Em muốn làm người nổi tiếng hay chỉ muốn làm phim Tết?

Em muốn làm người nổi tiếng hay chỉ muốn làm phim Tết?
TP - Trong cuộc gặp gỡ báo giới sau khi xong phim "Em muốn làm người nổi tiếng", ý kiến đầu tiên cho rằng phim nhẹ quá, hậu trường ca sĩ khốc liệt hơn và sự hy sinh trong tình yêu cũng không nhỏ nhặt như phim.
Em muốn làm người nổi tiếng hay chỉ muốn làm phim Tết? ảnh 1

Phim về đời sống, hậu trường nghề nghiệp của ca sĩ trẻ nhưng hầu như chỉ đưa ra những khía cạnh tích cực, trong sáng, lãng mạn. “Để thế hệ trẻ nhìn vào còn thấy tương lai sự nghiệp chứ,” NSƯT Nguyễn Đức Việt - đạo diễn phim Em muốn làm người nổi tiếng - nói.

Tổng chi phí làm phim là 2,2 tỉ đồng trong đó 1,8 tỷ là Nhà nước cấp - phim là món quà Tết của Hodafilm - Hãng phim Hội Điện ảnh.

Phim mở đầu bằng một cảnh “nóng” gợi nhớ đến vụ khán giả hành hung bầu sô và ca sĩ ở Thái Nguyên năm kia. Do một ngôi sao không đến kịp buổi biểu diễn trong hội trường tại một vùng quê mà khán giả ở đây đã “nổi giận” bao vây bầu sô và đẩy xe ca của bầu xuống ruộng (thực ra là từ trên đê xuống bãi cỏ không hề hấn gì).

Cảnh vây bắt bầu sô khá giả tạo, bầu sô không có vẻ gì là hoảng sợ, còn khán giả quá khích thì ngô nghê từ mặt mũi đến hành động. Dàn diễn viên trẻ diễn xuất không sâu, đôi chỗ trở nên vụng về.

Thêm nữa phim không có nhiều đất diễn. Các thành viên nhóm hát Stick đều đạt được mục tiêu (nhỏ bé) đề ra, không có sự trả giá đáng tiếc như... mong đợi. Duy nhất có một nhân vật có vẻ thiệt hại là (hình như) phải ngủ với đại gia chỉ để được hát ở quán bar.

Quan hệ của “đại gia” (Minh Tiệp đóng) với Trang nhập nhằng giữa tình yêu và lợi dụng. Ngay cái được coi là tình yêu giữa Nhung (Đan Lê) và nhạc sĩ Huy (Văn Anh) cũng nhập nhằng hờ hững- chẳng ra yêu cũng không hẳn lợi dụng.

Nút thắt mang tính quyết định trong phim là một tai nạn giao thông và trở thành cái cớ để những người bạn cũ đoàn tụ.

Trong cuộc gặp gỡ báo giới sau khi xong phim, ý kiến đầu tiên cho rằng phim nhẹ quá, hậu trường ca sĩ khốc liệt hơn và sự hy sinh trong tình yêu cũng không nhỏ nhặt như phim. Nhà sản xuất cho rằng: “Tác giả đi theo hướng này mình cũng chịu!”. Còn Đạo diễn nói: “Con người có mặt tốt mặt xấu, tôi khai thác mặt tốt!”.

Biên kịch Hà Anh Thu cho biết phim chỉ dùng 50-60% kịch bản của cô- vốn bạo liệt hơn, găng-xtơ hơn, sát phạt thẳng thừng. Nào là chuyện bầu có mới nới cũ- thải ca sĩ, đánh nhau đổ máu, rồi bà bầu đồng tính lừa tiền ca sĩ... đều bị cắt bỏ.

Hà Anh Thu xuất thân ca sĩ, từng có 5 năm đi hát, đã có chồng là nhạc công contre-bass. Cô nói về kịch bản: “Tôi đi hát cảm nhận thế nào viết thế! Có hơi tối tăm một tí”.

Nhà sản xuất Nguyễn Thị Hồng Ngát bày tỏ: “Hà Anh Thu nói nhiều về mặt trái của nghề ca sĩ nhưng phim chiếu Tết chúng tôi không muốn nói. Chúng tôi muốn đẩy vẻ đẹp trong sáng lãng mạn lên, hướng tới khán giả trẻ ngày Tết”.

Có thể hình dung đặc thù của thị trường phim ảnh của ta đã hình thành một dòng phim Tết, không giống như phim thường chăng?! 

MỚI - NÓNG