Dứt khoát cấm bán hàng rong trên phố lớn

Dứt khoát cấm bán hàng rong trên phố lớn
TP - “Mọi hình thức kinh doanh trên vỉa hè sẽ thôi, kể cả bán hàng rong, rửa xe đạp, xe máy cũng sẽ phải thôi hết”- Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo khẳng định như vậy với báo chí bên lề Hội nghị lần thứ mười BCH Đảng bộ thành phố khóa XIV.
Dứt khoát cấm bán hàng rong trên phố lớn ảnh 1
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo

Như vậy, thành phố đã thống nhất trả lại vỉa hè cho người đi bộ?

Đúng thế, phải trả lại vỉa hè cho người đi bộ. Nhưng với xe máy, ô tô thành phố sẽ xem xét, do bãi đỗ xe tĩnh chưa đủ, nếu nghiêm cấm để xe máy trên vỉa hè sẽ khó khăn cho người dân.

Thành phố sẽ phải quy hoạch chi tiết từng khu phố, từng đoạn đường xem chỗ nào rộng nhất, vẫn có thể đi bộ được thì cho để xe. Chỉ những phố thỏa mãn điều kiện đó mới cho phép để xe, nhưng phải để đúng vào những ô kẻ được quy định.

Hiện nay, ta đã có quy định về việc để xe máy trên vỉa hè, tuy nhiên việc thực hiện không nghiêm. Với xe máy, buộc phải dành một diện tích nhất định, nhưng phải rà soát kỹ các điểm đó chứ không tuỳ tiện, cho để tràn lan như trước.

Việc cấm hàng rong thì sao, thưa ông?

Việc này vừa qua Thành ủy cũng nêu ý kiến. Để thực thi được, thành phố sẽ mở ra những điểm chuyên bán hàng rong, quy định những điểm cụ thể, có chợ hẳn hoi. Thực ra, đây là nhu cầu của nhân dân “có người mua mới có người bán”, nhưng vì không quy định các điểm bán hàng, nên người dân mới phải gánh rong đi bán.

Bây giờ thực hiện chủ trương này phải phối hợp đồng bộ nhiều biện pháp: một mặt sẽ quy định những điểm nhỏ, những chỗ quy tụ hàng rong để có trật tự, không gây mất mỹ quan đô thị, như các ngõ phố nhỏ- để bà con có chỗ bán mua.

Còn những đường phố chính, phố lớn dứt khoát nghiêm cấm hàng rong. Xe thồ, xe đẩy bán rong, đợt này cũng phải cấm. Người dân cũng phải chịu khó đi bộ mua những thứ hàng nhỏ, thiết yếu để ủng hộ chủ trương của thành phố.

Năm 2008: Phố Hà Nội sẽ sạch đẹp hơn

Lộ trình thực hiện các việc đó thế nào?

Chắc chắn là phải có lộ trình. Lần này sửa QĐ 227 chỉ là những quy định chung. Còn cụ thể các bước thực hiện thế nào, thành phố sẽ giao cho các ngành, quận, huyện đề xuất lộ trình, có thời gian để những người bán hàng rong chuẩn bị tinh thần thực hiện, bởi họ chủ yếu là người nghèo ở ngoại ô. Nhưng chắc chắn trong năm 2008 sẽ phải thực hiện.

Thành phố sẽ rà soát, quy định lại các điểm chợ cụ thể. Nếu chỉ nghĩ đơn thuần về góc độ hành chính-đô thị thì quyết định sẽ rất dễ, nhưng đây còn là khía cạnh xã hội.

Hà Nội là thủ đô của cả nước, chúng ta không thể bỏ những người dân ngoại ô, phải nghĩ cả đến họ nữa khi ban hành chính sách. Hơn nữa, việc giải quyết việc làm ngay cho người bán hàng rong cũng rất khó khăn.

Đẩy hàng rong vào ngõ phố sẽ lại gây nhếch nhác, quá tải ngõ phố?

Đấy cũng là vấn đề, trước mắt thì phải thế đã. Nhưng trong ngõ cũng phải tìm những góc, những chỗ phù hợp như các chợ “cóc” chẳng hạn. Các chợ “cóc” cũng đã hình thành ở đó, chúng ta sẽ đưa hàng rong vào để quản lý.

Còn ý kiến hàng rong là nét văn hoá?

Tôi cho là cần bảo tồn những giá trị truyền thống, có nét đẹp, nhưng đồng thời cũng phải mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội, đáp ứng cái thẩm mỹ, nhu cầu của xã hội. Những cái bảo thủ lạc hậu, không có nghĩa phải giữ lại.

Xin cảm ơn ông !

Nguyễn Tuấn
Thực hiện

MỚI - NÓNG
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
TPO - Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 24/4 đã công bố gói hỗ trợ an ninh mới cho Ukraine, trị giá ước tính khoảng 1 tỷ USD. Động thái này diễn ra ngay sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD, bao gồm gần 61 tỷ USD dành cho Ukraine.