Duyên tình giữa bác “Sông Lô” và bác “Sông Đuống”

Duyên tình giữa bác “Sông Lô” và bác “Sông Đuống”
Nhân duyên giữa Văn Cao và Hoàng Cầm nảy sinh từ khi cả bác "Sông Lô" và bác "Sông Đuống" cùng “Tiến về Hà Nội”, có dịp gần gũi nhau.

Ngay từ thời tiền chiến, khi Văn Cao từ Hải Phòng lên Hà Nội thì Hoàng Cầm cũng từ Bắc Giang về Hà Nội. Mặc dù Văn Cao đã có bài thơ “Ai về Kinh Bắc” từ mùa thu 1941 nhưng do cách hoạt động văn nghệ của hai người nên Văn Cao và Hoàng Cầm có thể biết tiếng nhau nhưng chưa “năng tương ngộ”.

Trong kháng chiến, Văn Cao có “Sông Lô” chảy cuồn cuộn trong lịch sử âm nhạc, thì Hoàng Cầm cũng có “Bên kia sông Đuống” chảy lai láng trong lịch sử Văn học.

Giữa Văn Cao và Hoàng Cầm có chung một người bạn thân. Đó là Phạm Duy. Những bụi đường trường chinh cũng chưa đủ nhân duyên kết dính hai tài năng này.

Mãi tới hòa bình lập lại ở miền Bắc, khi cả Văn Cao và Hoàng Cầm cùng “Tiến về Hà Nội” thì họ mới có dịp gần gũi nhau. Và nhân duyên giữa hai người cũng nảy sinh từ đó. Sung sướng có nhau, hoạn nạn có nhau.

Sự gặp nhau giữa hai người chính là thơ. Hoàng Cầm từng hồi ức: “Ngày ấy, hằng ngày tôi chỉ đến cơ quan làm việc chừng vài giờ, còn thì phóng xe đạp tới nhà Văn Cao, nhằm thúc giục anh làm thơ…

Ngày nào cũng vậy, chỉ với vài chén rượu suông, hai anh em toàn bàn về thơ. Mà hễ  cứ nói đến thơ là Văn Cao hồ hởi, say sưa. Anh đả phá lối thơ lãng mạn than mây khói gió, đả phá cả những bài thơ giáo điều và giả trá xuất hiện khá nhiều trên báo chí…”.

Chính Hoàng Cầm là người gợi ý Văn Cao viết trường ca về Hải Phòng. Văn Cao viết được chương đầu thì bế tắc. Nhân duyên đã xui khiến Hoàng Cầm giới thiệu cho Văn Cao một “bóng hồng” là em họ vợ Hoàng Cầm ở Hải Phòng.

Hải Phòng là nơi Văn Cao sinh ra và cũng là quê bà Tuyết Khanh – người vợ thứ hai của Hoàng Cầm. Cô em họ vợ này là em họ bà Lê Hoàng Yên – người vợ thứ ba của Hoàng Cầm.

Một thoáng “cảm động sơ” đã xúc tác cho Văn Cao viết xong trường ca “Những người trên cửa biển” chỉ trong vòng nửa tháng. Lúc đó, Hoàng Cầm cũng đang viết trường ca “Tiếng hát quan họ”.

Trong cuộc tranh luận văn nghệ thời kỳ ấy, quan điểm của Văn Cao, Hoàng Cầm cùng Lê Đạt, Trần Dần giống nhau. Cả bốn người cùng in một tập thơ trong đó có “Những người trên cửa biển” của Văn Cao  và “Tiếng hát quan họ” của Hoàng Cầm tại Nhà xuất bản Văn nghệ.

Những năm tháng triền miên trong đau khổ, Hoàng Cầm đã viết xong kiệt tác “Về Kinh Bắc”. Còn Văn Cao thì là những bài thơ ngắn như sự cô đúc của những ngẫm nghĩ sâu sắc được viết bằng chữ bé lí nhí trong những cuốn sổ tay.

Họ đã tựa vào nhau để cùng vượt qua một thời kỳ tưởng chừng không thể vượt qua. Năm 1988, khi Hoàng Cầm cùng Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán được phục hồi hội tịch Hội Nhà văn Việt Nam thì cũng là năm trở lại của âm nhạc trữ tình Văn Cao sau nhiều năm im tiếng.

Và cứ thế, họ song hành trong việc ấn hành những sáng tác được viết ra trong suốt thời kỳ dài “im hơi lặng tiếng”.

Vượt lên trên tất cả những lặt vặt đời thường duyên tình giữa bác “Sông Lô” và bác “Sông Đuống” về cốt lõi là một duyên tình giữa hai nghệ sĩ, giữa hai tài năng lớn.

Xét về âm dương thì hai bác này đúng là hợp cách bởi vì Hoàng Cầm sinh năm Nhâm Tuất 1922 là mệnh dương Đại Hải Thủy. Còn Văn Cao  sinh năm Quý Hợi 1923 là mệnh âm Đại Hải Thủy.

Ngày Văn Cao từ trần, tại lễ tang ở 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, Hoàng Cầm đã hiện diện từ đầu đến phút chót. Tuy không cực thân nhau như Nguyễn Tuân và Văn Cao, nhưng tình thân giữa Hoàng Cầm và Văn Cao cũng có thể ví như câu thơ: “Chúng tôi hai người - một bóng…” của Văn Cao. 

MỚI - NÓNG