Đứt gãy thị trường

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nằm gần ổ dịch Khu chế xuất Tân Thuận, nhà tôi ở trong khu vực 3 phường của quận 7 (TPHCM) bị phong tỏa kể từ 18 giờ ngày 9/7, trước khi thực hiện giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị 16 đúng 6 tiếng đồng hồ.

Vì dịch diễn biến phức tạp nên thời gian kết thúc chưa được xác định. Người dân có khoảng 48 giờ để chuẩn bị. Đó là khoảng thời gian mọi người cuống cuồng đi mua sắm lương thực, thực phẩm tích trữ. Đó cũng là thời điểm lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu trong các siêu thị dường như bị vét sạch, trong khi ngoài chợ dân sinh, giá cả các mặt hàng tương tự tăng vọt từng giờ.

Những ngày tiếp theo, tình trạng khan hàng ở siêu thị có phần giảm nhiệt, nhưng người dân trong các khu vực phong tỏa, hạn chế đi lại không thể tiếp cận được. Các app mua hàng qua mạng liên tục nghẽn mạch, không thể kết nối để đặt hàng. Ngay cả khi đặt được nhưng nhiều ngày sau vẫn chưa có hàng. Vì vậy, ở nhiều nơi người dân phải mua hàng hóa với giá cắt cổ.

Trong khi đó, tại các cuộc họp, diễn đàn, những người có trách nhiệm ở thành phố và cả đại diện các hệ thống phân phối luôn quả quyết không thiếu hàng; nguồn hàng, lượng hàng dự trữ gấp nhiều lần bình thường và kênh phân phối đa dạng...

Vậy thì phải có ít nhất một “lỗ thủng” ở đâu đó trong chuỗi cung ứng hàng hóa. Không khó để nhận ra, các nhà quản lý vĩ mô điều hành theo kịch bản có sẵn và căn cứ vào những con số trong kịch bản, vào tổng cung, tổng cầu để xác định hàng thiếu hay đủ. Lượng hàng cứ đúng, đủ theo dự kiến là xem như vỗ tay hoan hô bởi đã hoàn thành nhiệm vụ, không cần biết lượng hàng đó có chảy tới các ngóc ngách thị trường và đến tay người dân thực sự có nhu cầu kịp thời hay không.

Hệ thống siêu thị mỗi ngày đẩy lên kệ một lượng hàng nhất định theo tính toán rồi thôi, nếu hết cũng không tiếp tục châm vào bởi không chuẩn bị kịp nguồn hàng, nhân lực làm để việc đó, hoặc đơn giản là do không có kế hoạch từ trước. Đó là lý do vì sao, trong những ngày cao điểm, các quầy hàng trong siêu thị thường trống trơn.

Việc các kệ hàng trống trơn thường được giải thích theo chiều hướng đổ lỗi cho người dân thiếu bình tĩnh, thiếu hiểu biết thị trường, thậm chí “kém không minh” nên mới cùng lúc gom nhiều hàng tích trữ.

Các nhà quản lý và cả nhà phân phối quên mất rằng, việc người dân mua hàng tích trữ, một mặt để giảm tối đa số lần tiếp xúc bên ngoài; mặt khác người dân trong vùng phong tỏa hoặc hạn chế đi lại, sẽ không thể đi mua hàng tại siêu thị trong nhiều ngày tới. Chưa kể không tránh khỏi tâm lý lo ngại nào đó mà người dân không nói ra. Đó là thực tế khách quan, không thể khác. Nếu các nhà quản lý, tổ chức điều hành bán lẻ mẫn cảm hơn với tình hình thực tế thì sẽ kịp thời có giải pháp thích hợp, lấp đầy hàng ngay cả khi nhu cầu tăng đột biến thay vì đổ lỗi cho người dân.

Cuộc khủng hoảng hàng hóa như những ngày qua đang lộ ra những vết đứt gãy trong chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa, ít nhất trong hoàn cảnh đặc biệt như hiện nay. Nó cũng lộ rõ việc điều hành cứng nhắc dựa trên con số vô cảm của những người có trách nhiệm.

MỚI - NÓNG