Ế ẩm món hàng đắt giá

TP - Trải qua 15 năm làm bóng đá chuyên nghiệp và chuẩn bị bước qua năm thứ 16 nhưng hiện tại, bóng đá Việt Nam vẫn chưa bán được bản quyền truyền hình một cách đúng nghĩa mà phải trao đổi bằng sóng quảng cáo của nhà tài trợ với đài truyền hình.
Với tình hình hiện tại của bóng đá Việt Nam cùng thực trạng của nền kinh tế, khó tin rằng có một doanh nghiệp hay đài truyền hình nào đấy bỏ tiền tỷ để mua bản quyền truyền hình V-League. Ảnh minh họa: Thể thao Văn hóa.

Nếu tính cột mốc năm 2.000 là năm đầu tiên bóng đá Việt Nam tiến hành thí điểm chuyên nghiệp hóa thì chúng ta đã trải qua 15 năm làm bóng đá chuyên nghiệp và chuẩn bị bước qua năm thứ 16. Tuy nhiên, cho đến hiện tại, bóng đá Việt Nam vẫn chưa bán được bản quyền truyền hình một cách đúng nghĩa mà phải trao đổi bằng sóng quảng cáo của nhà tài trợ với đài truyền hình.

Tức là, nếu ở những nền bóng đá chuyên nghiệp thực thụ, các CLB vừa được nhận tiền tài trợ, vừa được nhận tiền bản quyền truyền hình thì ở V-League, 2 khoản tiền này bị ghép làm một, mà ai cũng biết sẽ không có bóng đá chuyên nghiệp thực thụ nếu như không có nguồn thu từ bản quyền truyền hình.

Thật ra thì V-League cũng từng có bản quyền truyền hình theo đúng nghĩa với bản hợp đồng được ký tới 20 năm cùng AVG, nhưng vì tin vào những lời hứa của bầu Kiên, VPF đã làm mọi cách để hủy bỏ bản hợp đồng này vào đầu năm 2012.

Thế nhưng, khi bầu Kiên ngồi tù, lời hứa bán bản quyền V-League với giá hời của ông cũng tan thành mây khói, và hậu quả là đã 4 mùa giải liên tiếp trôi qua, VPF không làm sao tìm được người mua cho món hàng lẽ ra là được giá nhất của mình.

Với tình hình hiện tại của bóng đá Việt Nam cùng thực trạng của nền kinh tế, rất khó tin rằng có một doanh nghiệp hay đài truyền hình nào đấy bỏ tiền tỷ để mua bản quyền truyền hình V-League. Điều này có nghĩa là, món hàng đắt giá của bóng đá Việt Nam tiếp tục ế ẩm.