Người thanh niên tên Mạnh làm nghề lái xe giao hàng, làm sao trong tích tắc có thể băng qua bức tường cao, leo lên mái tôn dốc đứng còn không vững, để kịp dang tay ngửa mặt ôm lấy cháu bé đang lao xuống từ tầng 12? Cho dù cú đón đỡ ấy có phần bị hụt ngoài ý muốn, nhưng cánh tay phải của Mạnh vẫn kịp đưa ra chặn một phần lực rơi của em bé.
Dân mạng tính toán em bé rơi tự do từ độ cao 36 mét lực tác động lên đôi tay anh Mạnh sẽ lên tới hàng trăm kg! Một “món hàng” kỷ lục về trọng lượng trong suốt tháng năm làm nghề tung đón hàng mưu sinh của người đàn ông trẻ ấy. Và tất nhiên sẽ là kỷ lục của sự ngẫu hợp có lẽ cực khó lặp lại. Chỉ có thể nghĩ rằng định mệnh dường như có kết nối gì hai con người này với nhau.
Ông cụ Allan trèo qua cửa sổ viện dưỡng lão, trốn khỏi bữa tiệc sinh nhật lần thứ 100 của mình để bắt đầu cuộc phiêu lưu kỳ thú. Tuổi đã đạt 3 con số, nghĩa là đã sống quá cái tuổi mà tạo hóa quy định, nên cụ quyết làm những việc mình thích. “Có phải lúc nào tôi cũng 100 tuổi đâu”. Còn em bé trèo qua ban công tầng 12 chung cư, tuổi mới 1 con số, tìm cách rời khỏi tầm mắt của bố mẹ, có cuộc phiêu lưu dự tính nào không? Như bao cuộc “phiêu lưu” đau đớn với những đứa trẻ có hành vi tương tự từ khoảng không chung cư 4-5 chục mét, mà không có ai dang tay hứng đỡ phía dưới.
Cơ quan điều tra cố tìm hiểu xem làm sao cụ già trăm tuổi lại có thể tự mình trèo qua cửa sổ mà không có sự giúp sức của ai. Trong khi em bé 3 tuổi vẫn có thể tự trèo qua chiều cao gấp đôi thân mình, bất chấp đó là ngày nghỉ, người lớn đang có ở nhà. Người thân của bé, tuổi đã đạt 2 con số, có cuộc phiêu lưu nào không, khi không nhìn ra mối nguy hiểm hiện hữu giữa mảng ban công lưng chừng trời, với một đứa bé con mình?
Đang có sự tranh chấp căng thẳng xung quanh bản quyền cuốn sách “Trò chuyện với cõi vô hình”. Cõi vô hình ở đâu, trò chuyện có dễ không, với “phép màu” nào? Có dễ như trò chuyện giữa người với người nơi “cõi phàm” này không?
Thế gian ai cũng đòi hỏi sự cao cả thiêng liêng, và khát thèm vô hạn thời gian tuổi tác cho mình. Thời gian em bé rơi tự do từ tầng 12 khoảng gần 3 giây, thì thời gian để chàng thanh niên suy nghĩ và đưa ra quyết định cứu người đầy hiểm nghèo có lẽ cũng chỉ ngần ấy giây. Trong khi tất cả đứng yên không ai kịp phản ứng. Mấy giây ấy, hẳn sẽ dài hơn nhiều những đời người giữa thời thế đầy rẫy sân si và thị phi này.
Trên mạng lại bắt đầu diễn ra tranh cãi về cú đỡ của Mạnh, sau khi “soi” những đoạn clip. Helen Keller (1880-1968), nữ văn sĩ tật nguyền người Mỹ từng nói một ý, rằng thế giới đi lên không phải bởi cú đẩy mạnh mẽ của những anh hùng, mà là bởi tổng hòa những cú đẩy nhỏ bé của mỗi con người bình thường chúng ta.
Còn chúng ta, hãy thử nhìn lại trái tim và đôi tay mình.