Duy trì việc làm, hạn chế tối đa chấm dứt hợp đồng đối với công nhân

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Những tháng cuối năm 2022, đã xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp chế biến gỗ, dệt may, da giầy bị thiếu, cắt giảm đơn hàng dẫn đến nhiều người lao động bị giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống.

Sáng 16/12, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 12 (khoá XII).

Trình bày báo cáo kết quả hoạt động công đoàn năm 2022, ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, những tháng cuối năm 2022, đã xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp chế biến gỗ, dệt may, da giầy bị thiếu, cắt giảm đơn hàng dẫn đến nhiều người lao động bị giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống.

Theo báo cáo của các cấp công đoàn, có 441 doanh nghiệp với tổng số 624.786 lao động tại 25 tỉnh, thành phố, bị ảnh hưởng, trong đó có 562.400 lao động bị giảm giờ làm, 31.370 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, 31.012 lao động nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ hưởng lương ngừng việc.

Duy trì việc làm, hạn chế tối đa chấm dứt hợp đồng đối với công nhân ảnh 1

Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam

Trước tình trạng này, công đoàn các tỉnh, ngành đã chỉ đạo công đoàn cơ sở nắm chắc tình hình sản xuất kinh doanh, đơn hàng và tình hình sử dụng lao động của doanh nghiệp. Đồng thời, tham gia, đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động duy trì việc làm, hạn chế tối đa việc chấm dứt hợp đồng lao động, đảm bảo chi trả các chế độ mất việc làm hoặc thôi việc theo đúng quy định của pháp luật.

Về tình hình chung trong năm 2022, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trên cả nước là hơn 178 nghìn doanh nghiệp, góp phần tạo việc làm mới cho hơn 800 nghìn lao động.

Tuy nhiên, trong năm cũng có 122 nghìn doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động. Tình trạng cán bộ, công chức, viên chức thôi việc hoặc chuyển từ khu vực công sang khu vực tư với số lượng lớn. Nhiều người lao động phải chấp nhận tăng ca, làm thêm giờ để tìm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống. Chất lượng cuộc sống của người lao động có sự chuyển biến, nhưng những vấn đề bức xúc ở các khu công nghiệp tập trung chưa có sự thay đổi rõ nét.

Trong năm qua, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã chỉ đạo công đoàn ngành, địa phương thực hiện một số giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng người lao động hưởng BHXH một lần gia tăng. Đồng thời, phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức giám sát tại một số địa phương, đơn vị về tình hình thực hiện hợp đồng lao động, tiền lương và các vấn đề có liên quan.

MỚI - NÓNG