Vụ “Học sinh bị đình chỉ học vì không có hộ khẩu”:

Em Sơn đã có chỗ học

Em Đỗ Hồng Sơn. Ảnh: Nghiêm Huê
Em Đỗ Hồng Sơn. Ảnh: Nghiêm Huê
TP - Như Tiền Phong đã phản ánh, em Đỗ Hồng Sơn bị Trường THPT Trần Hưng Đạo - Thanh Xuân (Hà Nội) đình chỉ việc học do không có hộ khẩu. Trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong, ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, cho biết, Sở này đã giải quyết xong chỗ học cho em Sơn.

Ông Thống nói: Rất tiếc là em Sơn và gia đình cũng như Trường THPT Trần Hưng Đạo – Thanh Xuân đã không có đơn hay báo cáo gì với Sở về việc này. Thông tin mà Sở có được là qua những con đường không chính thức. Nhưng ngay sau khi nhận tin, Sở đã mời ban giám hiệu nhà trường, giáo viên chủ nhiệm, đại diện gia đình em Sơn lên làm việc tại Sở vào sáng 20/2.

T

Em Sơn đã có chỗ học ảnh 1

ông Nguyễn Hiệp Thống

rong cuộc làm việc nhà trường nhận trách nhiệm là đã sai khi vì tình cảm mà làm việc không đúng nguyên tắc, sai quy chế. Chị Hải, mẹ cháu Sơn, cũng nhận trách nhiệm là đã không thực hiện đúng quy định phải có hộ khẩu mới thi vào trường công, lý do là gia đình tưởng sẽ nhập được hộ khẩu, nhưng không ngờ mọi việc lại không diễn ra như ý muốn. Khi nhà trường gọi lên để giải quyết thì trốn tránh, khất lần… Chị Hải cũng đề đạt nguyện vọng có chỗ cho cháu Sơn được học tiếp.

Đại diện Sở GD&ĐT cũng chia sẻ quan điểm của lãnh đạo Sở là cháu Sơn phải được đi học trở lại ngay từ ngày mai (tức 21/2). Hiện trên địa bàn thành phố có 107 trường THPT ngoài công lập, gia đình cháu Sơn thích cho cháu học trường nào Sở sẵn sàng tạo điều kiện để được theo học trường đó. 

Chị Hải liền đề xuất cho cháu được chuyển sang Trường THPT Phan Bội Châu, một trường tư thục ở gần nơi gia đình cháu đang sinh sống. Ngay lập tức, đại diện Sở GD&ĐT đã gọi điện cho hiệu trưởng Trường THPT Phan Bội Châu, vị hiệu trưởng này đồng ý tiếp nhận cháu Sơn.

Để chắc chắn là ngày mai cháu Sơn có thể đi học trở lại được ngay, chúng tôi yêu cầu ngay trong buổi chiều, Trường THPT Trần Hưng Đạo - Thanh Xuân cùng gia đình mang hồ sơ sang Trường THPT Phan Bội Châu làm thủ tục chuyển trường cho cháu. Cuối giờ chiều nay, cô Tâm Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo - Thanh Xuân gọi điện báo cáo với tôi là đã thực hiện đúng yêu cầu của Sở.

Thưa ông, để cháu Sơn học tới 3 học kỳ rồi phải chuyển trường, trách nhiệm này thuộc về ai?

Trong buổi làm việc sáng nay, Sở GD&ĐT đã yêu cầu nhà trường cũng như gia đình phải rút kinh nghiệm. Không thể nói gia đình không có trách nhiệm về việc này được, vì quy định học sinh thi vào trường THPT công lập phải có hộ khẩu đã được phổ biến tới từng em chuẩn bị dự thi. Gia đình cũng nhận là có biết việc này, nhưng vẫn cố tình cho cháu thi vì chủ quan nghĩ rằng sớm muộn gì cũng nhập khẩu được.

Trong hội nghị tuyển sinh cho năm học tới, Sở sẽ đặc biệt lưu ý các trường về việc này. Tránh tình trạng cứ cho các cháu thi rồi nhập học, trong khi chưa có hộ khẩu hoặc phiếu hẹn nhập khẩu của cơ quan công an. Có thể các trường nghĩ đó là thương học sinh, tạo điều kiện cho các cháu, nhưng việc làm đó sai nguyên tắc về gây hệ lụy không tốt cho chính các cháu về sau, đặc biệt gây ảnh hưởng xấu tới dư luận xã hội vì những lý do không đáng có.

Trong thư gửi cho Chủ tịch nước, cháu Sơn nói rằng, cháu đã phải nghỉ học gần hai tháng nay…

Theo báo cáo của nhà trường thì đến hôm nay cháu đã phải nghỉ học tổng cộng 19 buổi…

19 buổi nghỉ học cũng là câu chuyện nghiêm trọng đối với một học sinh…

Đúng thế. Vì vậy mà như tôi đã nói, Sở sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc với nhà trường về việc này. Lẽ ra không được tự tiện đình chỉ việc học của học sinh mà phải báo cáo với Sở. Trong công tác quản lý thì mọi việc phải xử lý theo trình tự. Không phải cứ xảy ra chuyện là ngay lập tức kỷ luật được luôn cán bộ.

Về phía gia đình, khi bị đình chỉ mà có đơn thư ngay với Sở thì chắc chắn không có chuyện nghỉ học 19 ngày đó. Nếu có đơn cho Sở thì chắc chắn sau một ngày, sự việc sẽ được giải quyết ngay. Cũng may là thời gian cháu nghỉ học chưa dài đến mức phải đuổi học, nếu không thì còn to chuyện.

Trường THCS Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) là nơi cháu Sơn từng học ở đó cũng phải có trách nhiệm vì đã để cho cháu Sơn thi vào một trường THPT công lập, dù biết cháu không đủ điều kiện?

Việc đó phòng chuyên môn sẽ làm việc với trường sau. Còn việc cần phải giải quyết ngay lập tức tại thời điểm này là phải có ngay chỗ học cho học sinh trong ngày mai.

Tại sao Sở không cho phép em học nốt ở trường cũ đến hết lớp 12?

Quy định của thành phố là phải thực hiện, không thể vì đã lỡ rồi mà phải giải quyết bởi không chỉ tạo tiền lệ xấu về sau mà càng để cái sai tồn tại lâu càng khó lường hậu quả. Trường này thấy trường kia làm sai được cho qua thì họ cũng sẽ cố tình làm sai. Với lại như thế sẽ không bình đẳng với những cháu không có hộ khẩu khác. Bao nhiêu cháu có nguyện vọng vào trường công lập, nhưng vì không có hộ khẩu đã phải chọn phương án khác. Giờ nếu Sở giải quyết như thế, các cháu sẽ tiếc là sao mình không cố tình cứ nộp hồ sơ…

Mục tiêu quan trọng số một là phải đáp ứng nhu cầu có chỗ học cho học sinh thì chúng tôi đã giải quyết.

Đành rằng là quy định, nhưng quy định đó có thể kiến nghị để sửa khi mà dư luận cho rằng các cháu không có hộ khẩu cũng được quyền học trường công?

Với giáo dục THPT, hiện nay, ngân sách thành phố chỉ có khả năng đáp ứng được chỗ học trong hệ thống trường công lập với số lượng hạn chế. Chỉ có 70% học sinh tốt nghiệp THCS được vào trường THPT công lập. 

Tuy nhiên, ngoài hệ thống giáo dục THPT, thành phố còn có các loại hình trường khác để tất cả học sinh sinh sống trên địa bàn Hà Nội tốt nghiệp THCS đều có chỗ học tiếp. Ngoài 107 trường tư, tất cả các Trung tâm Giáo dục Thường xuyên đều có các lớp học chương trình THPT đầy đủ 11 môn, bằng tốt nghiệp được công nhận bình đẳng như phổ thông, đội ngũ giáo viên tốt, cơ sở vật chất khang trang, học phí thấp, nhiều cháu thi ĐH, CĐ đạt điểm cao.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG