dục con cái thời 4.0.

Thu hẹp khoảng cách giữa phụ huynh và nhà trường

Trong xã hội công nghệ số phát triển nhanh chóng như hiện nay, sổ liên lạc điện tử ngành giáo dục ra đời là tất yếu. Trên một số diễn đàn ngành giáo dục, diễn đàn của phụ huynh, sổ liên lạc điện tử nhận được nhiều sự quan tâm. Để giúp độc giả có cái nhìn toàn diện, khách quan dưới nhiều góc độ, phóng viên đã đi sâu tìm hiểu ý kiến phụ huynh, giáo viên, lãnh đạo nhà trường xoay quanh câu chuyện của sổ liên lạc điện tử.

Khởi nguồn của sổ liên lạc bằng hình thức sổ giấy, giáo viên trao đổi nội dung, gửi về phụ huynh. Khi công nghệ phát triển, sổ liên lạc dần chuyển qua hình thức tin nhắn điện thoại, tin nhắn trên nhóm lớp trên mạng xã hội như Zalo, Facebook. Tuy nhiên, những hình thức này vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Trong bối cảnh đó, sổ liên lạc điện tử eNetViet ra đời với những tính năng nổi bật đã giúp kéo gần khoảng cách giữa phụ huynh - giáo viên – nhà trường.

Khi nhắc đến eNetViet, người dùng nhớ ngay đến các tính năng nổi bật như: Giúp giáo viên chủ nhiệm, bộ môn trò chuyện, gửi thông báo lịch học tới phụ huynh trong lớp bằng tin nhắn SMS hoặc tin nhắn đa phương tiện; Giúp cán bộ quản lý, giáo viên nhà trường quản lý điều hành công việc chuyên môn mọi lúc, mọi nơi; Giúp giáo viên, phụ huynh chia sẻ hình ảnh, video về các hoạt động của trường, của lớp và của học sinh từ đó tạo ra cộng đồng kết nối, gắn kết...

Là một giáo viên nhiều năm kinh nghiệm, đã từng trải nghiệm các hình thức sổ liên lạc điện tử khác nhau, cô Vũ Thị Ngọc Mai giáo viên chủ nhiệm lớp 9E, trường THCS Bình Phú (Thạch Thất, Hà Nội) chia sẻ, eNetViet là phần mềm đa ứng dụng, thiết thực trong công tác chuyên môn của giáo viên. Theo cô Mai, eNetViet có nhiều ưu điểm như nhắn tin bằng tiếng Việt có dấu mọi lúc mọi nơi, có thể gửi tin nhắn đa phương tiện, trao đổi hai chiều…

“Khi tôi nhắn tin thông báo với phụ huynh có nhiều khác biệt với các nhóm mạng xã hội như zalo, facebook. Ví dụ, khi gửi tin nhắn trên nhóm zalo không thể biết những phụ huynh nào đã đọc, còn nhắn riêng cho từng phụ huynh thì không khả thi vì quá nhiều. Với eNetViet, khi giáo viên gửi thông báo cho phụ huynh thì biết được số lượng phụ huynh đã xem, những người chưa xem. Ngoài ra, eNetViet là kênh lưu giữ kỷ niệm của học sinh với thầy cô và phản ánh hoạt động của thầy trò nhà trường. Điều tuyệt vời hơn nữa, với trường ở ngoại thành như trường tôi, không phải tất cả phụ huynh đều có điện thoại thông minh hoặc có điện thoại thông minh nhưng chưa cài đặt ứng dụng hoặc không sử dụng thường xuyên 3G, 4G, wifi... Với những phụ huynh này, eNetViet sẽ tự động nhận diện và chuyển đổi tin nhắn sang dạng tin SMS thông thường. Vì vậy, với các thông báo quan trọng, phụ huynh nào cũng nhận được ngay”, cô Mai chia sẻ.

Theo cô Mai, phần mềm eNetViet cũng giúp thu hẹp khoảng cách giữa giáo viên và nhà trường. Trước đây, khi gửi điểm kiểm tra từng môn học, cô Mai phải nhập lên file word, excel. Với eNetViet, phụ huynh sẽ có tài khoản riêng và nắm được tình hình học tập của con để kịp thời động viên, đôn đốc. Cô Mai chia sẻ, từ khi sử dụng eNetViet, phụ huynh và giáo viên cùng nhau đồng hành để sát sao hơn với con trong quá trình học tập.

Chị Hoà (Hà Nội) – một phụ huynh đang sử dụng Ứng dụng eNetViet để theo dõi hoạt động của con tại nhà trường đánh giá, phần mềm có nhiều tiện ích, giúp phụ huynh nắm được cả thông tin từ các thầy cô bộ môn của con.

“Tôi có thể nhận thông tin của giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn khi điểm danh con đã tới trường hay chưa. Khi xin nghỉ học cho con, tôi thao tác trực tuyến cho trên phần mềm rất thuận lợi. Đặc biệt, phần cập nhật tình hình học tập của con, phụ huynh nào cũng quan tâm và eNetViet đã làm tốt. Trước đây, chỉ họp phụ huynh, tôi mới biết kết quả học tập. Bây giờ, qua phần mềm, tôi dễ dàng biết kết quả học tập và những đánh giá, lưu ý của thầy cô với con. Phần đăng hoạt động, tôi cũng thấy rất hay. Những hình ảnh này sẽ giúp phụ huynh yên tâm khi nắm được tình hình của con tại trường và giúp lưu giữ kỷ niệm về tháng năm học trò cho các con”, chị Hoà cho biết.

eNetViet: 'Cầu nối' gia đình - nhà trường trong bối cảnh chuyển đổi số giáo dục ảnh 1

Hình ảnh chia sẻ hoạt động của các con trên eNetViet

Lan toả thương hiệu nhà trường, giảm gánh nặng cho giáo viên

Không chỉ kéo gần khoảng cách giữa phụ huynh và nhà trường trong quá trình đồng hành, giáo dục cùng con lớn lên, eNetViet còn góp phần giúp giảm gánh nặng công việc cho giáo viên. Cô Ngọc Mai chia sẻ, phần xử lý bảng điểm là điều khiến cô thích nhất ở phần mềm này. Trước đây, trên lớp, khi kiểm tra bài cũ, cô Mai phải gọi theo sổ gọi tên, ghi điểm kiểm tra. Về nhà, giáo viên phải nhập lại vào file word trên máy vi tính, tốn nhiều thời gian.

“Với eNetViet, tôi thao tác nhập điểm kiểm tra của học sinh ngay tại trường. Trên phần mềm có hệ thống sổ điểm điện tử. Hệ thống này liên thông với cơ sở dữ liệu ngành giáo dục và khi nhập vào hệ thống, tôi không cần nhập lại hệ thống cơ sở dữ liệu ngành. Phần mềm giúp tôi tiết kiệm thời gian, nhập chính xác dữ liệu trong bối cảnh giáo viên chúng tôi có quá nhiều sổ sách”, cô Mai chia sẻ.

Hơn nữa, phần nhập điểm kiểm tra của giáo viên trên eNetViet rất dễ dàng. Ví dụ, khi nhập điểm thường xuyên chỉ hiện cột điểm thường xuyên và không bị quá nhiều cột như ở cơ sở dữ liệu ngành.

Một trong những ưu điểm giúp eNetViet được giáo viên yêu thích là giải quyết “gánh nặng” thống kê điểm danh, chuyên cần. Trước đây, khi tổng kết học kỳ hoặc cả năm, cán bộ văn phòng, giáo viên rất vất vả khi phải đếm thủ công. Với eNetViet, chỉ cần giáo viên điểm danh, ngay lập tức cán bộ quản lý, nhân viên văn thư và phụ huynh biết thông số. Cuối năm, cô giáo rất nhàn vì không phải đếm số lượng học sinh nghỉ học trong năm học vì trên phần mềm đã hiện rõ.

eNetViet: 'Cầu nối' gia đình - nhà trường trong bối cảnh chuyển đổi số giáo dục ảnh 2

Hình ảnh chức năng của eNetViet cho từng đối tượng người dùng BLĐ trường, giáo viên, phụ huynh

Cô Quyên – Phó hiệu trưởng trường mầm non Hoạ Mi 3 (Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ, một trong những ưu việt lớn nhất của ứng dụng eNetViet là có thể kết nối với cơ sở dữ liệu ngành giáo dục. Thông tin của học sinh, thông tin của nhà trường, cán bộ giáo viên nhất quán và được định danh rõ trên ứng dụng. Thông tin nhanh, có thể thông báo đồng loạt cho học sinh toàn trường. Tin nhắn có dấu giúp phụ huynh nắm bắt chính xác thông báo của nhà trường. Phần mềm này cũng có tính bảo mật riêng tư. Ví dụ, giáo viên chỉ thao tác và xem được thông tin của các lớp mình phụ trách. Phụ huynh cũng chỉ xem được thông tin của con mình và các hình ảnh, hoạt động trong lớp của con mà không thấy được hình ảnh lớp khác, học sinh khác. eNetViet không chỉ giúp cập nhật thông tin của nhà trường, mà còn có thể cập nhật thông tin của phòng giáo dục, sở giáo dục.

“Khi triển khai eNetViet, giáo viên và phụ huynh trong trường rất thích phần mềm này. Ví dụ, phụ huynh có thể xin phép nghỉ học cho con ngay trên phần mềm, còn khi giáo viên điểm danh thì ngay lập tức phụ huynh nắm được thông tin. Phụ huynh xem trực tiếp hoạt động giáo viên tương tác với học sinh tại trường, xem thực đơn bữa ăn hàng ngày, xem chiều cao cân nặng hàng tháng của con... Đôi khi, phụ huynh nghĩ con đi học mầm non chỉ ăn, chơi, không biết con học những gì. Với eNetViet, cô giáo đăng giờ học, cô dạy kỹ năng, môn học của con. Đôi khi, phụ huynh tới công sở, chỉ cần dùng phần mềm eNetViet có thể “khoe” với đồng nghiệp hoạt động của con tại nhà trường. Điều này cũng giúp cho việc phối hợp giữa nhà trường và gia đình dễ dàng hơn, giúp lan toả thương hiệu, uy tín của nhà trường”, cô Quyên chia sẻ.

MỚI - NÓNG