Đường Vành đai 3 TP HCM được áp dụng chính sách đặc biệt về nguồn vốn đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sáng 16/6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh với 95,38% đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.
Đường Vành đai 3 TP HCM được áp dụng chính sách đặc biệt về nguồn vốn đầu tư ảnh 1

Đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh khoảng 76,34 km, chia thành 8 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công; sơ bộ tổng mức đầu tư là 75.378 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) giai đoạn 2021 - 2025 là 61.056 tỷ đồng; Nguồn NSNN giai đoạn 2026 - 2030 là 14.322 tỷ đồng.

Về tiến độ, chuẩn bị đầu tư, thực hiện Dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.

Nghị quyết cho phép Dự án được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt về nguồn vốn đầu tư. Theo đó, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là 17.146 tỷ đồng đã bố trí cho Bộ Giao thông vận tải giao về các địa phương để thực hiện Dự án, trong đó TP Hồ Chí Minh là 10.627 tỷ đồng, tỉnh Đồng Nai là 856 tỷ đồng, tỉnh Bình Dương là 4.266 tỷ và tỉnh Long An là 1.397 tỷ đồng. Cho phép tăng tổng mức vốn trung hạn trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn vốn dự kiến tăng thu của các địa phương.

Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp Bộ Tài Chính, các Bộ, cơ quan Trung ương, các địa phương liên quan xây dựng phương án thu hồi vốn đầu tư Dự án (không bao gồm đường song hành (đường đô thị)) hoàn trả vào ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo tỷ lệ vốn góp đầu tư Dự án (không bao gồm ngân sách địa phương đầu tư đường song hành (đường đô thị)).

Nghị quyết giao UBND TP Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện Dự án bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ toàn Dự án. Trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án trong thời gian Quốc hội không họp, Quốc hội ủy quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Tiếp thu, giải trình trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, có ý kiến đề nghị làm rõ lý do đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội được đề xuất phương thức đầu tư PPP, trong khi đó đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh lại được đề xuất áp dụng hình thức đầu tư công.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho biết, đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh đã được Chính phủ nghiên cứu để đầu tư theo phương thức PPP, tuy nhiên theo tính toán thì thời gian hoàn vốn của Dự án cần khoảng 28 năm, dẫn tới việc đầu tư theo phương thức PPP là khó khả thi nên không có nhà đầu tư tiềm năng quan tâm tham gia đầu tư.

Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay việc thu xếp, tiếp cận nguồn tín dụng của các nhà đầu tư còn khó khăn, trong khi đó, Dự án có tính chất quan trọng, cấp bách, vì vậy đề xuất của Chính phủ là có cơ sở.

Một số ý kiến cho rằng phương án đầu tư phân kỳ 4 làn xe, bề rộng nền đường 19,75m, không có làn dừng xe khẩn cấp sẽ khó bảo đảm an toàn giao thông, dễ xảy ra tình trạng ùn tắc. Có ý kiến đề nghị cân nhắc đối với những đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn nên đầu tư theo quy mô cao tốc hoàn chỉnh.

Theo UBTVQH, trong thời gian đầu khi lưu lượng giao thông chưa quá cao, việc đầu tư theo phương án phân kỳ bề rộng nền đường mặt cắt ngang 19,75m sẽ phù hợp với nhu cầu vận tải và khả năng cân đối vốn. Tuy nhiên, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sẽ được thực hiện theo quy mô 8 làn xe hoàn chỉnh để thuận lợi cho việc mở rộng về sau và bảo đảm tầm nhìn dài hạn.

Để bảo đảm an toàn giao thông trong khai thác, dự kiến các điểm dừng xe khẩn cấp sẽ được bố trí hợp lý, kết hợp với việc vận hành đường bộ cao tốc thông qua hệ thống giao thông thông minh nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các tình huống cấp bách để bảo đảm giao thông được thông suốt.

Trong bối cảnh ngân sách còn hạn chế, căn cứ theo nhu cầu vận tải thì việc đầu tư giai đoạn 1 với quy mô phân kỳ là phù hợp. Theo kết quả dự báo nhu cầu vận tải cho thấy đến năm 2045 mới cần thiết nghiên cứu mở rộng hoàn chỉnh.

MỚI - NÓNG
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
TPO - Bộ Xây dựng đề nghị TP Hà Nội có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng... để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án, tạo nguồn cung cho thị trường và tận dụng được nguồn vốn ưu đãi phát triển.
Xử phạt hơn 275.000 'ma men' chỉ trong quý 1
Xử phạt hơn 275.000 'ma men' chỉ trong quý 1
TPO - Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong quý 1, lực lượng Cảnh sát giao thông trên toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 1,03 triệu trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông. Trong đó, có hơn 275.100 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.