Trưởng Bộ môn điền kinh Dương Đức Thủy:

Duy trì truyền thống gắn liền với đổi mới

Những thay đổi trong khâu tổ chức giúp giải chạy 60 năm tuổi tươi mới và đầy sức hút. Ảnh: Như Ý.
Những thay đổi trong khâu tổ chức giúp giải chạy 60 năm tuổi tươi mới và đầy sức hút. Ảnh: Như Ý.
TP - Ông Dương Đức Thủy đánh giá cao vai trò của Việt dã toàn quốc và marathon giải báo Tiền Phong, đồng thời cho rằng ở độ tuổi 60, bên cạnh duy trì những bản sắc truyền thống, giải đấu cần có sự đổi mới.

Thưa ông, ông đánh giá thế nào về vai trò của Việt dã đối với sự phát triển của điền kinh Việt Nam?

Đây là giải đấu có bề dày về thâm niên, không chỉ với điền kinh nói riêng mà cả thể thao nói chung. Việt dã toàn quốc và marathon báo Tiền Phong đã giúp điền kinh Việt Nam tạo nên những gương mặt tên tuổi, từ thế hệ các lão tướng như: Bùi Lương, Nguyễn Văn Lợi tới những người sau đó như Lưu Văn Hùng, Đặng Thị Tèo hay Phạm Đình Khánh Đoan... Bên cạnh đó, trong bối cảnh hệ thống giải đấu của chúng ta còn ít, Việt dã hiện vẫn là nơi giúp các VĐV trẻ được cọ xát, thi đấu.

Với truyền thống lâu đời như vậy, ông có cho rằng Việt dã đang đứng trước yêu cầu về sự đổi mới, cải tiến hay không?

Tôi nghĩ đây là một yêu cầu cần được xem xét tới. Đây là một giải đấu có truyền thống, nhưng không phải vì thế chúng ta cứ duy trì mãi những giá trị cũ, không bổ sung thêm những giá trị mới, hoặc thay đổi để phù hợp với xu thế, hoàn cảnh đã khác. Trước đây, nói tới Việt dã Tiền Phong, người dân rất háo hức và nói thật, ở thời điểm đó về mặt xã hội hoá, giải tạo nhiều hiệu ứng tích cực. Còn hiện tại, giải cần được nâng tầm để không chựng lại. Đặc biệt tôi muốn nói tới mặt chất lượng, trong thời đại 4.0 thì việc áp dụng công nghệ có hiệu quả tốt tới chất lượng giải đấu. Về hình thức, chúng ta đang duy trì các cự li cũ, cần tốc độ, trong khi người chơi phong trào ưa chuộng những cự ly dài, không yêu cầu cao về tốc độ.

Nhân việc ông nói tới vấn đề này, thực tế năm nay giải đã bắt đầu áp dụng các biện pháp công nghệ, như sử dụng chip điện tử. Điều đó có tác dụng như thế nào đối với giải đấu?

Tôi cho rằng đó là một thay đổi tích cực. Đối với giải đấu có số lượng người chơi đông như Việt dã, công nghệ sẽ giúp việc xác định thành tích VĐV tốt hơn. Dĩ nhiên, việc áp dụng như thế nào thì cần cụ thể để đảm bảo phát huy được cao nhất hiệu quả của công nghệ.

Một vài năm trở lại đây, số lượng các đơn vị và VĐV từng đoàn tham dự Việt dã có hiện tượng chựng lại. Nhiều đoàn cho biết điều này xuất phát từ việc thành tích ở Việt dã không được tính vào Đại hội TDTT toàn quốc. Theo ông còn có nguyên nhân nào khác?

Đây là một hiện tượng có thật, bởi việc được tính thành tích vào Đại hội TDTT toàn quốc là một sự khích lệ với các địa phương, động viên họ nỗ lực hơn. Tuy nhiên tôi cho rằng một phần đây cũng là vấn đề khách quan trong nhiều năm. Kể cả giai đoạn đỉnh cao, nhiều đoàn đăng ký cự li marathon ở Việt dã Tiền Phong và thành tích được tính vào đại hội thì số lượng thi đấu đỉnh cao cũng chỉ tập trung ở một số địa phương. Thường đây là nội dung chủ lực của họ, ví dụ như Khánh Hoà. Tuy nhiên hiện nay thì khác, nhiều địa phương bị thụt lùi.

Tôi cho rằng trong bối cảnh hiện tại, việc Việt dã Tiền Phong vẫn duy trì được lượng người tham gia như hiện nay là một sự ghi nhận. Chúng ta cần duy trì và phát huy thêm. Đây một phần là trách nhiệm của liên đoàn trong việc xây dựng hệ thống giải đấu quốc gia. Việt dã Tiền Phong lúc này vẫn là số ít giải đấu có tiền thưởng cao, được duy trì tốt hàng năm.

Hai giải gần đây, số lượng người chơi phong trào đang tăng lên. Ông nghĩ sao về hiện tượng này?

Thêm VĐV nghiệp dư tham gia là tín hiệu rất tích cực, thậm chí nhiều VĐV phong trào chạy ngang ngửa VĐV tầm hạng 3 đỉnh cao, dù không được tập chuyên nghiệp. Đây là nhân tố cần được duy trì và khích lệ. Ví dụ năm trước chỉ hơn 30, năm nay đã gấp 5 lần. Chúng ta có thể hy vọng năm sau tăng cao hơn. Tôi nghĩ rằng điều này cũng đặt ra yêu cầu giải thay đổi để bắt kịp xu hướng.

Cảm ơn ông!

Duy trì truyền thống gắn liền với đổi mới ảnh 1  
Duy trì truyền thống gắn liền với đổi mới ảnh 2
MỚI - NÓNG