> Đã qua những ngày sống trong sợ hãi
Để chống lại tình trạng này, chính quyền cho cạp bờ, làm con đường chạy ven hồ, mặt nước co ngót lại nhưng nói chung, chuyện đóng cọc làm nhà lán tạm bợ rồi vươn mãi ra ngoài đã hạn chế được.
Con đường mới ấy, đứt rời vài chỗ, còn chưa có tên, nhưng đã đem lại đến là lắm cảm xúc. Ban đầu, mở từ Thụy Khuê qua đất Bưởi, Võng Thị, nó cho người Thủ đô một không gian vừa đẹp đẽ, lãng mạn, trong lành, vừa giầu truyền thống.
Những cụ ông đạp xe từ xa lên lặng im ngắm sóng, cụ bà thong thả vẩy tay dưới mái chùa. Những mẹ trẻ chạy theo gót con lẫm chẫm chả sợ tàu xe. Những đoàn học trò tan trường ùa ra ríu rít. Thế là thơ mộng lắm chứ.
Nhưng dần dà quán xá mọc ra nào hải sản đang bơi nào ốc hồ Tây cá sông, tràn sang mé bờ rồi quay lại chiếm cứ hẳn bên này, khiến vỉa hè thành tắc tị. Giờ đi làm, hai ô tô tránh nhau đã gây ùn tắc, xe máy lại tràn lên hè lạng lách, không còn chỗ cho thư thái nữa. “Con đường đau khổ”, như nhiều nơi, đã bò tới thay thế “không gian hạnh phúc”.
Đoạn đường mới mở, quãng Xuân La vòng qua bánh xe Công viên Nước đang còn vắng vẻ, người tập luyện “di trú” đến, thong thả đạp xe rầm rì chuyện vãn. Nhưng ai cũng canh cánh mối lo: ít lâu nữa xe cộ quán xá tràn tới, còn chỗ nào trong lành, tĩnh mịch để mà “sơ tán”?
Đường ven hồ, như thế, rất nên được xác định đúng chức năng. Vòng quanh vùng nước trời thơ mộng, nhiều thắng cảnh, di tích, chùa miếu, tính chất lịch sử, văn hóa của nó phải được tôn lên hàng đầu. Ô tô cần cấm ngặt, những mưu sinh đưa ra vòng ngoài, để chỗ cho xe máy, xe đạp, người đi bộ hoạt động, tập thể dục. Như thế, cái đô thị Hà Nội đã quá ngột ngạt sẽ tồn tại được một “không gian hạnh phúc” hiếm hoi.
Đã “thương” thì “thương” cho trót, đừng để cái đường viền của “lá phổi” bị nhiễm đen.